Lời tiễn biệt Dương Tường gia đình dành vinh dự cho người em thân thiết của ông - nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên - viết và đọc trong tang lễ nhà thơ, dịch giả Dương Tường sáng 1-3 tại Nhà tang lễ quốc gia ở Hà Nội.
Dương cầm lạnh, Tình khúc 24 tiễn biệt "người tình" Dương Tường
Dương Tường ra đi trong một buổi tối mùa xuân ẩm ướt, lạnh lẽo, nhưng những ngày sau đó trời nắng bừng và se lạnh như mùa thu - cái mùa quyến rũ nhất của Hà Nội. Một món quà xứng đáng dành cho một người yêu Hà Nội và cũng rất Hà Nội.
Để rồi ngay buổi sáng tiễn đưa Dương Tường về cõi vô cùng, trời lại một bầu xám xịt, buồn bã, lạnh và lớt phớt mưa bay.
May thay, những ân tình bạn bè văn chương, nghệ thuật dành cho tác giả Dương cầm lạnh trong mấy ngày qua và tiếp tục mang đến buổi tang lễ tiễn đưa ông sáng 1-3 thừa xua đi cái buồn, lạnh của trời.
Chỉ còn những ấm áp, đẹp đẽ của ân tình mà gia đình, bè bạn, văn giới, độc giả mến mộ đến tiễn một cuộc đời trọn vẹn cho văn chương và cho tình người.
Nhà thơ Dương Tường trình diễn cùng ca sĩ Thùy Dung ca khúc Dương cầm lạnh do Phú Quang phổ nhạc - Nguồn: Kazenka
Như tình yêu thương rộng dài của công chúng dành cho người thơ Dương Tường mấy chục năm qua, lễ tang của ông chứng kiến rất đông bạn bè, người của nhiều giới từ văn chương, hội họa, xuất bản, sân khấu, điện ảnh, báo chí, đại sứ quán Pháp... đến từ khắp cả nước, và cả những vòng hoa từ nước ngoài, đến tiễn đưa một người hiền.
Lễ tang nhà thơ Dương Tường - tác giả của những bài thơ tình lãnh mạn mà thấm sâu, cắt cứa - diễn ra trong những giai điệu đẹp của Dương cầm lạnh, Tình khúc 24 mà nhạc sĩ Phú Quang đã phổ từ những lời thơ rất tình của Dương Tường.
Âm nhạc cùng tình người đến với Dương Tường sáng nay đã cộng cảm nên một bầu khí quyển đẹp của thơ - nhạc - tình. Một khí quyển luôn ăm ắp vây quanh một đời chỉ đi giữa cái đẹp của văn chương, nghệ thuật và tình người.
Nhiều người đến tiễn đưa ông với tâm thế tiễn đưa một người hiền vừa quy tiên. Họa sĩ, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân từ TP.HCM đã tới tiễn người bạn vong niên với một tâm trạng như thế, nhưng cũng không tránh khỏi những thương nhớ vơi đầy dành cho một mảnh hồn của Hà Nội đã ra đi.
Dương Tường là người cuối cùng trong nhóm bạn văn bốn người thân thiết cùng trang lứa ra đi. Thế nên, cuộc đi cuối cùng này đành rằng là một cuộc chia ly với những người ở lại, nhưng cũng là một cuộc hội ngộ với những người bạn hiện ở cõi thênh thang.
Vì cuộc hội ngộ ông từng chuẩn bị kỹ cho mình này, và vì những tình cảm thương quý bao người dành cho người vừa nằm xuống, Dương Tường trên ấy đang mỉm cười.
Khúc tiễn đưa Dương Tường - người tình của tiếng Việt
Điếu văn cảm động của Phạm Xuân Nguyên dành cho người anh thân quý chẳng nhiều lời liệt kê công trạng tổng kết về một cuộc đời.
Chỉ có những lời thương yêu cho một người cả đời thương yêu, thương yêu con người và thương yêu cái đẹp, thương yêu tiếng Việt, thương yêu văn chương. Con người mà Phạm Xuân Nguyên gọi là "người tình".
"Ông là người tình đam mê của những trang văn chương nhân loại hay đẹp đến độ từ chỗ ban đầu dịch sách như một cách kiếm sống, ông đã hiến cả đời mình làm con ngựa thồ văn hóa qua biên giới ngôn ngữ và làm sứ giả văn chương cho các tác phẩm nước ngoài nhập tịch tiếng Việt, văn Việt…
Hơn năm mươi tác phẩm lớn của nhiều nhà văn lớn ở nhiều nền văn học lớn đã thành quen thuộc với người Việt qua tài tiếng Việt của ông…", ông Phạm Xuân Nguyên dành những lời đánh giá tài năng và đóng góp trong dịch thuật văn chương của Dương Tường mà nhiều người sẽ tán đồng.
Ông khẳng định Dương Tường không phải dịch giả theo nghĩa thông thường là người chuyển ngữ. Ông đích thực là đồng tác giả như tiêu chí và đòi hỏi ông đặt ra cho mình khi dịch.
Tác phẩm gốc càng khó ông càng thích thú vì thấy năng lực của mình được thêm thách thức, thêm có cơ hội bộc lộ và thể hiện qua con chữ tiếng Việt.
"Ông là người tình gan ruột của tiếng Việt như duyên nợ tiền kiếp. Tiếng Việt đẹp đẽ, trong sáng, giàu biểu âm biểu thanh biểu ý biểu nghĩa biểu cảm đã cho ông những trang sách dịch và những trang thơ, trang viết mang đặc hiệu Dương Tường.
Ông sung sướng được đắm chìm vào đại dương bao la sâu thẳm của tiếng mẹ, phát hiện ở đó còn nhiều tầng vỉa giấu kín, và ông tận tụy khai thác sự đẹp giàu của tiếng ta cho thơ cho dịch", Phạm Xuân Nguyên kính trọng gọi Dương Tường là người tình của tiếng Việt .
Không những thế, Dương Tường còn là người tình không tuổi của người văn thơ, người hội họa, người sân khấu, người âm nhạc, theo nghĩa Dương Tường kết thân rộng rãi với nhiều giới trong làng nghệ thuật và nhiều lứa, đặc biệt thích kết nối với người trẻ sáng tạo.
Mà không chơi theo lối cậy quyền huynh thế phụ, ông chơi với họ ngang hàng phải lứa. Cũng không chơi để chỉ lấy vui, lấy lây lan cái trẻ trung của người trẻ, mà để thúc đẩy họ tìm tòi sáng tạo, yêu thương và bảo vệ họ, như lựa chọn nhất quán trong đời ông: "Đứng về phe nước mắt".
Rồi đây, câu nói nổi tiếng "Tôi đứng về phe nước mắt" sẽ không chỉ được cháu con cho khắc trên mộ chí ông, mà nó được khắc tạc mãi trong lòng bạn đọc.
Để lứa độc giả này tiếp nối lứa độc giả kia sẽ mãi nhớ về ông - nhà thơ, dịch giả Dương Tường - người "đứng về phe nước mắt".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận