30/04/2024 10:49 GMT+7

Tiềm năng lớn của nàng tiên sông Sài Gòn, chậm nữa sẽ mất cơ hội

Giấc mơ bức tranh sông Sài Gòn được giới quy hoạch ấp ủ qua nhiều năm, nhiều thời kỳ trong suốt quá trình phát triển TP.HCM.

Một khúc sông Sài Gòn

Một khúc sông Sài Gòn

Những ngày này, với sự quyết liệt của chính quyền TP.HCM về quy hoạch, chỉnh trang hai bờ sông, dự án con đường 35m xuyên suốt dọc sông... Một lần nữa, giấc mơ đó lại bùng lên, chờ ngày thành hiện thực.

Tiềm năng lớn của nàng tiên sông Sài Gòn

Gắn bó với công việc quy hoạch TP.HCM từ những bản quy hoạch đầu tiên, TS Võ Kim Cương - nguyên phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM - chia sẻ với chúng tôi trong những ngày tháng 4 ngập tràn cảm xúc về Sài Gòn.

Ông Võ Kim Cương - Ảnh: TIẾN LONG

Ông Võ Kim Cương - Ảnh: TIẾN LONG

Bên dòng sông "ngủ yên"

* Những năm gần đây, ai ai cũng nhấn mạnh vào sự quan trọng của môi trường, cảnh quan trong quy hoạch và kiến trúc, nhất là vai trò tối quan trọng của sông Sài Gòn đối với TP.HCM. Là người gắn bó với kiến trúc và quy hoạch TP.HCM từ những giai đoạn đầu phát triển sau hòa bình, ông có thể lý giải vì sao dòng sông đã bị bỏ quên thời gian dài?

- Không hẳn dòng sông bị bỏ quên. Những người làm quy hoạch của TP.HCM từ rất sớm đã phát hiện tiềm năng rất lớn của dòng sông, quy hoạch đầu tiên năm 1993 đã xác định rõ đặc trưng của TP.HCM là đặc trưng sông nước, trên bến dưới thuyền.

Tuy nhiên, các công trình ven sông chậm phát triển, quy hoạch kiến trúc cảnh quan bờ sông đến nay mới triển khai nên có thể nói rằng dòng sông của chúng ta đã ngủ yên trong nhiều năm.

* Những năm tháng đó, người làm quy hoạch như ông có suy nghĩ gì khi đi qua dòng sông? Có điều gì khiến "lực bất tòng tâm"?

- Là người dân bình thường, đi qua "dòng sông ngủ yên" cảm giác như mình đang sống trong môi trường tự nhiên; là người làm quy hoạch thì lúc nào cũng ao ước rằng phía sau những hàng cây dọc bờ sông là những công trình nguy nga soi bóng, vừa hiện đại vừa hài hòa với thiên nhiên.

Bao giờ đi ngang dòng sông Sài Gòn mình cũng liên tưởng tới các dòng sông khác trên thế giới đã từng được đi qua, nhìn ngắm, nghĩ làm sao để làm cho hình dáng thành phố soi xuống dòng sông đẹp hơn.

Đó là về mặt cảnh quan, chúng tôi còn những mong muốn khác nữa như dòng sông có giao thông tốt hơn, thoát nước tốt hơn hoặc môi trường sạch thơm hơn.

Một góc sông Sài Gòn - Ảnh: shutterstock

Một góc sông Sài Gòn - Ảnh: shutterstock

* Những giấc mơ với sông Sài Gòn đã bắt đầu từ khi nào?

- Việc phát triển đô thị sông nước, trong đó vai trò chính là sông Sài Gòn và các hệ thống kênh rạch đã được những người làm quy hoạch định hình từ rất sớm, từ bản quy hoạch tổng mặt bằng TP.HCM năm 1993.

Tiếp đó một số dự án lớn dọc sông như Thủ Thiêm, Thanh Đa cũng đã được quy hoạch, một loạt dự án lớn dọc sông Sài Gòn như Khu chế xuất Tân Thuận, như Bình Hòa, Hiệp Bình Phước... lúc đó đã có định hướng phát triển.

Về thiên nhiên, quy hoạch đầu tiên đã định hướng phát triển khu vực An Phú Đông (quận 12) làm khu vực công viên cảnh quan sinh thái, phát triển khu bảo tồn du lịch Củ Chi, hệ thống giao thông thủy nội địa và cấp thoát nước chống ngập cũng được đề xuất.

Đặc biệt việc chú ý đảm bảo an toàn bờ sông và việc phát triển hai bên bờ sông đã được lưu ý trong quy hoạch năm 1993, sau đó là quy hoạch điều chỉnh năm 1998. Năm 2004, TP.HCM cũng đã có quy định 50m hành lang an toàn bờ sông.

Tàu du lịch trên sông Sài Gòn - Ảnh: shutterstock

Tàu du lịch trên sông Sài Gòn - Ảnh: shutterstock

Đừng chậm nữa

* Là người có sự gắn bó đặc biệt với sự kiện thống nhất đất nước khi có người cha là tướng Võ Bẩm, người soi đường - thiết kế đường Hồ Chí Minh từ 1959, ông có điều gì hài lòng quá trình làm việc cùng TP, trong bao năm theo dõi sự phát triển của TP.HCM?

- Chúng ta đã tiếp quản Sài Gòn gần như nguyên vẹn. Tuy nhiên, sự phát triển trong chiến tranh của Sài Gòn đã để lại sự mất cân đối nghiêm trọng trong quy hoạch, nhiều dự án đã được lập nhưng không thực hiện được.

Mặt khác, ở ngoài Bắc, khi chiến tranh người dân sơ tán về nông thôn thì trong Nam, người dân lại sơ tán về TP, dẫn đến rất nhiều hậu quả cho quy hoạch.

Nhìn TP.HCM trên bản đồ vệ tinh sẽ thấy rất rõ chỉ khu lõi trung tâm (quận 1, 3, 5) có quy hoạch từ thời Pháp để lại, đường sá rõ ràng, khu phố vuông vắn, còn nhìn ra ngoại vi, cả một vùng không có đường giao thông, nhà cửa chen chúc, hẻm hóc chằng chịt.

Những mảnh đô thị tự phát không chỉ trong chiến tranh mà sau chiến tranh một thời gian dài, nhiều kênh nước đen ô nhiễm giữa lòng TP...

Nhiều năm nỗ lực, nhìn lại bức tranh đô thị hiện nay phần nào cũng có những điều tự hào: cải tạo được các kênh rạch Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé, những tuyến đường Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng... đã trở thành đại lộ rất đẹp, lột xác cho các khu vực vốn rất lộn xộn hoặc hoang vu xung quanh thành khang trang hiện đại.

* Nhưng hẳn có chưa hài lòng?

- Tất nhiên có những việc không hài lòng. Việc không thực hiện được các quy hoạch, có nhiều lý do nhưng trong đó cơ bản là không có cơ chế huy động tài chính, vướng chính sách đất đai.

Như quy hoạch Thủ Thiêm chẳng hạn, ý tưởng có từ năm 1993 nhưng cho đến nay vẫn còn hoang vắng. Cả Thanh Đa - Bình Quới cũng đều giậm chân tại chỗ... Việc cải tạo bộ mặt đô thị như vậy là quá chậm.

Một số định hướng phát triển quy hoạch TP về phía đông cũng chưa thực hiện được, nếu chậm nữa sẽ bỏ mất thời cơ. Công bố quy hoạch, người dân mua đất xây dựng, đầu cơ... sẽ gây khó khăn cho phát triển sau này.

Thực tế có nhiều dự án đường sá muốn mở rộng nhưng phí giải phóng mặt bằng chiếm tới 90%, không đủ sức để làm... Bỏ lỡ thời cơ về hạ tầng sẽ ảnh hưởng tới toàn đô thị. Đó là những điều rất đáng tiếc trong phát triển thời gian vừa qua.

Với vị thế đặc biệt của mình, sông Sài Gòn luôn thu hút những cặp mắt và ống kính - Ảnh: Nguyễn Á

Với vị thế đặc biệt của mình, sông Sài Gòn luôn thu hút những cặp mắt và ống kính - Ảnh: Nguyễn Á

Dọc bờ sông là cảnh quan

* Xem qua dự kiến đường ven sông Sài Gòn, ông tưởng tượng cảnh quan như thế nào? Con đường sẽ nên ra sao để phục vụ tốt nhất cho đa số người dân TP.HCM?

- Con đường ven sông phải định rõ mục tiêu đầu tiên là làm sao để người dân đô thị tiếp cận được với dòng sông, cảnh quan là để phục vụ cộng đồng, sau nữa là tạo ra trục giao thông mới lưu thông đi từ chỗ này đến chỗ khác.

Tuy nhiên đường ven sông không thể là trục giao thông chính như trăm năm trước, bây giờ nó chỉ nên là giao thông thủy để người dân, khách du lịch tăng tiếp cận được với cảnh quan sông nước.

Một yếu tố quan trọng nữa, cảnh quan sông nước phải gắn liền với các nhu cầu phát triển kinh tế dọc sông.

Trước đây, TP cũng tính toán giao thông thủy nhưng không phát triển được bởi không có người đi do sự bất tiện vị trí, các dịch vụ, phương tiện trung chuyển từ bến tàu thủy đi các khu vực yếu kém...

Bây giờ muốn phát triển du lịch đường sông thì phải tính toán chi tiết quy hoạch khu vực dịch vụ, kinh doanh ở xung quanh bờ sông, lúc đó nhà đầu tư sẽ có hướng phát triển.

Ảnh: Hải An

Ảnh: Hải An

* Nhưng hiện nay có những đoạn sông đã từng và vẫn đang bị các dự án chiếm lấy làm của riêng, ông đánh giá thế nào về quyết tâm của TP trong việc lấy lại bờ sông cho cộng đồng? Để giảm bớt những xung đột quyền lợi như vậy, cần những động thái gì từ chính sách quản lý?

- Có những vấn đề chồng lấn do trước đây giao đất theo quy hoạch cũ để lại chứ không phải người dân, dự án lấn chiếm.

Việc chính quyền quyết tâm kết nối lại các đoạn đường bờ sông để tôn tạo cảnh quan là rất cần thiết, phải đặt sự thương thảo, thảo luận công tâm để đi đến hài hòa lợi ích. Tôi tin rằng người dân, chủ đầu tư dự án sẽ sẵn sàng đàm phán để lợi ích cộng đồng không bị bỏ quên.

Vừa rồi TP.HCM quyết tâm nối lại con đường đi qua các dự án Vinhomes Central Park, Saigon Pearl, nỗ lực thương thảo giữa các sở, ngành và chủ đầu tư cũng đã đạt được kết quả. Sắp tới đây làm đường bờ sông Thảo Điền, quá trình lịch sử đã giao đất cho nhiều hộ dân tới tận bờ sông, giờ rất cần thỏa thuận thiện chí giữa các bên trên cơ sở lợi ích cộng đồng.

Nhưng cũng cần phải xem xét linh động, một số chỗ không nhất thiết phải đưa con đường ra sát bờ sông, và cũng nên làm rõ cho người dân thấy con đường dọc sông chủ yếu là cảnh quan, không phải trục giao thông chính, bởi nhiều người e ngại mở đường ven sông sẽ phá vỡ sự yên tĩnh, an toàn của khu dân cư ven sông.

Ảnh: Hải An

Ảnh: Hải An

Giấc mơ nàng tiên sông Sài Gòn

* Đến nay từng đoạn sông đã bắt đầu được cải tạo cảnh quan, phục vụ cộng đồng, những kế hoạch mới dài hơi hơn đã được phê duyệt, ông có những góp ý, hiến kế nào để dòng sông gần với những giấc mơ kiến trúc, quy hoạch vị nhân sinh, tiệm cận với mục tiêu phát triển bền vững của TP.HCM hơn?

- Bản thân một dòng sông là môi trường rất tự nhiên của con người. Khi phát triển đô thị, chúng ta tạo ra một môi trường nhân tạo, ngày càng xâm lấn môi trường tự nhiên.

Việc xâm lấn có hai chiều, một hủy hoại, hai là tôn tạo môi trường tự nhiên. Vì vậy yêu cầu để phát triển dòng sông chính là đưa môi trường nhân tạo vào tự nhiên một cách phù hợp nhất, làm cho tự nhiên tốt hơn, bền vững hơn.

Phát triển bền vững không chỉ tính đến môi trường sinh thái mà cả xã hội, kinh tế nữa. Các nhà quy hoạch gần đây có những đề xuất rất tốt, tôn trọng tính tự nhiên của con sông, tiếp tục củng cố, duy trì các mảng sinh thái, làm thêm công viên sinh thái.

Dự án của các chuyên gia Pháp đề xuất giữ trên 200ha Thanh Đa để làm công viên sinh thái rất tốt, đảm bảo môi trường sinh thái, cảnh quan hai bên sông. Dự án đã tính toán đến môi trường xã hội, đời sống dân cư, sự tiếp cận của người dân tới dòng sông, kể cả các yếu tố văn hóa.

Ảnh: NGUYỄN Á

Ảnh: NGUYỄN Á

* Nhìn lại quá khứ chúng ta có thể giải thích cho việc chậm thực hiện giấc mơ sông Sài Gòn là do thiếu nguồn lực, thiếu tầm nhìn. Nay không chỉ kinh tế đã khá giả hơn, các chuyên gia trong và ngoài nước cũng đã góp những ý tưởng "tầm nhìn thế kỷ". Chúng ta nên đón nhận như thế nào?

- Giấc mơ đô thị sông nước có từ rất sớm, riêng giấc mơ về sông Sài Gòn chỉ nổi rõ khi có sự quyết tâm phát triển TP Thủ Đức, khu đô thị phía đông. Chúng ta bắt đầu thấy TP.HCM có một dòng sông rất đẹp và nảy ra các ý tưởng phát triển.

Trước đây từng có rất nhiều đề tài thiết kế đô thị dọc sông Sài Gòn nhưng không kết hợp với phát triển dọc hai bên sông. Cách hiểu về sông Sài Gòn chỉ trong phạm vi ranh giới 50m là không ổn bởi phải khai thác sông và đất hai bên sông theo chiều rộng đô thị thì mới tạo được các cảnh quan.

Tôi ủng hộ việc giữ những khu vực đất trống, đất nông nghiệp để làm mảng xanh, công viên hai bên bờ sông. Những mảng xanh này góp phần bổ sung cho sự thiếu thốn cây xanh của các khu đô thị.

Một mâu thuẫn trong quá trình phát triển là kinh tế, giữa nhu cầu lợi nhuận với nhu cầu về dân sinh và xã hội.

Có thời điểm chúng ta đã chọn phát triển kinh tế và tạm gác những nhu cầu khác như môi trường, văn hóa. Bây giờ kinh tế khá hơn, chúng ta phải nghĩ tới môi trường sống tốt hơn, văn hóa cao hơn, sinh thái bền vững hơn.

Chọn lợi nhuận kinh tế trước mắt hay là giá trị lâu dài, từng ý tưởng, đề xuất cần cân nhắc. Đề xuất 200ha đất Thanh Đa thành công viên sinh thái của các chuyên gia Pháp cho thấy tầm nhìn cân bằng yếu tố kinh tế, dân sinh, xã hội, môi trường.

Những ý tưởng đó cần được tôn trọng, xem xét kỹ, đừng để giấc mơ dòng sông uốn lượn lộng lẫy như nàng tiên giữa Sài Gòn vẫn tiếp tục dang dở đến tận thế hệ sau.

Ảnh: Hải An

Ảnh: Hải An

Ống kính háo hức của tôi

Tiềm năng lớn của nàng tiên sông Sài Gòn, chậm nữa sẽ mất cơ hội- Ảnh 16.

Đã hơn 20 năm tôi gắn bó với TP.HCM. Chọn nhiếp ảnh làm nghề nghiệp, tôi đam mê cảm giác lang thang từng ngóc ngách để chụp lại những khoảnh khắc đẹp, ghi lại bằng hình ảnh những đổi thay.

Tôi đạp xe lên cầu Thủ Thiêm ngắm hoàng hôn rực đỏ phía chân trời rồi cả TP bừng sáng trong muôn vạn ánh đèn lung linh.

20 năm qua, những tòa nhà hiện đại đã mọc lên thay cho những đồng cỏ lau, những con đường trải nhựa phẳng lì thay cho những ổ gà ổ voi đất tù nước đọng để hình thành TP Thủ Đức...

Tôi rất thích cái cảm giác đón chuyến buýt đường thủy vào sớm mai chạy dọc theo sông Sài Gòn rồi ngắm dòng sông thức giấc.

Cảnh vật thay đổi theo từng con sóng, mới đó hai bên là những hàng dừa xanh thì chớp cái đã đến những tòa nhà cao ngất, sự pha trộn của hiện đại và bình dị khiến sông Sài Gòn vừa lộng lẫy vừa dịu dàng.

Tin TP quy hoạch cung đường cảnh quan 35m dọc theo sông Sài Gòn, tôi tưởng tượng đến những công viên xanh hai bên bờ, những cung đường đạp xe, những lễ hội sông nước... Những dự định mới của TP càng làm cho ống kính của tôi háo hức.

Ngô Trần Hải An

Ảnh: Hải An

Ảnh: Hải An

Ảnh: Hải An

Ảnh: Hải An

Tình yêu của tôi

Tiềm năng lớn của nàng tiên sông Sài Gòn, chậm nữa sẽ mất cơ hội- Ảnh 19.

Tôi sinh ra ở Sài Gòn, và vì vậy bất cứ điều gì của Sài Gòn - TP.HCM với tôi cũng đều đặc biệt, luôn đẹp, nghĩa tình và đầy thú vị.

Tôi yêu vùng đất này từ con hẻm, con đường cho đến những dòng sông, kênh rạch xưa và nay...

Là một người chụp ảnh, dù sáng sớm hay đêm muộn, tôi đều sẵn lòng cầm máy ra đường phố, sục sạo, săn tìm những góc ảnh, ghi lại những khoảnh khắc thật đẹp của TP tôi yêu.

TP có thêm một cảnh quan đẹp là tôi có thêm một niềm hạnh phúc, gia tài nghề nghiệp của tôi lại thêm giàu có.

Tin TP.HCM nghiên cứu triển khai các tuyến đường cảnh quan 35m dọc sông Sài Gòn, đối với tôi, đương nhiên là một tin mừng.

Tôi hồi hộp chờ đợi ngày con đường thành hình, những thảm cỏ xanh, những vạt hoa thắm, những công trình văn hóa, giải trí sống động ven sông, những du khách say mê hạnh phúc... Khi đó, ống kính của tôi có thêm cơ hội tác nghiệp, tình yêu TP của tôi có thêm cơ hội thể hiện tự hào.

Nguyễn Á

Với vị thế đặc biệt của mình, sông Sài Gòn luôn thu hút những cặp mắt và ống kính - Ảnh: Nguyễn Á

Với vị thế đặc biệt của mình, sông Sài Gòn luôn thu hút những cặp mắt và ống kính - Ảnh: Nguyễn Á

Con đường ven sông trong mơ ước của ký ức

Tiềm năng lớn của nàng tiên sông Sài Gòn, chậm nữa sẽ mất cơ hội- Ảnh 21.

Tôi sinh ra, lớn lên, trưởng thành ở Sài Gòn - TP.HCM. Ký ức non nớt của một cậu thiếu niên về sông Sài Gòn năm xưa tựa như một đoạn phim quay chậm: hình ảnh cha tôi vào ngày cuối tuần chở anh em chúng tôi bằng xe Vespa Standard ra bờ sông Sài Gòn.

Ông dựng xe sát bên cột cờ Thủ Ngữ rồi lấy máy ảnh ra ngắm nghía, chọn một góc máy ưng ý để ghi hình. Anh em tôi chạy nhảy, vui đùa gần cầu tàu dẫn vào nhà hàng nổi Mỹ Cảnh.

Có lần cha tôi đưa anh em tôi qua phà Thủ Thiêm. Khi phà đến giữa sông, gió lồng lộng lùa mát rượi, anh em tôi tha hồ hít hà căng lồng ngực bầu không khí trong lành, nhìn xuống mặt sông lấp lánh ánh nắng chiều thật đẹp.

Bên kia sông là ruộng lúa và những mái nhà tranh lúp xúp bên hàng dừa nước xanh tươi trĩu quả. Lúc đó cha tôi đã mơ ước: "Nếu có con đường chạy dọc hai bên bờ sông thì sẽ tuyệt vời lắm".

Cha tôi đã đi xa rồi, còn tôi thì vẫn đang mỗi ngày nhìn ngắm sông Sài Gòn, chờ từng đoạn đường ven sông thành hình như mong ước của ông.

Vũ Hải Sơn

Cảnh sông Sài Gòn trong ống kính và mơ ước của cha tôi Ảnh: VŨ HẢI SƠN

Cảnh sông Sài Gòn trong ống kính và mơ ước của cha tôi Ảnh: VŨ HẢI SƠN

Hàng trăm học sinh thích thú đi thuyền chụp ảnh sông Sài GònHàng trăm học sinh thích thú đi thuyền chụp ảnh sông Sài Gòn

Với hầu hết học sinh, chụp ảnh thành phố từ sông Sài Gòn là trải nghiệm 'có 1 không 2'. Có bạn đã chụp hơn 300 tấm hình trong chuyến đi đầy thú vị.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên