Phóng to |
Bác sĩ tiêm tế bào gốc vào khớp gối điều trị cho bệnh nhân - Ảnh: bác sĩ cung cấp |
Anh H. là một trong hơn 30 bệnh nhân được điều trị bằng kỹ thuật này trong hơn nửa năm qua tại khoa chấn thương chỉnh hình 2, Viện Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Việt Đức).
Thêm sự lựa chọn
Bác sĩ Dương Đình Toàn (khoa chấn thương chỉnh hình 2), người tham gia thực hiện kỹ thuật này, cho biết tuổi của hơn 30 bệnh nhân được tiêm tế bào gốc trị thoái hóa khớp gối thời gian qua là từ 40-65, bệnh nhân đều đã có biểu hiện đau khớp gối, cứng khớp trong khoảng 30 phút vào mỗi buổi sáng, hình ảnh chụp X-quang thường quy thấy có dấu hiệu gai khớp gối.
Theo bác sĩ Toàn, ngoài những biểu hiện kể trên, quy trình xác định bệnh nhân có sử dụng được liệu pháp điều trị này hay không còn thông qua chụp cộng hưởng từ, mức độ thoái hóa được chia thành bốn nhóm từ 1-4, trong đó mức độ 1 bệnh nhân chưa đau nhiều, thậm chí không đau, có thể điều trị bằng nội khoa.
Bệnh nhân thoái hóa mức độ 4 thì khớp gối đã bị biến dạng, hẹp khe khớp, phải thay khớp gối toàn phần mới có thể can thiệp hiệu quả các triệu chứng đau và ảnh hưởng tới sinh hoạt.
"Còn phải đợi 18 tháng sau can thiệp để tiến hành chụp cộng hưởng từ đánh giá phần sụn mới được tái tạo sau tiêm tế bào gốc, nhưng qua lâm sàng, trên 30 bệnh nhân đã được can thiệp vừa qua đều có cải thiện: bệnh nhân không đau, đi lại được bình thường, chưa có trường hợp nào gặp biến chứng" Bác sĩ Dương Đình Toàn |
Vì thế hơn nửa năm trước, nhóm bác sĩ khoa chấn thương chỉnh hình 2, Bệnh viện Việt Đức đã ứng dụng quy trình tiêm tế bào gốc tự thân để điều trị khớp gối, đã được thực hiện khá phổ biến ở châu Âu, Mỹ, Singapore.
Theo đó, các bác sĩ sẽ lấy tủy xương của bệnh nhân, tách chiết tế bào gốc trung mô và tế bào gốc tạo máu tại Bệnh viện 108. Toàn bộ quy trình này kéo dài khoảng 2 giờ. Trong thời gian đó, bệnh nhân được nội soi làm sạch ổ khớp bị thoái hóa (bằng cách làm sạch các mảnh bong từ mỏm xương thoái hóa), đồng thời đánh giá mức độ tổn thương và tìm những vùng sụn cần can thiệp, gây rướm máu ở vị trí này nhằm thúc đẩy quá trình “liền sẹo”, sau đó tiêm tế bào gốc.
Toàn bộ chi phí cho quá trình này là 30 triệu đồng, trong đó có 5,5 triệu là chi phí xử lý tế bào gốc. Công nghệ này đã mở ra thêm một cơ hội lựa chọn cho bệnh nhân, nhất là những trường hợp thoái hóa khớp từ khi còn trẻ tuổi. Ở nước ngoài đã có những trường hợp được can thiệp bằng kỹ thuật này có thể đi lại bình thường và chơi thể thao trong 18 năm chưa phải thay khớp.
Nhiều ứng dụng tế bào gốc
Cùng với thông báo những thành công ban đầu của kỹ thuật tiêm tế bào gốc điều trị thoái hóa khớp gối tại Bệnh viện Việt Đức, vừa qua Bệnh viện Bạch Mai đã thông báo thành công tiêm tế bào gốc tách chiết từ mỡ bụng điều trị thoái hóa khớp, Bệnh viện 108 triển khai kỹ thuật này trên nhóm bệnh nhân thoái hóa khớp háng...
Do nhiều lý do, trong đó có cả nguyên nhân bệnh nhân thoái hóa khớp thường đến bệnh viện muộn, hoặc đã điều trị nội khoa một thời gian dài không hiệu quả (thậm chí nhiều trường hợp được điều trị bằng tiêm corticoid thẳng vào khớp nhưng không đảm bảo vô khuẩn gây ổ viêm trong khớp), bác sĩ Toàn cho biết số bệnh nhân đến khám và cần can thiệp do thoái hóa khớp gối có tăng lên.
Tuy nhiên hiện mới trong giai đoạn đầu của kỹ thuật, những bệnh nhân thoái hóa khớp có kèm tiểu đường hoặc tăng huyết áp đều tạm thời dừng chưa thực hiện do lo ngại nguy cơ nhiễm trùng hoặc biến chứng.
Song việc ứng dụng thành công kỹ thuật này (và nhiều ứng dụng khác để điều trị bệnh giác mạc, nhồi máu cơ tim, ung thư máu...) đang cung cấp thêm cơ hội lựa chọn cho bệnh nhân VN, được điều trị bằng phương pháp mới với giá thành vừa phải ngay tại VN.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận