Tiêm chủng “tương thân tương ái”

TUẤN SƠN 27/05/2021 17:10 GMT+7

TTCT - Một chương trình vaccine xã hội hóa ở Indonesia có vẻ đang giúp người có điều kiện tự cứu lấy mình, thay vì khuyến khích người dân “hoạn nạn có nhau” như đúng tên gọi đẹp đẽ của nó.

 
 Tranh tường virus corona ở tỉnh Trung Java (Indonesia). Ảnh: Reuters

Chương trình “Vaksinasi Gotong Royong” (VGR, tạm dịch: Vaccine tương thân tương ái) là một sáng kiến của Phòng Thương mại và công nghiệp Indonesia (Kadin). Theo đó, các công ty tư nhân được phép chi tiền mua lại vaccine do chính phủ nhập về để tiêm chủng cho nhân viên và gia đình của họ.

Ý tưởng là tận dụng nguồn lực tư để rút ngắn thời gian đạt được miễn dịch cộng đồng, đồng thời giúp gánh một phần chi phí cho chương trình tiêm chủng miễn phí đang diễn ra song song của chính phủ. “Chúng tôi đánh giá cao rằng chính phủ đang cố gắng hết sức. Nhưng tôi nghĩ họ không thể làm mọi thứ một mình” - bà Shinta Kamdani, phó chủ tịch phụ trách quan hệ quốc tế của Kadin, nói với The Economist.

Chính phủ bật đèn xanh cho VGR từ tháng 2-2021 và đến nay đã có hơn 17.000 công ty đăng ký tham gia chương trình, thay mặt cho 8,7 triệu nhân viên và người thân của họ. Kadin kỳ vọng chương trình sẽ giúp tiêm chủng COVID-19 cho ít nhất 20 triệu người Indonesia.

Ngày 18-5 mới đây, 600 nhân viên một công ty ở Khu công nghiệp Jababeka thuộc tỉnh West Java là những người đầu tiên được tiêm ngừa COVID-19 theo chương trình VGR, trong một sự kiện có sự “hiện diện từ xa” của Tổng thống Joko Widodo cùng các thành viên nội các.

“Đây không chỉ đơn thuần là nỗ lực bảo vệ nhân viên của chúng tôi, mà rộng hơn là cam kết của cả ngành công nghiệp trong việc cùng nhau đẩy nhanh thiết lập miễn dịch cộng đồng nhằm phá vỡ chuỗi lây lan COVID-19” - báo địa phương Kompas dẫn lời một lãnh đạo công ty.

Cũng theo Kompas, người phát ngôn Bộ Doanh nghiệp nhà nước Arya Sinulingga cho biết 1 triệu liều vaccine Sinopharm của Trung Quốc đã về đến Indonesia từ cuối tháng 4 để phục vụ chương trình tiêm chủng xã hội hóa này. “Đây là sự đóng góp của các công ty cho chính phủ và cho đất nước” - Arya nhấn mạnh.

Tuy nhiên, kế hoạch xã hội hóa tiêm chủng vaccine của Indonesia có thể không mang lại lợi ích chung như kỳ vọng.

Bộ Y tế Indonesia đã cẩn thận ra quy định để tránh nhập nhằng công - tư và tránh tạo dư luận không tốt là tư nhân đang “bào” nguồn dự trữ vaccine quốc gia. Theo đó, chỉ có 2 loại vaccine là Sinopharm và CanSino (cũng của Trung Quốc) được phép sử dụng cho chương trình VGR. Đây là 2 vaccine không thuộc chương trình tiêm chủng miễn phí của chính phủ. Việc tiêm chủng tư nhân cũng chỉ được tiến hành tại các cơ sở không thuộc hệ thống y tế nhà nước.

Nhưng cho dù vậy, việc chính phủ kiểm soát khâu mua sắm và nhập khẩu vaccine đồng nghĩa bộ máy hành chính vốn đã quá tải nay lại phải kiêm thêm việc tìm mua các vaccine thay thế.

Tình trạng bất công trong tiếp cận vaccine là một mối lo khác. Những người làm công ăn lương tại các công ty lớn sẽ có nhiều cơ hội được tiêm vaccine COVID-19 trước những người lao động trong khu vực phi chính thức - nhóm chiếm khoảng 55% lực lượng lao động tại Indonesia và mặt bằng chung thuộc đối tượng nguy cơ cao hơn so với dân văn phòng.

Thật mỉa mai thay nếu một chương trình mang tên “tương thân tương ái” lại chủ yếu hưởng lợi cho những người Indonesia trẻ, khỏe và giàu hơn mức trung bình của đất nước. Cảm giác bất bình giữa những người còn lại là tất yếu.

Bà Erni Subekti (49 tuổi), làm nghề bán thực phẩm ở thủ đô Jakarta, đồng tình rằng Indonesia sẽ đạt được miễn dịch cộng đồng nhanh hơn nhờ có VGR. Nhưng ý nghĩ rằng những người giàu có sẽ được tiêm phòng trước những người như bà khiến Erni cảm thấy bức xúc.

Giống như nhiều lao động phi chính thức khác, bà Erni không có đặc quyền làm việc ở nhà để phòng dịch như giới văn phòng. Nguy cơ lây nhiễm rõ ràng là cao hơn, và thực tế bà Erni từng mắc COVID-19 vào tháng 10 năm ngoái. “Chúng tôi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Chẳng phải chúng tôi cũng nên được ưu tiên sao?” - bà thắc mắc.

Indonesia đang đối mặt với tình trạng thiếu vaccine trầm trọng. Khi chính quyền Jakarta khởi động chương trình tiêm chủng vào tháng 1 năm nay, họ đưa ra cam kết tiêm phòng cho 2/3 dân số, tức khoảng 181,5 triệu người, cho đến cuối năm. Đến nay gần một nửa thời gian đã trôi qua, nhưng chỉ mới 7,6% số người trưởng thành Indonesia được tiêm mũi đầu tiên.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận