Đó là chia sẻ của anh Ngô Văn Cương - bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh - tại diễn đàn "Khai thác tiềm năng kinh tế số trong xúc tiến quảng bá sản phẩm OCOP", diễn ra vào chiều 16-9 ở Hà Tĩnh.
Diễn đàn là cơ hội cho các chủ thể, doanh nghiệp, người dân trao đổi về những nội dung cần thiết để phát triển tiêu thụ nông sản trên các nền tảng số, định hướng tư duy và khai thác tiềm năng kinh tế số để nâng cao hiệu quả trong xúc tiến quảng bá sản phẩm OCOP.
Tại diễn đàn, anh Ngô Văn Cương cho biết Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025 (Chương trình OCOP) là một chương trình trọng tâm nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn…
Tính đến ngày 31-3, cả nước có 9.566 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 65,9% sản phẩm 3 sao, 33,3% sản phẩm 4 sao, 0,7% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 20 sản phẩm 5 sao. Riêng tại Hà Tĩnh có 250 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, có 12 sản phẩm OCOP đạt 4 sao; 238 sản phẩm OCOP đạt 3 sao.
Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2021-2025 đã đặt ra nhiệm vụ thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, sản xuất thông minh, các mô hình sản xuất kinh doanh mới, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử. Thực hiện chuyển đổi số trong tất cả các doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước.
Trong đó, chuyển đổi số trong nông nghiệp phải trở thành mối quan tâm hàng đầu của các cơ quan quản lý chuyên ngành, của các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp và người dân sinh sống ở khu vực nông thôn.
Thời gian qua, Trung ương Đoàn triển khai chuyển đổi số trong xúc tiến, quảng bá sản phẩm OCOP của thanh niên, giới thiệu, bán hàng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, kênh bán hàng trực tuyến, bán hàng tương tác trực tiếp (livestream).
Tiêu biểu như hoạt động về chuyển đổi số trong truyền thông quảng bá sản phẩm OCOP của thanh niên tại tỉnh Bắc Kạn, Bắc Giang, Sơn La đã mang lại hiệu quả tích cực. Điển hình như phiên livestream của Bắc Giang đã mang lại doanh thu hơn 1,6 tỉ đồng.
“Điều đó cho thấy nếu áp dụng công nghệ số thành thạo, chúng ta hoàn toàn có thể tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức nhưng mang lại hiệu quả gấp nhiều lần so với phương pháp truyền thống. Và đặt ra yêu cầu cho tổ chức Đoàn trong việc trang bị kiến thức, kỹ năng cho thanh niên để áp dụng công nghệ số” - anh Ngô Văn Cương chia sẻ.
Tại diễn đàn này, các thanh niên ở Hà Tĩnh đã gửi nhiều câu hỏi đến lãnh đạo Trung ương Đoàn, đại biểu Trung tâm xúc tiến thương mại, Văn phòng điều phối nông thôn mới và chuyên gia bán hàng về cách quảng bá thương hiệu trên nền tảng TikTok, các kế hoạch để khuyến khích nông dân, thanh niên sử dụng TikTok như một công cụ để tăng giá trị thương hiệu của sản phẩm OCOP… và đều được các chuyên gia giải đáp một cách cụ thể.
Theo anh Ngô Văn Cương, Trung ương Đoàn sẽ tiếp tục đồng hành với các tỉnh, thành Đoàn, đơn vị liên quan tổ chức các diễn đàn, hội thảo, tập huấn chuyên sâu hơn nữa về chương trình “mỗi xã một sản phẩm”, trong đó có nội dung chuyển đổi số. Mục tiêu thúc đẩy hoạt động sản xuất và thương mại sản phẩm OCOP hiệu quả, đặc biệt là tham gia thương mại điện tử và bán hàng online.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận