Một số phản ứng bất thường sau khi tiêm phòng vaccine COVID-19 có thể xảy ra như sưng hạch bạch huyết, “cánh tay COVID”, nổi cục máu đông… Các báo cáo cho thấy tác dụng phụ của vaccine COVID-19 có liên quan đến phản ứng miễn dịch của cơ thể với vaccine. Tuy nhiên vẫn có nhiều người lo ngại về tác động bất thường của COVID-19 lên cơ thể, chẳng hạn như vaccine COVID-19 có làm thay đổi chu kỳ kinh nguyệt hay không?
Thực tế, đã có nhiều trường hợp được ghi nhận có sự thay đổi bất thường về chu kỳ kinh nguyệt sau khi tiêm vaccine COVID-19, thế nhưng vẫn chưa có bằng chứng cụ thể cho thấy vaccine có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chu kỳ này. Thay vào đó, những thay đổi về chu kỳ kinh nguyệt có thể liên quan đến sự căng thẳng.
Theo tiến sĩ George Fyffe (bác sĩ khoa phụ sản tại phòng khám Cleverland - Mỹ), nếu nhận thấy những điểm bất thường hay gián đoạn trong chu kỳ kinh nguyệt, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn chính xác. Họ là những người hiểu rõ nhất về những vấn đề diễn ra trong cơ thể bạn, từ đó có thể đưa ra phương án hiệu quả giúp bạn kiểm soát sự thay đổi nội tiết tố.
Chu kỳ kinh nguyệt chịu ảnh hưởng của hệ thống miễn dịch như thế nào?
Tiến sĩ Fyffe cho hay, ít người biết rằng giữa hệ thống miễn dịch và sức khỏe tử cung có mối liên hệ mật thiết. Gần giai đoạn rụng trứng, hệ thống miễn dịch được tăng cường để ngăn chặn bất kỳ tác nhân lây nhiễm can thiệp vào quá trình thụ tinh và làm tổ của trứng. Khi trứng được thụ tinh và làm tổ, hoạt động của hệ thống miễn dịch dần suy giảm để tăng khả năng mang thai.
Ngoài ra, niêm mạc tử cung cũng có thể chịu ảnh hưởng bởi các tế bào miễn dịch, đồng thời những tế bào này có thể bị tác động bởi sự thay đổi nội tiết tố. Nhiễm trùng tử cung có thể là nguyên nhân làm thay đổi chu kỳ kinh nguyệt bình thường của phụ nữ.
“Vùng dưới đồi trong não đảm nhiệm vai trò trung tâm của kiểm soát nội tiết tố. Cơ quan này hoạt động cùng với tuyến yên trước để gửi các thông điệp dưới dạng hormone đến buồng trứng và tử cung. Mục đích nhằm làm tăng hoặc giảm nồng độ hormone, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình rụng trứng, mang thai và sự trở lại của chu kỳ kinh nguyệt nếu quá trình thụ tinh không diễn ra. Ngoài ra, cảm xúc căng thẳng hay việc dùng thuốc trị bệnh căng thẳng cũng có thể ảnh hưởng đến trung tâm kiểm soát nội tiết tố, dẫn đến thay đổi chu kỳ kinh nguyệt.” Vị tiến sĩ chia sẻ.
Theo tiến sĩ Fyffe, căng thẳng quá mức làm gia tăng lượng cortisol trong cơ thể, dẫn đến viêm nhiễm cùng nhiều vấn đề nguy hiểm khác. Ngoài ra, bệnh căng thẳng mãn tính có thể ảnh hưởng đến nhịp điệu sản xuất cortisol của cơ thể. Từ đó gây dư thừa cortisol làm suy giảm quá trình trao đổi chất, hình thành bệnh béo phì, rối loạn giấc ngủ và thay đổi chu kỳ kinh nguyệt.
3 điều phụ nữ cần làm ngay để giúp điều hòa kinh nguyệt
1. Vận động thể thao
Theo tiến sĩ Fyffe: Luyện tập thể thao hàng ngày mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể. Thói quen này giúp kiểm soát lượng đường trong máu và mức insulin, duy trì cân nặng ổn định, phòng ngừa bệnh tim mạch và cải thiện sức khỏe tinh thần. Trong thời kỳ đại dịch, con người có xu hướng ít ra ngoài, lười vận động, do đó dễ nảy sinh cảm giác căng thẳng, lo âu. Việc tập luyện thể thao sẽ giúp cải thiện tâm trạng, giảm bớt tác động của căng thẳng lên cơ thể, ngăn ngừa bệnh tâm lý, từ đó giúp điều hoà kinh nguyệt.
2. Ngủ đủ giấc
Tiến sĩ Fyffe chia sẻ: “Mặc dù lịch trình và công việc của mỗi người khác nhau, thế nhưng mọi người nên duy trì ngủ đủ từ 7 – 8 tiếng/ngày”. Rối loạn giấc ngủ hoặc thời gian nghỉ ngơi không đầy đủ có thể ảnh hưởng đến nội tiết tố, dẫn đến rối loạn chu kỳ kinh nguyệt.
3. Thiết lập chế độ ăn uống khoa học
Một chế độ ăn uống cân bằng là cung cấp đủ lượng carbohydrate, protein, thực phẩm ít chất béo, ít đường và giàu chất sắt. Khi cơ thể được nạp quá nhiều hoặc quá ít thực phẩm đều có thể ảnh hưởng xấu đến chu kỳ kinh nguyệt. Ngoài ra, hãy đảm bảo uống đủ nước mỗi ngày, từ 2 – 2,5 lít nước tùy thuộc vào cường độ vận động, cân nặng và tình trạng sức khỏe.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận