22/04/2025 10:18 GMT+7

Tiêm chủng làm giảm sử dụng thuốc kháng sinh

Nhiều người quan niệm rằng tiêm chủng chỉ dành cho trẻ em. Trên mạng xã hội có nhiều trang Facebook kêu gọi anti vắc xin, comment xúi giục, nghi ngờ vắc xin…

Tiêm chủng làm giảm sử dụng thuốc kháng sinh - Ảnh 1.

Người dân đang được tiêm chủng vắc xin tại một cơ sở tiêm chủng tại TP.HCM để phòng ngừa bệnh - Ảnh: DUYÊN PHAN

Sáng 22-4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã truyền tải thông điệp "tiêm chủng trọn đời". HCDC khẳng định dù ở độ tuổi nào tiêm chủng vẫn mang lại lợi ích to lớn trong việc phòng ngừa các bệnh nguy hiểm, giảm thiểu biến chứng và tử vong.

Tiêm chủng trọn đời là việc tiêm chủng các vắc xin được khuyến nghị theo từng giai đoạn của cuộc đời để bảo vệ và mang lại lợi ích sức khỏe cho con người ở mọi giai đoạn và hoàn cảnh sống. Mục tiêu không chỉ là giảm bệnh tật và tử vong, mà còn là duy trì sức khỏe tốt và nâng cao chất lượng cuộc sống cho mọi người, đặc biệt là người cao tuổi.

Đối với cá nhân, tiêm chủng trọn đời tăng cường miễn dịch cá nhân, củng cố sức đề kháng và giảm nguy cơ biến chứng của các bệnh truyền nhiễm trong suốt các giai đoạn cuộc đời.

Đối với cộng đồng, tiêm chủng trọn đời tạo miễn dịch cộng đồng bền vững, giảm số ca mắc bệnh truyền nhiễm, ngoài ra còn giúp giảm sử dụng thuốc (đặc biệt là kháng sinh), từ đó góp phần giảm tình trạng kháng kháng sinh.

Đối với xã hội, tiêm chủng trọn đời giúp giảm tần suất bệnh nhiễm, tiết kiệm chi phí y tế, tạo ra một dân số khỏe mạnh hơn, sống lâu hơn, từ đó tăng năng suất lao động và đóng góp cho xã hội.

Tiêm chủng trọn đời đặc biệt quan trọng với một số nhóm đối tượng bao gồm: Phụ nữ có thai, trẻ em, thanh thiếu niên, người cao tuổi, người có bệnh lý nền, người chăm sóc, nhân viên y tế và những người phải di chuyển giữa các khu vực quốc tế có nguy cơ cao nhiễm bệnh.

Nhiều quốc gia đã đưa vắc xin cúm mùa, phế cầu, zona... vào chương trình tiêm chủng quốc gia.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định ngoài vệ sinh và nước sạch, vắc xin là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất đối với việc bảo vệ sinh mạng trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Tiêm chủng không dừng lại ở trẻ em. Khi tuổi tác tăng lên, con người vẫn đối mặt với các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc xin như cúm, phế cầu, viêm gan... Vì vậy việc duy trì tiêm chủng trọn đời là cách hiệu quả để tăng cường miễn dịch cá nhân, giảm thiểu gánh nặng bệnh tật và bảo vệ cộng đồng trước các dịch bệnh.

Nhiều quốc gia phát triển như Úc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và các nước châu Âu đã tích cực triển khai các chương trình tiêm chủng cho người trưởng thành, đặc biệt là người cao tuổi. Những quốc gia này đã đưa các vắc xin như cúm mùa, phế cầu, zona... vào chương trình tiêm chủng quốc gia. Họ cũng đồng thời đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông đa phương tiện nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về lợi ích của tiêm chủng trọn đời.

Tại khu vực Đông Nam Á, một số nước láng giềng của Việt Nam cũng đã có những bước tiến đáng kể. Malaysia và Thái Lan đã triển khai tiêm một số loại vắc xin cho người cao tuổi và tận dụng mạng xã hội, phương tiện truyền thông chính thống để tuyên truyền. Philippines cũng đã có các chương trình tiêm chủng định kỳ dành cho người cao tuổi, góp phần cải thiện sức khỏe cộng đồng.

Là quốc gia nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, Việt Nam có môi trường thuận lợi cho nhiều bệnh truyền nhiễm phát sinh và lây lan, đặc biệt là các bệnh đã có vắc xin phòng như sởi, rubella, ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm gan B, cúm…

Trong bối cảnh đó, Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) quốc gia đã và đang đóng vai trò vô cùng quan trọng trong công tác phòng bệnh, góp phần giảm tỉ lệ mắc và tử vong do bệnh truyền nhiễm, đặc biệt ở trẻ em. Chương trình này được triển khai đồng bộ trên toàn quốc, với sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và các tổ chức quốc tế, ngày càng mở rộng để bao phủ nhiều nhóm đối tượng hơn.

"Dù ở độ tuổi nào, tiêm chủng vẫn mang lại lợi ích to lớn trong việc phòng ngừa các bệnh nguy hiểm, giảm thiểu biến chứng và tử vong. Trong bối cảnh gia tăng các dịch bệnh mới nổi và tái nổi, việc chủ động tiêm vắc xin trọn đời là trách nhiệm và quyền lợi của mỗi cá nhân để bảo vệ chính mình, gia đình và cộng đồng", HCDC cho hay.

Tiêm chủng làm giảm sử dụng thuốc kháng sinh - Ảnh 2.Để tiêm chủng không tốt, ca sởi tăng cao địa phương phải chịu trách nhiệm

Bộ Y tế cho hay với những địa phương không tổ chức tốt công tác tiêm chủng, để số ca sởi tăng cao sẽ phải chịu trách nhiệm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên