Đó là những chia sẻ của ông Ramin Toloui, trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách kinh tế, trong cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ khi ông có chuyến làm việc tại Việt Nam trong những ngày cuối tháng 4.
Giữ vai trò thúc đẩy công tác xây dựng chuỗi cung ứng cho ngành bán dẫn Mỹ, trong chuyến công du đến châu Á, ông Ramin Toloui đã tới Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore..., gặp gỡ các đối tác của Quỹ An ninh và đổi mới công nghệ quốc tế (ITSI), một sáng kiến của Bộ Ngoại giao Mỹ. Tại châu Á, ba nước Việt Nam, Indonesia và Philippines được chọn làm đối tác của ITSI.
Tài nguyên nhân lực ở Việt Nam
"Lần đầu tiên tôi đến Việt Nam vào năm 1997, và sau 27 năm, mọi thứ ở đây thay đổi rất nhiều. Từ việc Nike đầu tư vào Việt Nam năm 1995, và sau đó là Intel vào năm 2006, những đầu tư này đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế trong nước và cải thiện cuộc sống của người dân Việt Nam.
Điều quan trọng là tôi cảm nhận được năng lượng tích cực của mọi người ở đây vẫn như vậy. Đó là sự khao khát để học hỏi và làm việc chăm chỉ của người Việt, không ngừng đầu tư vào bản thân thông qua giáo dục và công việc, nỗ lực tạo ra một cuộc sống tốt hơn cho chính họ", ông Ramin Toloui nói.
Trong chuyến sang Việt Nam lần này, ông Ramin Toloui đã thăm nhà máy Intel Việt Nam, cơ sở sản xuất lớn nhất thế giới cho việc lắp ráp, kiểm tra và đóng gói của Intel về chip bán dẫn.
Ông cũng đã tới ĐH Quốc gia TP.HCM và ĐH Fulbright, hai cơ sở giáo dục hứa hẹn sẽ cung cấp nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn. Và cuộc thảo luận với đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thảo luận về những chính sách cần thiết để thúc đẩy sự hợp tác trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Ông khẳng định nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quan trọng mà Mỹ quyết định chọn Việt Nam làm đối tác chiến lược trong quá trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất bán dẫn.
Ba trụ cột quan trọng để Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng sản xuất chip bán dẫn là chính phủ, học viện và khối tư nhân. Chuyến đi của ông cũng đã tập trung vào các đại diện tiêu biểu cho ba trụ cột đó.
Theo ông Ramin Toloui, Bộ Ngoại giao Mỹ đang dốc sức để thúc đẩy năng lực lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói (ATP) tại các quốc gia đối tác của ITSI ở châu Mỹ và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, để tăng cường chuỗi cung ứng linh hoạt cho các nhà sản xuất chất bán dẫn của Mỹ.
Sáng kiến này sẽ giúp các đối tác ITSI của Mỹ tạo ra môi trường đầu tư, hỗ trợ ngành công nghiệp chất bán dẫn và tăng cường năng lực của lực lượng lao động, tạo ra nguồn nhân tài mới.
Hai bên cùng thắng
Sau chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden vào tháng 9-2023 và hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, đã có nhiều biên bản ghi nhớ vạch ra lộ trình hợp tác để thúc đẩy ngành bán dẫn tại Việt Nam.
Theo ông Ramin, trong bước đầu tiên để cụ thể hóa lộ trình này, phía Mỹ sẽ đánh giá lại hệ sinh thái trong lĩnh vực bán dẫn ở Việt Nam, hiểu rõ tiềm năng phát triển. Sau đó, cơ quan của Mỹ cũng xác định những lĩnh vực cần được đề cập để thực hiện tiềm năng đó. Theo đó Chính phủ Mỹ đã hợp tác với Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) để thực hiện đánh giá này và đưa ra một lộ trình cho việc sử dụng quỹ ITST.
"Đây là điều mà tôi đã thảo luận với Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông. Khi gặp ông, chúng tôi đã trao đổi về tầm quan trọng của phát triển lực lượng lao động, sự cần thiết xây dựng cơ sở hạ tầng bao gồm năng lượng sạch và cơ sở hạ tầng pháp lý, cũng như chính sách để khuyến khích đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Vấn đề nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn là đề tài chung ở tất cả các quốc gia đang muốn phát triển ngành công nghiệp này, không chỉ ở Việt Nam", ông nói với Tuổi Trẻ.
Ông Ramin nhấn mạnh một trong những nguồn vốn từ quỹ ITST là để phát triển lực lượng lao động ở Việt Nam.
Công nghiệp vi mạch bán dẫn ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế khi nhu cầu toàn cầu về bán dẫn tăng lên, quyết định giá thành và làm tăng chức năng hoạt động của tất cả các hệ thống điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông, tự động hóa, xe tự lái...
Phân tích những tiềm năng này, ông Ramin cho rằng cơ hội đang dành cho tất cả các đối tác của Mỹ, trong đó có Việt Nam.
Vì thế, để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, trở thành điểm đến của dòng vốn Mỹ, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư.
"Những yếu tố này đều rất quan trọng khi các doanh nghiệp nước ngoài đang đưa ra quyết định về nơi họ muốn phát triển khoản đầu tư của mình và mở rộng khả năng sản xuất", ông Ramin Toloui nói.
Về sáng kiến ITSI
ITSI được thành lập theo Đạo luật CHIPS (CHIPS Act of 2022), một đạo luật nhằm phân bổ thêm ngân sách mới để nâng cao năng lực sản xuất bán dẫn tại Mỹ. Với sáng kiến Quỹ ITSI, Bộ Ngoại giao Mỹ đã được cấp 500 triệu USD (100 triệu USD mỗi năm trong 5 năm, bắt đầu từ năm tài chính 2023) để triển khai sáng kiến.
Chương trình chọn 6 quốc gia ở hai khu vực Tây Á và châu Á để đảm bảo tính đa dạng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành bán dẫn, trong đó tập trung vào khâu lắp ráp, kiểm tra và đóng gói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận