Bà Nguyễn Thị Đồng là một trong những lá cờ đầu của phong trào "xé rào", góp phần tạo nên tiền đề đổi mới vào cuối thập niên 1980.
Thế hệ của bà xuất hiện nhiều người dũng cảm, mạnh dạn vượt qua khó khăn khách quan lẫn ràng buộc nội tại, cùng nhau đưa TP.HCM trở thành địa phương được đánh giá năng động nhất nước.
Thời xa xưa ấy, kinh tế đất nước đứng bên bờ vực thẳm, bị cấm vận, bị cơ chế quan liêu bao cấp vây hãm tứ phía.
Các doanh nghiệp nhà nước gần như "bó tay" do thiếu thốn tứ bề. Trong tình cảnh này, bà Đồng cùng với những người như bà Nguyễn Thị Ráo (Ba Thi) - giám đốc Công ty Lương thực TP.HCM, Nguyễn Quang Lộc - giám đốc Nhà máy bột giặt Viso, Lê Đình Thụy - giám đốc Thuốc lá Vĩnh Hội và một số người khác đã đột phá bằng phương thức kinh doanh tự vay - tự trả, tức là vay vốn để mua nguyên vật liệu sản xuất, rồi trực tiếp đưa sản phẩm ra thị trường hoặc bán cho các đơn vị xuất khẩu để thu ngoại tệ.
Cách làm này có thể nói là táo bạo, bởi đụng vào các nguyên tắc bất di bất dịch của thời đó.
Bà Đồng và những người cùng chí hướng biết làm vậy là rất nguy hiểm, có thể phải bị tù tội. Quả thật là đơn thư tố cáo liên tục gửi lên cấp trên, đương nhiên phải chịu không ít áp lực của nhiều đoàn thanh tra xuống tận nơi "sờ gáy".
Họ đều "thoát" khi cấp có thẩm quyền không tìm thấy dấu vết tư túi, doanh nghiệp phát triển tốt, đời sống công nhân được nâng cao, đặc biệt là sau lưng họ có sự nâng đỡ của ông Võ Văn Kiệt - lúc ấy là bí thư Thành ủy TP.HCM.
Ông Võ Văn Kiệt tận mắt nhìn thấy thực tế đầy trăn trở, lắng nghe tất cả mọi sự chòi đạp ở cơ sở. Thấu hiểu những lực cản, ông dùng ảnh hưởng của mình để thúc đẩy sản xuất tại các xí nghiệp, nhà máy.
Ông khuyến khích mở rộng quyền chủ động, "bật đèn xanh" cho chủ trương ba lợi ích: lợi ích Nhà nước, lợi ích tập thể và lợi ích người lao động. Ông khảng khái nói: "Đừng tham ô thôi, nếu làm mà phải đi tù thì tôi sẽ là người đưa cơm".
Dám nghĩ - dám làm như bà Đồng và những người cùng thời tưởng như là chuyện của "cổ lai hy", thế mà khi chúng ta hội nhập sâu vào kinh tế thị trường, hình như câu chuyện này vẫn còn nguyên tính thời sự nóng hổi.
Rõ ràng là hiện nay dù khác trước nhiều, nhưng vẫn tồn tại những rảo cản lỗi thời, thậm chí vô lý.
Phải thẳng thắn thừa nhận quy định hiện hành còn chứa đựng không ít bất cập, đôi khi giữa cái đúng và cái sai, giữa minh bạch và cám dỗ chỉ là lằn ranh mong manh, chệch choạc một chút là có thể rơi vào tình huống ngặt nghèo. Nhưng không thể vì vậy mà chọn con đường "thúc thủ", mặc nhiên trở thành kẻ vô cảm.
Thế mạnh của xã hội phát triển là dám nghĩ - dám làm. Nó luôn xuất hiện ở mọi thời kỳ. Sẽ ra sao khi luôn gò thân trong cứng nhắc, thiếu tính thôi thúc sáng tạo? Chúng ta không tha thứ cho thói vô lối, lợi dụng "xé rào" để kiếm chác.
Nhưng cũng không ủng hộ những con người chỉ biết tuân thủ một cách thụ động, tự thu mình trong tháp ngà. Thiếu quy chế thì tìm cách hóa giải trên cơ sở sáng kiến, hành động lẫn kiến nghị, không ngồi chờ "bề trên".
Tất nhiên là phải vượt qua thách thức trên tinh thần thận trọng, có căn cứ khoa học và có lý lẽ thuyết phục.
Thế hệ của bà Đồng chưa có nghị quyết bảo vệ người dám nghĩ - dám làm của Bộ Chính trị. Họ không cần đến giải pháp "chữa bệnh sợ trách nhiệm". Họ là thế, trong veo vì lợi ích chung!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận