03/09/2021 08:32 GMT+7

Tiêm nhanh vắc xin nhưng phải an toàn

XUÂN MAI
XUÂN MAI

TTO - Song song với việc tăng tốc xét nghiệm diện rộng giai đoạn 2, TP.HCM đang đẩy mạnh tiêm vắc xin để đến cuối tháng 9 tiêm xong cho 100% người trên 18 tuổi và phủ kín vắc xin cho các đối tượng còn lại trong năm 2021.

Tiêm nhanh vắc xin nhưng phải an toàn - Ảnh 1.

Người dân được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại phường 10, quận Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Vấn đề đặt ra là việc xét nghiệm, tiêm vắc xin làm sao đảm bảo an toàn khi đã từng phát hiện nhiều ca nhiễm COVID-19 sau các đợt cao điểm xét nghiệm, tiêm chủng tập trung đông người.

Vừa xét nghiệm, vừa tiêm ngừa

Tại buổi họp báo về tình hình phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM chiều 2-9, ông Phạm Đức Hải - phó Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 TP - cho hay đến ngày 1-9, TP đã tiêm được 6.225.960 mũi, trong đó tổng số mũi 1 là 5.894.452, mũi 2 là 350.584. Số người trên 65 tuổi, người có bệnh nền được tiêm là 685.694 người.

Xác định vắc xin là "chìa khóa" giúp TP.HCM tiến tới kiểm soát được dịch bệnh, Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 cho biết sẽ đẩy tốc độ tiêm vắc xin trong thời gian tới, đặc biệt là sau khi được Bộ Y tế phân bổ thêm hơn 1 triệu liều vắc xin AstraZeneca và Pfizer. 

TP.HCM đã ban hành kế hoạch tiêm vắc xin từ nay đến hết năm 2021 với 4 giai đoạn cụ thể, trong đó phấn đấu đến 30-9 sẽ có 100% người trên 18 tuổi được tiêm vắc xin. 

Để đạt được con số này, trong tháng 9, TP.HCM phải tổ chức tiêm cho gần 1 triệu người, tức mỗi ngày tổ chức tiêm khoảng 35.000 người. Với việc tổ chức tiêm như thời gian qua, mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được.

Tiêm nhanh vắc xin nhưng phải an toàn - Ảnh 2.

Mong muốn của người dân là được an toàn khi đi tiêm ngừa, không bị lây nhiễm dịch bệnh. Trong ảnh: tiêm vắc xin tại quận Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: D.PHAN

Khẩn trương hơn cả tiêm

vắc xin, TP.HCM đang tăng tốc lấy mẫu xét nghiệm diện rộng đợt 2 trong thời gian siết chặt giãn cách để nhận diện F0 trong cộng đồng, mở rộng "vùng xanh". 

Theo Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 TP, ngành y tế đã tổ chức lấy 2 triệu mẫu xét nghiệm tại các "vùng đỏ và cam", trong đó tỉ lệ phát hiện ca dương tính chiếm tới 3,6% (hơn 70.000 ca). 

Ghi nhận một số điểm lấy mẫu ở vùng nguy cơ rất cao thuộc phường Tam Bình (TP Thủ Đức), vùng nguy cơ cao thuộc phường 4 (quận 8)... trong những ngày cuối tháng 8, công tác lấy mẫu xét nghiệm nhanh diễn ra trật tự nhưng có thời điểm lượng người dân đến điểm xét nghiệm cùng một khung giờ nên xảy ra tình trạng đông đúc trong thời gian ngắn. 

Lực lượng chức năng khẩn trương điều tiết, hướng dẫn người dân xếp hàng, giãn cách đúng quy định. Có trường hợp, người đến xét nghiệm xin nhân viên y tế mẫu test kit để về nhà tự xét nghiệm nhanh.

Tiêm nhanh vắc xin nhưng phải an toàn - Ảnh 3.

Cán bộ y tế hướng dẫn sử dụng bộ test kit cho người dân phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

An toàn là trên hết

Để đảm bảo an toàn trong tiêm vắc xin, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM yêu cầu TP Thủ Đức và các quận, huyện cần tổ chức tiêm lưu động, đồng thời phải đảm bảo yêu cầu giãn cách và an toàn phòng chống dịch như: các xe tiêm lưu động, các điểm tiêm riêng cho khu chung cư hoặc khu nhà trọ đông người, các tổ tiêm tại nhà...

Theo bác sĩ Lê Mạnh Hùng - phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, kiêm giám đốc Bệnh viện điều trị COVID-19 Cần Giờ, các kế hoạch, biện pháp tiêm chủng và xét nghiệm của TP đưa ra rất kỹ, vấn đề còn lại là làm sao cho an toàn. 

"Nhiều khi chúng ta muốn đẩy nhanh tốc độ nhưng chính vì điều này có thể tạo ra những lỗ hổng, ảnh hưởng đến chất lượng các giải pháp" - ông Hùng lưu ý.

Theo ông Hùng, trước đây công tác tiêm chủng và lấy mẫu xét nghiệm ở một số nơi còn tập trung đông người, xuất hiện nhiều trường hợp nhiễm COVID-19 sau 1 - 2 ngày đi tiêm vắc xin. Nguyên nhân có thể họ bị nhiễm trước đó nhưng không biết hoặc có thể lây tại điểm tiêm. Nếu nhân viên y tế thực hiện phòng hộ không chuẩn thì dễ bị lây nhiễm chéo, rồi lại ảnh hưởng tốc độ, hiệu quả tiêm chủng, xét nghiệm. 

Hiện TP đã và đang được tăng cường thêm nhiều lực lượng, tuy vậy cần đặc biệt lưu ý, lực lượng nhân viên y tế khi tham gia lấy mẫu, tiêm vắc xin cần làm thật tốt các biện pháp phòng hộ.

Ông Hùng lưu ý cái khó hiện nay là mầm bệnh đã lây lan trong cộng đồng nhiều, nếu không có biện pháp tầm soát trước khi đi tiêm thì có thể xảy ra trường hợp người nhiễm nhưng không biết mình bệnh nên vẫn đến điểm tiêm rồi vô tình lây cho người khác. 

Nhưng nếu xét nghiệm nhanh trước khi tiêm vắc xin thì tốc độ tiêm bị ảnh hưởng và sẽ tốn kém nhiều nhân lực, chi phí... Vì thế, phải tranh thủ xét nghiệm diện rộng để tiêm ngay vắc xin cho những người có kết quả âm tính. 

"Với kế hoạch xét nghiệm diện rộng và tiêm vắc xin của TP như hiện nay, những trường hợp dương tính được phát hiện kịp thời, từ đó việc tiêm chủng sẽ diễn ra an toàn cho cả nhân viên y tế và người tiêm chủng" - ông Hùng nói.

Đừng quên "quy trình" tự bảo vệ mình

Thời dịch, nhiều người đã tự trang bị cho mình "kỹ năng" tự bảo vệ mình trước COVID-19. Như chị Võ Kim Oanh (phường 11, quận Bình Thạnh) cho hay khi phải ra khỏi nhà để tiêm vắc xin hay xét nghiệm, chị luôn trang bị "tận răng" để đảm bảo an toàn cho chính mình, người thân cũng như cộng đồng.

"Đầu tiên tôi phải mang khẩu trang 2 lớp, kính chống giọt bắn, mặc áo khoác kín tay chân và không quên vật bất ly thân là bình xịt khử khuẩn. Khi đến chỗ tiêm ngừa có đông người, tôi luôn giữ khoảng cách và tuyệt đối không hỏi chuyện với ai" - chị Oanh cho hay.

Không chỉ vậy, chị Oanh cho biết mình không ngại xịt khử khuẩn xung quanh và yêu cầu nhân viên xét nghiệm hay tiêm vắc xin cũng phải khử khuẩn theo quy trình trước khi họ thực hiện đối với chị.

"Đã có nhiều điểm tiêm, xét nghiệm xuất hiện nhiều ca dương tính, nếu không kỹ thì chẳng những mình bị nhiễm mà còn mang mầm bệnh về nhà, nguy cơ lây người thân. Để an toàn hơn, khi tiêm hay test ngoài cộng đồng về nhà tôi lập tức khử khuẩn toàn thân, lột bỏ khẩu trang vào bịch nilông cột chặt cho vào thùng rác có phân loại, thay đồ tắm rửa ngay tức thì. "Quy trình" này cũng được áp dụng với mọi người thân, nếu buộc phải ra khỏi nhà để xét nghiệm hay tiêm ngừa" - chị Oanh nói.

Nên có điểm tiêm vét

Hiện có gần 6 triệu người dân từ 18 tuổi trở lên ở TP đã được tiêm ngừa COVID-19 mũi 1. Qua theo dõi, có không ít người sống ở TP muốn được tiêm từ đợt đầu nhưng có thể vì không thuộc đối tượng ưu tiên nên đến nay họ chưa được tiêm. Có lý do khác là công tác tiếp nhận đăng ký, thống kê ở cấp cơ sở đã để sót nên còn có người chưa được tiêm.

Vì vậy, để đảm bảo mọi người được tiêm, ngoài tổ chức các điểm tiêm theo kế hoạch với danh sách được duyệt trước, TP cần tổ chức ở mỗi quận huyện ít nhất 1 điểm tiêm dành cho người dân đăng ký tự do, không phân biệt địa bàn và thông báo rộng rãi cho người dân biết.

Người dân có thể gọi điện thoại tới những điểm này đăng ký và được nhận lại tin nhắn hẹn ngày giờ để tiêm. Tin nhắn hẹn lịch tiêm này vừa giúp không gây quá tải cục bộ và thay cho giấy đi đường khi người dân đến điểm tiêm.

Chủ trương của Chính phủ nói chung và TP.HCM nói riêng là sẽ tiêm vắc xin ngừa cho toàn dân để sớm đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng. Bộ Y tế đã phân bổ đủ vắc xin để TP.HCM tiêm cho 100% người từ 18 tuổi trở lên và đốc thúc TP phải đẩy nhanh tốc độ tiêm. Vậy không có lý do gì để người dân có nhu cầu tiêm lại không biết sẽ tiêm ở đâu...!

LÊ THANH TIỀN (TP Thủ Đức)

'Chả nhẽ tiêm 2 mũi vắc xin xong rồi cũng... nằm nhà?'

TTO - Giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 đang áp dụng chung với tất cả các nhóm đối tượng, trong đó có nhóm đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin. Theo ông Nguyễn Huy Nga, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, nên có hình thức riêng cho người tiêm đủ mũi.

XUÂN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: tiêm tiêm vacxin