Học sinh cần được tiêm vắc xin để có thể sớm đi học lại - Ảnh: DUYÊN PHAN
Theo lộ trình Bộ Y tế xây dựng, đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch tiêm mũi 1 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi từ tháng 10-2021 nếu đã chuẩn bị đủ điều kiện. Việc tiêm chủng sẽ được thực hiện từ lứa tuổi cao đến thấp; tiêm cho lứa tuổi từ 16 - 17 và hạ dần độ tuổi theo tiến độ cung ứng vắc xin và tình hình dịch tại địa phương.
TP.HCM đã có 21.280 trẻ em mắc COVID-19
Dữ liệu cổng thông tin COVID-19 TP.HCM chiều 16-10 cho thấy tỉ lệ trẻ dưới 18 tuổi nhiễm COVID-19 tại TP chiếm tỉ lệ 5,16%. Với tổng số ca nhiễm của TP.HCM hiện nay là 412.400, số trẻ mắc vào khoảng 21.280 em.
Báo cáo Sở Y tế TP ngày 15-10 cho biết hiện có 981 trẻ em dưới 16 tuổi đang điều trị tại tầng 2 và 3.
Phụ huynh: người háo hức, người âu lo
Chỉ sau một ngày Bộ Y tế có hướng dẫn tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi, ngành y tế, ngành giáo dục TP.HCM đã nhanh chóng tổ chức họp bàn và gửi tờ trình đến UBND TP về dự thảo tổ chức tiêm chủng vắc xin cho trẻ em trong độ tuổi đang sinh sống, học tập trên địa bàn. Nếu cha mẹ và người giám hộ đồng ý tiêm chủng cho trẻ sẽ phải ký phiếu đồng ý và sau tiêm, trẻ được cấp giấy xác nhận.
Chị N.T.T. (42 tuổi, ngụ ở quận 4) nói trong đợt dịch COVID-19 vừa qua thấy hình ảnh nhiều người thân quen mắc bệnh, thậm chí có người tử vong, chị không khỏi lo lắng. Trong khi cả hai vợ chồng đều đã được tiêm 2 mũi vắc xin thì hai con (17 và 11 tuổi) đều chưa được tiêm chủng. Những ngày gần đây, dù vợ chồng chị đã được ra ngoài nhưng luôn "tự hạn chế", bởi rất sợ mang mầm bệnh về lây nhiễm cho các con ở nhà.
"Khi nghe tin TP sắp tiêm vắc xin cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi, tôi mừng lắm vì phần nào bớt đi nỗi lo bấy lâu nay. Chỉ khi TP đẩy nhanh tiêm vắc xin cho trẻ em thì con chúng tôi mới có thể sớm đến trường trở lại" - chị T. chia sẻ.
Trái ngược với sự háo hức của chị T., chị P.T.T.D. (40 tuổi, ngụ ở quận Bình Thạnh) lại khá băn khoăn liệu có nên đăng ký tiêm ngừa vắc xin cho con gái vừa tròn 17 tuổi hay không.
"Tôi có tìm hiểu nếu trẻ có chế độ dinh dưỡng tốt, tập thể dục đều đặn mỗi ngày nếu không may mắc COVID-19 thường sẽ lướt qua được, chỉ một số ít trẻ bị nặng. Tôi vẫn tin tưởng với "tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu" nếu có mắc sẽ như bị cảm thôi, chưa kể tôi hướng dẫn cho con thực hiện 5K rất tốt" - chị D. nói.
Tuy vậy nếu không đăng ký tiêm vắc xin cho con, chị cũng đối diện với muôn vàn nỗi lo khác: "Con có được đi học hay không; nếu được đi học, con có bị hạn chế tham gia các hoạt động trong trường lớp hay không; các bạn, thầy cô có kỳ thị nếu con không tiêm vắc xin hay không...".
Trong khi đó, em P.T.P. (17 tuổi, ngụ ở Phú Nhuận), hiện đang học tại một trường cấp III ở quận 5, khá háo hức khi vừa nghe mẹ thông báo chuẩn bị tiêm vắc xin cho các bạn ở độ tuổi như mình. "Cháu muốn được đi học trở lại. Nếu sau khi tiêm vắc xin cháu được đến trường thì sẵn sàng tiêm nhưng vẫn cần sự đồng ý từ phía ba mẹ" - P. chia sẻ.
Tổ chức tiêm trong 5 ngày
Trẻ từ 12-17 tuổi đăng ký tiêm vắc xin tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Chiến dịch tiêm chủng lần này được Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 TP.HCM giao UBND TP Thủ Đức và các quận huyện đóng "vai trò chủ đạo" phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục, ngành y tế trong việc tổ chức tiêm cho trẻ em, đồng thời chịu trách nhiệm đảm bảo bao phủ vắc xin cho nhóm đối tượng này.
Theo một cán bộ của Sở Y tế TP, lực lượng tiêm chủng lần này cũng là lực lượng đã tiêm cho người lớn trước đó. Tuy nhiên, Bộ Y tế đang chuẩn bị tổ chức tập huấn hướng dẫn và chưa rõ số lượng trẻ được tiêm/một bàn trong một ngày là bao nhiêu.
Dự kiến khi triển khai tại TP.HCM, trẻ sẽ được tiêm bằng nhiều hình thức như tại các cơ sở tiêm cố định (trẻ không đi học); các điểm lưu động và trường học (đang đi học). Với số lượng 780.000 em, ngành y tế TP dự kiến hoàn thành tiêm mũi 1 cho tất cả trẻ trong 5 ngày, tương tự mũi 2 cũng chỉ cần 5 ngày.
Như vậy, trung bình mỗi ngày TP sẽ tiêm cho khoảng 156.000 trẻ em. Trước đó, trong các chiến dịch tiêm vắc xin cho người trên 18 tuổi, tốc độ kỷ lục mà TP đạt được là 341.660 người/ngày.
Theo khảo sát của Tuổi Trẻ, dù Bộ Y tế mới có hướng dẫn và UBND TP.HCM vừa có kế hoạch dự thảo, tuy nhiên nhiều quận huyện đã "đi trước một bước" để rà soát, lên danh sách trẻ từ 12 - 17 tuổi đang sinh sống và học tập trên địa bàn. Đây được cho là hướng đi phù hợp, bởi khi được phẩn bổ vắc xin, các địa phương có thể triển khai tiêm cho trẻ nhanh mà không bị động.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đông Tùng - chủ tịch UBND quận Phú Nhuận - cho biết từ hai tuần trước quận đã yêu cầu các phường rà soát, lập danh sách tất cả trẻ từ 12 - 17 tuổi đang thường trú, tạm trú và lưu trú thực tế trên địa bàn. Qua báo cáo từ các phường, toàn quận hiện có khoảng 15.000 trẻ ở độ tuổi này sẽ được tiêm vắc xin phòng COVID-19 trong thời gian tới. Riêng trẻ ở các trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em, trại trẻ mồ côi... trên địa bàn quận thì do các đơn vị này lên danh sách.
Ông Tùng cho biết thêm từ đầu mùa dịch đến nay, trên địa bàn quận ghi nhận hơn 7.000 ca mắc COVID-19, trong đó có 839 trẻ dưới 18 tuổi và hiện còn điều trị là 22. "Phần lớn các trẻ mắc COVID-19 tại quận đều nhẹ và ít chuyển nặng nhưng nguy cơ trẻ bị lây nhiễm vẫn có. Tiêm vắc xin cho trẻ là cần thiết để đến trường và phụ huynh cũng trông mong các cháu được tiêm từ lâu" - ông Tùng chia sẻ.
Tại quận 4, bà Đỗ Thị Trúc Mai - phó chủ tịch UBND quận - cho biết địa phương đã hoàn tất danh sách trẻ từ 12 - 17 tuổi cần tiêm vắc xin với 12.000 trẻ. Về hình thức tiêm, bà Mai cho biết dự kiến sắp xếp tiêm cố định tại 6 trường THCS và 2 trường THPT trên địa bàn quận. Song song đó, quận tổ chức tiêm lưu động cho những trẻ không thể đến điểm tiêm (như khuyết tật, mắc bệnh...), đồng thời dành một buổi để tiêm cho học sinh đang theo học tại các trường ngoài quận.
Vẫn có nhóm trẻ phải tiêm riêng
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP - cho biết với trẻ khỏe mạnh không có bệnh nền, tiền căn dị ứng, việc tiêm vắc xin COVID-19 cũng như tiêm vắc xin bình thường khác. Còn trẻ có bệnh nền được khám sàng lọc kỹ trước tiêm và được tiêm ở nơi có điều kiện chăm sóc tốt như ở các cơ sở y tế.
"Với trẻ em khỏe mạnh khi tiêm vắc xin thường sẽ an toàn nhưng với trẻ mắc các bệnh như ung thư, các bệnh lý về máu, tim bẩm sinh, hen suyễn... có thể có tác dụng phụ phức tạp hơn. Do vậy những trẻ này nên tiêm trong các bệnh viện để được cấp cứu kịp thời nếu có tình huống bất thường xảy ra" - bác sĩ Tiến khuyến cáo.
Quá trình điều trị cho trẻ mắc COVID-19 tại Bệnh viện Nhi đồng TP, bác sĩ Tiến kể có chứng kiến nhiều trẻ có cơ địa béo phì thường diễn tiến suy hô hấp nặng; trẻ mắc bệnh lý ung thư, huyết học mãn tính, tim bẩm sinh... khả năng phục hồi chậm, thậm chí nguy cơ tử vong cao.
Ngay cả khi không béo phì hoặc mắc bệnh nền vẫn có một số ít trẻ trong độ tuổi 12 - 17 diễn tiến nặng, cần hỗ trợ hô hấp. Và lứa tuổi 12 - 17 khi mắc COVID-19 vẫn có tỉ lệ diễn tiến nặng nhiều hơn lứa tuổi nhỏ hơn.
"Do vậy, các bậc cha mẹ vẫn nên đăng ký cho trẻ đi tiêm ngừa vắc xin phòng COVID-19. Vấn đề bây giờ phụ huynh cần biết cách chuẩn bị chu đáo cho trẻ trước tiêm, trong tiêm và theo dõi sau tiêm theo hướng dẫn tư vấn của các nhà chuyên môn" - bác sĩ Tiến nói.
Nhiều năm kinh nghiệm tiêm các loại vắc xin phòng bệnh cho trẻ, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch - khoa sức khỏe trẻ em (Bệnh viện Nhi đồng TP) - cho rằng việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ cần tuân thủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế và khuyến cáo của nhà sản xuất. So với người lớn, tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi không quá khác biệt. Riêng các trẻ béo phì, có bệnh nền như tim, thận, suy giảm miễn dịch... cần thận trọng trước khi tiêm.
Theo bác sĩ Thạch, với những mất mát từ đại dịch và hiệu quả từ vắc xin phòng COVID-19 mang lại, sẽ có số đông phụ huynh đồng ý cho trẻ tiêm vắc xin. Tuy nhiên, trong trường hợp trẻ chưa được/từ chối tiêm, khả năng nhiễm bệnh ở trẻ này vẫn thấp nếu đến trường.
"Tôi từng biết một gia đình nhiễm COVID-19 nhưng riêng trẻ thì không. Và thực tế cho thấy nếu trẻ nhiễm cũng nhanh khỏi bệnh và ít chuyển nặng, vì bệnh chủ yếu chuyển nặng ở những trẻ có bệnh nền. Do đó, nếu trẻ chưa được tiêm vắc xin phòng COVID-19 vẫn nên đi học bình thường" - bác sĩ Thạch nói.
Sở GD-ĐT: sẽ hỏi ý kiến phụ huynh
Theo ông Dương Trí Dũng - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, hiện nay các cơ sở giáo dục bậc THCS, THPT trên địa bàn TP đang tổng hợp danh sách học sinh từ 12 - 17 tuổi để gửi về sở, phục vụ cho việc tiêm vắc xin ngừa COVID-19 sắp tới.
"Sở GD-ĐT TP và Sở Y tế TP đang cân nhắc, tính toán để trình UBND TP phương án tiêm vắc xin cho học sinh. Nếu cho trẻ tiêm vắc xin ngay tại địa phương nơi mình đang cư trú thì các em sẽ không phải di chuyển nhiều. Tuy nhiên, phương án tiêm vắc xin cho học sinh theo đơn vị trường học cũng đang được chúng tôi xem xét. Nếu thực hiện phương án này thì một số học sinh có thể phải di chuyển xa vì có em nhà ở quận này nhưng lại đi học ở quận khác. Bù lại, việc tiêm vắc xin theo trường sẽ được nhà trường kiểm soát tốt hơn, tránh trường hợp sót lọt không được tiêm" - ông Dũng cho biết.
Cũng theo ông Dũng, thời gian tới ngành y tế sẽ có quy trình tiêm vắc xin đối với trẻ từ 12 - 17 tuổi nhưng chắc chắn ngành giáo dục sẽ hỏi ý kiến phụ huynh. Khi phụ huynh đồng ý mới tiêm vắc xin cho trẻ.
H.HG.
* PGS.TS Trần Đắc Phu (nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế):
Nên tổ chức tiêm cho độ tuổi 16 - 17 trước
Tôi cho rằng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, các tỉnh thành nên thống kê, lập kế hoạch tiêm cho trẻ từ 16 - 17 tuổi trước. Khi tiêm xong ở độ tuổi này sẽ tiến hành tiêm tiếp cho trẻ ở những độ tuổi nhỏ hơn.
Tiêm cho trẻ em có thể tiêm bằng nhiều hình thức như tiêm lưu động, tiêm tại địa phương, tiêm tại trường, tuy nhiên theo tôi, ngành y tế và ngành giáo dục nên phối hợp để tổ chức tiêm ngừa cho các em tại trường học là tốt nhất. Còn những trẻ em không đi học thì có thể tổ chức tiêm tại xã, phường. Trường học là nơi đông người, do đó có nguy cơ cao lây lan bệnh COVID-19. Việc trẻ được tiêm vắc xin phòng khi đi học sẽ tránh được nguy cơ lây bệnh, còn nếu lỡ mắc bệnh thường sẽ không bị bệnh nặng.
* PGS.TS Đỗ Văn Dũng (trưởng khoa y tế công cộng Trường ĐH Y dược TP.HCM):
Không nên bắt buộc tất cả trẻ phải tiêm
Khi người lớn được tiêm chủng đầy đủ, tất nhiên trẻ em sẽ ít mắc và ít nguy cơ nhập viện. Nếu được phân bổ vắc xin tiêm cho trẻ, nên ưu tiên tiêm cho trẻ em bệnh nền, có nguy cơ cao.
Theo tôi, không nên bắt buộc tất cả trẻ từ 12 - 17 tuổi phải tiêm vắc xin mới cho phép đến trường và tham gia sinh hoạt xã hội. Bởi tiêm vắc xin chưa hẳn có lợi ích nhiều về y tế cho trẻ, trong khi nguy cơ bị tử vong do COVID-19 ở trẻ em thấp hơn nhiều so với các nguyên nhân khác.
* Bác sĩ Nguyễn Huy Luân (trưởng đơn vị tiêm chủng Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM):
Trẻ tiêm trước bảo vệ trẻ tiêm sau
Dù trẻ được tiêm hay không tiêm vắc xin, vẫn có nguy cơ nhiễm COVID-19. Tuy nhiên, việc trẻ được tiêm vắc xin nguy cơ lây nhiễm sẽ giảm đi và ít chuyển nặng nếu trẻ nhiễm. Trước mắt, cần tiêm cho những trẻ cấp II, III và sau đó giảm dần độ tuổi. Khi đã có số lượng lớn trẻ được tiêm thì những trẻ chưa tiêm cũng được bảo vệ gián tiếp.
Mong trẻ em làng SOS sớm được tiêm vắc xin
Ông Hoàng Long - giám đốc Làng trẻ em SOS Gò Vấp - cho biết hiện nay làng đang nuôi dưỡng, chăm sóc cho 225 trẻ em, bao gồm trẻ mồ côi hoặc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong số này có khoảng 130 trẻ đang ở các cấp học khác nhau và thời gian qua đều phải học trực tuyến.
Theo ông, hiện 100% cán bộ, người lao động của làng đều tiêm đủ 2 mũi vắc xin, do đó rất mong mỏi cho các con sớm được tiêm chủng đầy đủ. "Cũng giống như bao phụ huynh khác, chúng tôi cũng mong mỏi cho các con mau chóng được tiêm vắc xin để sớm trở lại trường gặp bạn bè, thầy cô" - ông Long chia sẻ và cho biết làng sẽ là người giám hộ, đại diện về mặt pháp luật cho các em trong việc đăng ký tiêm chủng.
VŨ THỦY
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận