Ảnh minh họa. Nguồn: eurodenik.cz
Thời đại công nghệ kỹ thuật số, nhất là cuộc cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay, chính là cơ hội cho trẻ dễ dàng tiếp cận với những vật dụng thiết bị công nghệ cao. Những món đồ thuộc dòng điện thoại thông minh (smartphone), máy tính bảng, ipad… trở thành những vật dụng thân thiết với trẻ và là vật dụng "hữu dụng" của nhiều bậc phụ huynh dùng để "dỗ dành" trẻ ăn hoặc giữ trẻ ngồi yên tránh cho trẻ nghịch ngợm, quấy rầy cha mẹ. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho rằng cách làm này sẽ ẩn chứa rất nhiều mối nguy hiểm, dễ gây ra những tác hại không đáng có cho trẻ.
Hiện nay, mỗi gia đình chỉ có 1-2 con nên bố mẹ thường rất chiều trẻ nhỏ. Nhiều phụ huynh cho rằng việc tiếp cận sớm các thiết bị thông minh sẽ giúp con mình nhanh hiểu biết. Tuy nhiên, hầu hết trẻ sử dụng thiết bị thông minh không mang lại kết quả tích cực như mong đợi của cha mẹ.
Những tác hại khôn lường khi cho trẻ chơi thiết bị thông minh "không có sự kiểm soát"
Sự bận rộn hàng ngày của rất nhiều bậc phụ huynh đã hình thành xu hướng "giao khoán trẻ" cho người giúp việc hoặc một công cụ giải trí nào đó như cho trẻ xem truyền hình thoải mái, tự trẻ loay hoay với việc giao tiếp thế giới xung quanh, đặc biệt cho trẻ chơi trò chơi điện tử thỏa thích bằng thiết bị công nghệ. Điều này sẽ khiến trẻ gặp nhiều rắc rối về sức khỏe như:
- Tổn thương tay trẻ: Những tổn thương này phát sinh khi trẻ lặp đi lặp lại động tác ấn ngón tay vào bàn phím hoặc nút điều khiển của thiết bị. Ví dụ như trò chơi đòi hỏi người chơi phải ấn nút điều khiển bằng ngón cái sẽ gây nguy cơ tổn thương gân duỗi ngón cái. Trò chơi khác nhau có những phương tiện điều khiển khác nhau như bàn phím, chuột, cần điều khiển… Cha mẹ nên khuyến khích trẻ chơi xen kẽ các trò chơi vận động để có sự phối hợp hài hòa, tránh những tác hại đến sức khỏe của trẻ.
- Tăng nguy cơ trẻ bị béo phì: Tỷ lệ trẻ béo phì ngày càng gia tăng, nhất là trẻ ở những thành phố lớn. Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng sức khỏe này là do trẻ chơi điện tử quá "độ" khiến trẻ thường ngồi lì một chỗ, rất ít vận động. Hơn nữa, chơi game làm trẻ hưng phấn làm trẻ ăn, uống những thức ăn có nhiều đường không được người lớn giám sát.
- Ảnh hưởng xương: Chơi điện tử có sức hút "mê hồn" rất khó kéo trẻ ra khỏi thế giới trò chơi mà trẻ đang tập trung trên thiết bị thông minh. Chơi game quá nhiều giờ, trẻ phải ngồi lâu một chỗ và lười vận động khiến cho xương của trẻ khó phát triển một cách toàn diện.
- Tổn thương mắt: Trẻ tập trung chú ý chơi trò chơi điện tử quá lâu cộng với ánh sáng của thiết bị công nghệ sẽ gây mỏi mắt cho trẻ do mắt phải điều tiết nhiều. Ngoài ra, những yếu tố như khoảng cách từ mắt trẻ tới vật dụng thực hiện trò chơi không đảm bảo theo qui định, hoặc lượng ánh sáng không đủ hay quá sáng… đều có thể gây tổn thương cho đôi mắt của trẻ, làm cho trẻ có cảm giác nhìn mờ, nheo mắt, nhức đầu, thậm chí có thể làm trẻ bị cận thị, loạn thị… trong tương lai không xa.
Ngoài ra, các thiết bị công nghệ còn làm hạn chế khả năng giao tiếp, tiếp xúc của trẻ đối với thế giới xung quanh. Nhiều ông bố, bà mẹ suy nghĩ cho con "ôm iPad" để ăn nhanh, ngồi yên, không nghịch ngợm mà không nghĩ hậu quả là có những trẻ đến 5, 6 tuổi vẫn không tự ăn, thiếu thích nghi với môi trường xã hội, không tự lập.
Nguyên tắc an toàn giúp trẻ vui khỏe khi tham gia trò chơi điện tử trên thiết bị công nghệ
Để trẻ phát triển tốt, các bác sĩ đưa ra lời khuyên cha mẹ không nên cho trẻ xem truyền hình nhiều, với trẻ dưới 6 tuổi chỉ được xem 1 giờ/ngày và tối đa dưới 3 giờ/ngày, đặc biệt không cho trẻ dưới 2 tuổi xem truyền hình. Chơi iPad, iPhone và các thiết công nghệ cũng nên được áp dụng chỉ định như với việc xem truyền hình.
Theo các chuyên gia y tế khuyến cáo, các bậc phụ huynh nên hạn chế trẻ em dưới 6 tuổi sử dụng các thiết bị điện tử, các loại máy tính điện tử, máy tính bảng, điện thoại di động… Ở độ tuổi nhỏ, các giác quan của trẻ cần được phát triển một cách toàn diện. Các sản phẩm công nghệ thường chỉ đáp ứng thị giác và thính giác, các giác quan khác của trẻ gần như không có cơ hội phát triển.
Các bậc phụ huynh cần tạo một không gian an toàn cho trẻ khi tham gia các trò chơi điện tử, phòng ốc nên thoáng mát, đủ dưỡng khí, đủ ánh sáng… đặc biệt là hạn chế tối đa những tác hại nguy hiểm từ những thiết bị của trò chơi như nguồn điện, sóng điện từ, các vật dụng nhỏ, bén… có thể gây "dị vật đường hô hấp".
Trẻ cần tiếp xúc với môi trường thiên nhiên, con người xung quanh để trưởng thành, do đó thiết bị điện tử tiện ích thế nào cũng không thể thay cha mẹ dạy dỗ trẻ cách giao tiếp, kỹ năng sống… Cha mẹ nên tổ chức những hoạt động cân bằng giữa việc học tập, sinh hoạt và vui chơi của trẻ sao mang lại lợi ích tốt nhất cho sức khỏe của trẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận