Buổi tọa đàm do Cục Hàng hải Việt Nam phối hợp báo Giao Thông tổ chức thu hút sự tham gia của nhiều lãnh đạo, doanh nghiệp ngành hàng hải.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Hoàng Hồng Giang nhận định, suốt 10 năm qua, các tổ chức quốc tế rất quan tâm giải quyết câu chuyện biến đổi khí hậu, môi trường.
Ở nhiều nước, họ đã đặt mục tiêu chuyển đổi hoàn toàn từ phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang xe điện, sang xe sử dụng nhiên liệu sạch và đã thực hiện lâu nay.
Đặc biệt trong lĩnh vực hàng hải, từ 5 năm trước, Singapore đã tuyên bố lộ trình chuyển đổi xanh ngành hàng hải của họ, sử dụng nhiên liệu sạch. Bằng những giải pháp, họ đã có đội tàu biển điện, cano điện và đang quyết tâm xây dựng trung tâm cung ứng nhiên liệu xanh, sạch cho tàu biển.
Bên cạnh đó, những cảng như Amsterdam (Hà Lan) cũng đã xây dựng 5 nhà máy sản xuất khí hydrogen với mục tiêu cung ứng nhiên liệu xanh cho tàu biển.
Trong khi đó, dù Việt Nam đã cam kết hướng tới mục tiêu Net zero (vào năm 2050) nhưng ngành hàng hải vẫn còn chậm trong quá trình chuyển đổi xanh làm chậm đi cơ hội phát triển.
Theo ông Giang, ngành hàng hải Việt Nam hiện đang có rất nhiều thuận lợi, tăng trưởng hàng hóa tại cảng biển Việt Nam mỗi năm tăng trưởng 2 con số rất ấn tượng với đối tác, bạn bè thế giới. Hệ thống cảng biển Việt Nam được chia thành 5 nhóm với 34 cảng có nhiều thuận lợi về dư địa đất đai, biển và bờ biển...
Nhờ vào đó, nhiều nguồn đầu tư đang đổ dồn về hàng hải Việt Nam, tăng cơ hội trở thành trung tâm hàng hóa hàng hải lớn của khu vực. Lợi thế thì nhiều, nhưng chúng ta chọn phát triển nào mới là quan trọng?
"Tôi rất băn khoăn vì chúng ta còn quá nhiều việc phải làm để phát triển ngành hàng hải. Từ khi đặt vấn đề xanh hóa ngành hàng hải (5 năm), báo cáo vẫn còn lặp đi lặp lại những con số cũ cho thấy chúng ta đang đi khá chậm.
Do đó, ngành hàng hải Việt Nam phải mạnh mẽ hơn, chúng ta xác định chuyển đổi xanh phải là xu thế tất yếu trong hội nhập và phát triển bền vững. Việc này phải mất nhiều tiền nhưng nếu không làm thì còn mất luôn cả tiền. Khi các nước có tuyến vận tải xanh, có tàu xanh thì không bao giờ họ tới những cảng không xanh", ông Giang nhấn mạnh.
Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp tại buổi tọa đàm cũng cho rằng các đơn vị phải tăng tốc chuyển đổi xanh. Muốn làm được điều này, các đơn vị phải chuẩn bị tiềm lực, chi phí... Đồng thời nhà nước cần đồng hành, hỗ trợ hệ thống chính sách khuyến khích hiệu quả. Cụ thể như giảm thuế, phí, giảm thủ tục hành chính... giúp doanh nghiệp mạnh dạn tham gia chuyển đổi.
Thượng tá Vũ Anh Tuấn - phó trưởng Ban Chỉ đạo cảng xanh, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đưa ra kiến nghị Chính phủ có các chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn tín dụng xanh, giúp vượt qua các rào cản về chi phí trong chuyển đổi năng lượng.
Chuyển đổi số để phát triển ngành hàng hải xanh
Tiến sĩ Hoàng Hiệp - phó tổng giám đốc Công ty CP tư vấn thiết kế Cảng - Kỹ thuật biển (Portcoast) cho rằng muốn phát triển cảng xanh, công nghệ chuyển đổi số đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Đơn cử, việc số hóa toàn bộ 20km tại một cảng ở Bà Rịa - Vũng Tàu cho phép kiểm soát về hình học, đo vẽ kích thước, tọa độ, và mô hình 3D... Căn cứ vào đó, các đơn vị quản lý dễ dàng hơn, dùng quy trình điện tử vận hành... giảm tác động tiêu cực đến môi trường...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận