TTCT - Giới siêu giàu luôn có cách che giấu tài sản theo cách ít ai ngờ nhất. Tiếp sau sự kiện rò rỉ thông tin gây chấn động - hồ sơ Panama năm 2016, thế giới mới đây lại dậy sóng với hồ sơ Pandora - tài liệu vạch trần cách thức các tỉ phú, chính trị gia và người nổi tiếng che giấu hàng tỉ USD trước các cơ quan luật pháp bằng những tài khoản ở hải ngoại tại nhiều quốc gia, bao gồm cả Hoa Kỳ. Hồ sơ Pandora có quy mô khổng lồ với gần 12 triệu thư điện tử, bảng tính và các tài liệu mật khác do Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế thu thập được. Ảnh: occrp Có hơn 330 quan chức đương nhiệm và cựu chính trị gia thụ hưởng được nêu tên trong hồ sơ Pandora. Những người này sở hữu lượng tài sản bí mật rất lớn để ở nước ngoài để tránh thuế, bao gồm những tên tuổi như Quốc vương Jordan Abdullah II, cựu thủ tướng Anh Tony Blair, Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta, Tổng thống Ecuador Guillermo Lasso và cả những người được cho là tay chân thân tín của Thủ tướng Pakistan Imran Khan hay Tổng thống Nga Vladimir Putin...Một trường hợp điển hình là Quốc vương Jordan, người bị cáo buộc đã chi hơn 100 triệu USD để mua nhiều bất động sản ở Anh và Mỹ thông qua mạng lưới công ty nước ngoài giai đoạn 2003 - 2017. Thủ tướng Cộng hòa Czech Andrej Babis thì bị cáo buộc che giấu giao dịch mua bất động sản trị giá 22 triệu USD ở miền nam nước Pháp thông qua công ty bí mật ở nước ngoài.Càng giàu càng mưu mẹoThực tế hệ thống tài chính toàn cầu luôn chứa đựng một phần giao dịch mà ta có thể tạm gọi là “tiền bẩn”. Bất chấp nhiều thập niên tiến bộ trong việc tăng cường các chính sách nhằm ngăn chặn nạn trốn thuế và rửa tiền xuyên biên giới, vẫn có các cách thức tinh vi và dễ dàng để giúp nhiều người gửi tiền ra nước ngoài để tránh bị đánh thuế hoặc truy tố.Giới siêu giàu, tuy không phải tất cả, thường là những người thông minh và tài giỏi. Họ kiểm soát được nhiều nền kinh tế, kiếm được nhiều tiền và cũng biết cách cất giấu khối tài sản khổng lồ của mình hiệu quả nhất. Năm 2017, các nhà nghiên cứu tìm hiểu dữ liệu trong các hồ sơ bị rò rỉ của Ngân hàng HSBC và hồ sơ Panama thấy rằng trên khắp thế giới, những người giàu nhất cũng là những người có khả năng tránh hoặc trốn thuế giỏi nhất.Cơ quan Thuế vụ Hoa Kỳ (IRS) ước tính 1% các hộ gia đình giàu nhất nước này không báo cáo, tính trung bình, khoảng 21% thu nhập của họ, mà nhà nước không có cách gì chứng minh hoặc truy thu. Số tiền “thiếu” lẽ ra phải đóng vào IRS cho các mục tiêu xã hội và công cộng đó do hành vi trốn thuế và không tuân thủ đó chỉ riêng giai đoạn 2013 - 2015 ước tính lên tới 391 tỉ USD/năm ở Mỹ. Số tiền này nếu thu đúng và dùng vào đầu tư hạ tầng hay phúc lợi xã hội có thể đã giúp cứu vớt không biết bao nhiêu cuộc đời.Thực tế thị trường tài chính toàn cầu từ lâu đã xuất hiện những định chế tài chính và giới chuyên gia tư vấn hỗ trợ tầng lớp siêu giàu làm sao để bảo vệ tài sản hợp lý nhất. Trong cuốn The Wealth Hoarders: How Billionaires Pay Millions to Hide Trillions (Những kẻ gom góp tài sản: Các tỉ phú chi trả hàng triệu đôla để che giấu hàng nghìn tỉ như thế nào), tác giả Chuck Collins đã mô tả ngành này bằng tên gọi mỉa mai: “công nghiệp phòng vệ cho tài sản” (Wealth Defense Industry).Sau nhiều năm điều ra, Chuck Collins, nhà báo người Mỹ sinh năm 1959, ghi nhận có tới hơn 90.000 chuyên gia trên khắp thế giới, hầu hết là những người rành rẽ các thị trường tài chính, luật lệ, lẫn có quan hệ rộng với giới chính trị, tham gia ngành công nghiệp này, chỉ để phục vụ lớp người siêu giàu chiếm khoảng 0,1% dân số Trái đất. “Họ là các luật sư và kế toán có chuyên môn về quỹ tín thác và bất động sản, luật thuế cũng như am hiểu các giao dịch kinh doanh”, Collins viết.Cách thức phổ biến nhất để giới doanh nhân, các chính trị gia tham nhũng hay các tổ chức tội phạm che giấu tài sản là thông qua một công ty bình phong ở nước ngoài (offshore company), đặc biệt thành lập tại các thiên đường thuế như Panama, quần đảo Virgin thuộc Anh, đảo Cayman, Ireland, Bermuda, Bahamas...Dòng tiền từ tay các đại gia trong nước sẽ lần lượt chảy qua nhiều lớp trung gian để tới các công ty offshore này, rồi từ đó chúng sẽ thay mặt chủ nhân thực hiện các giao dịch mua bất động sản bí mật ở Mỹ, Anh, Thụy Sĩ hay Hà Lan. Điều đáng nói là việc sở hữu và sử dụng một công ty nước ngoài ở một thiên đường thuế không phải là hành động phạm pháp.Các tỉ phú giấu mặt cũng có thể nhờ các thành viên trong gia đình hay bạn thân đứng tên giùm trong các dự án bất động sản, khu biệt thự view biển, du thuyền, máy bay cá nhân hay đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu và tiền ảo.Một thủ thuật khác để che giấu tài sản là thành lập các quỹ tín thác bảo vệ tài sản (Asset protection trusts). Cấu trúc đa dạng và phức tạp, những quỹ này được sử dụng để “tạo ra một ảo tưởng rằng họ đã chia tay tài sản của mình trong khi tiếp tục tận hưởng nó”, theo Collins. Cụ thể, các quỹ tín thác này được xây dựng với các quy tắc và cấu trúc pháp lý mơ hồ hết sức có thể để làm mờ đi tối đa câu hỏi về quyền sở hữu. Chẳng hạn, tỉ phú quá cố người Mỹ Sheldon Adelson đã sử dụng một cơ chế ủy thác phức tạp được gọi là GRAT để chuyển 7,9 tỉ USD cho con cái, tránh được khoản thuế 2,8 tỉ USD lẽ ra họ phải đóng nếu thừa kế tài sản theo cách bình thường.Một thủ thuật phổ biến nữa là chuyển giá (transfer right). Ở đó, các nhà tài phiệt sẽ lên kế hoạch chuyển dịch tài sản giữa các công ty con, tăng khai báo chi phí ở các nước có thuế cao nhằm giảm thuế, đồng thời chuyển lợi nhuận và thu nhập sang các nước có thuế thấp hoặc không có thuế.Khoảng cách mênh môngGần đây hơn, giới siêu giàu còn có xu thế thành lập các “family office” - mô hình quản lý tài sản cho một hoặc một số gia đình, giúp che giấu tiền và giảm bớt gánh nặng thuế hữu hiệu được thực hiện dưới dạng tập thể. Báo cáo Global Family Office Report năm 2019 của UBS và Campden Wealth ghi nhận 68% trong 360 family office được khảo sát được thành lập năm 2000 hoặc sau đó. Sự phát triển về số lượng family office phản ánh sự gia tăng mức độ tập trung tài sản trên toàn thế giới trong hai thập niên qua, đặc biệt nhờ lĩnh vực công nghệ phát triển bùng nổ.Nhìn chung, những vụ như Panama hay Pandora thực ra cũng chỉ là nói cho công chúng rộng rãi chuyện các đại gia hầu như ai cũng đã biết và đã làm bao nhiêu năm qua. Khi đã đạt tới một mức độ tài sản nhất định, có vô số cách thức để những tỉ phú vượt qua rào cản pháp luật mà vẫn “hợp pháp”. Các ngân hàng lớn cũng không ngần ngại tham gia hỗ trợ họ, bởi khoản phí tư rõ ràng rất béo bở. Hệ quả tất yếu là khoảng cách giàu nghèo ngày càng nới rộng. Những cách thức tính toán mới cũng cho thấy khoảng cách đó thực ra là lớn hơn so với nhiều người vẫn tưởng bấy lâu nay.Ví dụ, báo cáo của Viện Nghiên cứu kinh tế Đức (DIW) được báo Spiegel dẫn lại vào tháng 7-2020 cho thấy 1% những người giàu nhất nước này sở hữu tới 35% tổng tài sản, so với 22% như một số báo cáo trước đó; và 10% giàu nhất sở hữu 2/3 tổng tài sản cả nước. Đáng báo động hơn, theo Spiegel, tính toán mới đồng nghĩa không một ai trong 50% những người nghèo nhất ở Đức có tổng tài sản nhiều hơn 22.800 euro (khoảng 600 triệu đồng).Tương tự, nghiên cứu ở Na Uy - một nước Bắc Âu được đánh giá cao về sự bình đẳng - sử dụng các phương pháp mới chỉ ra rằng, trong khi các nhà thống kê trước đây nghĩ rằng 1% giàu nhất nước có thu nhập chiếm 9% tổng thu nhập cả nước, thì con số thực sự phải là 20%, nếu tính cả những gì họ kiếm được nhưng không khai báo.Quản lý con người đã khó, quản lý những người giàu, lại còn là giàu nhất, rồi kiểm soát dòng thu nhập và khối tài sản của họ nữa, thì gần như là một việc bất khả. Ở đâu cũng thế.■Theo báo cáo của Credit Suisse năm 2020, 1% những người giàu nhất thế giới đang nắm giữ 46% tổng tài sản toàn cầu, trong khi 55% những người nghèo nhất nắm giữ 1% tổng tài sản. Khoảng cách này được dự báo sẽ còn lớn hơn nữa vì đại dịch COVID-19. Tags: Trốn thuếRửa tiềnTiền bẩnThiên đường thuếSiêu giàuHồ sơ Pandora
Chiều cao đàn ông tăng là nhờ… đàn bà THIÊN MINH 27/01/2025 Một nghiên cứu mới cho thấy tầm vóc của con người trong thế kỷ qua có sự gia tăng. Tuy vậy, sự gia tăng này lại không đồng đều giữa nam và nữ.
Đường nối Trần Quốc Hoàn cùng hai công trình lớn ở TP.HCM đã thông xe đón Tết CHÂU TUẤN 27/01/2025 Đường nối Trần Quốc Hoàn, đường Dương Quảng Hàm, cầu Bà Hom đã lần lượt được thông xe, giúp người dân có thêm sự lựa chọn đi lại dịp Tết.
Ô tô tông liên hoàn trước cổng chợ hoa Tết, xe máy bị cuốn vào gầm, 4 người nhập viện HỒNG QUANG 27/01/2025 Chiếc ô tô hiệu Toyota tông liên hoàn vào 2 xe máy rồi lao tiếp vào chiếc ô tô màu đỏ đi cùng chiều phía trước trước cổng chợ hoa Quảng An.
Đôi nam nữ bị đâm chết trong đêm 27 Tết TRÀ PHƯƠNG 27/01/2025 Vụ án mạng nghiêm trọng xảy ra tại huyện Diễn Châu, Nghệ An. Một đôi nam nữ bị người bạn cũ đâm chết trong đêm 27 Tết.