16/07/2017 09:41 GMT+7

Tiếc thương Nữ hoàng Toán học đoản mệnh

TÚ ANH
TÚ ANH

TTO - Bà Maryam Mirzakhani, giáo sư Đại học Stanford, người phụ nữ đầu tiên và duy nhất đến nay giành Huy chương Fields trong lĩnh vực Toán học, đã qua đời ở tuổi 40.

Bà Maryam Mirzakhani, giáo sư Đại học Stanford - Ảnh: AFP
Bà Maryam Mirzakhani, giáo sư Đại học Stanford - Ảnh: AFP

Đại học Stanford cho biết bà Mirzakhani qua đời hôm 15-7 vì bệnh ung thư vú. Trường đại học của Mỹ không cho biết bà qua đời ở đâu.

Bà Mirzakhani sinh trưởng ở thủ đô Tehran của Iran. Bà lấy bằng tiến sĩ Toán học tại Đại học Harvard vào năm 2004 và giảng dạy tại Đại học Princeton trước khi về Stanford làm Giáo sư toán học vào năm 2008.

Năm 2014, bà được trao tặng Huy chương Fields - Giải thưởng tương đương với Giải Nobel vốn không bao gồm lĩnh vực Toán học.

Bà là phụ nữ trẻ duy nhất đến nay nhận giải thưởng danh giá trên nên được ví như Nữ hoàng Toán học, nữ thiên tài Toán học.

Huy chương Fields được trao tặng hằng năm từ năm 1936 cho những nhà nghiên cứu Toán học dưới 40 tuổi.

GS Ngô Bảo Châu là người Việt Nam đầu tiên giành được giải thưởng danh giá trên vào năm 2010, ở tuổi 38, với công trình chứng minh Bổ đề cơ bản cho các dạng tự đẳng cấu do Robert Langlands và Diana Shelstad phỏng đoán.

ĐH Stanford cho biết công trình nghiên cứu của bà tập trung vào những đa tạp hình học và đa tạp động của các bề mặt cong như hình cầu và hình xuyến kép, giúp tính thể tích của những đồ vật hình thù kỳ lạ như chiếc yên ngựa.

Khi công bố trao giải thưởng cho bà năm 2014, Hội nghị Toán học quốc tế (ICM) từng ngợi ca: "Cô ấy sở hữu hiểu biết tuyệt vời về rất nhiều kỹ thuật tính toán, có được tài năng hiếm hoi trong việc kết hợp được trọn vẹn những năng lực kỹ thuật toán học, tham vọng táo bạo và sự tò mò lớn lao".

Tại Iran, Tổng thống Hassan Rouhani nói rằng "sự ra đi đầy đau buồn" của bà Mirzakhani là "nỗi bất hạnh lớn".

Truyền thông nhà nước Iran đưa tin ông Rouhani ca ngợi "sự ưu tú chưa từng thấy của nhà khoa học đầy sáng tạo và của con người khiêm tốn này, người đã làm cho tên đất nước Iran vang vọng trên các diễn đàn khoa học thế giới, (và) là một bước ngoặt trong việc thể hiện ý chí lớn lao của phụ nữ và thanh niên Iran trên con đường hướng tới những đỉnh cao vinh quang... trên nhiều vũ đài quốc tế”.

Đây là một vinh dự lớn và tôi sẽ rất hạnh phúc nếu việc này động viên cho giới phụ nữ trẻ trong lĩnh vực khoa học và toán học. Tôi tin rằng nhiều phụ nữ khác cũng sẽ được nhận những giải thưởng như thế này trong tương lai”
 Nhà Toán học Maryam Mirzakhani tuyên bố khi nhận giải thưởng năm 2014

Hiệu trưởng trường ĐH Stanford, ông Marc Tessier-Lavigne gọi bà Mirzakhani là một lý thuyết gia xuất sắc với những cống hiến trường tồn và truyền cảm hứng cho hàng ngàn phụ nữ theo đuổi toán học và khoa học.

Vợ chồng bà Mirzakhani có một con gái.

Lời chia buồn của nhà khoa học Mỹ gốc Iran Firouz Michael Naderi - Ảnh: Twitter
Lời chia buồn của nhà khoa học Mỹ gốc Iran Firouz Michael Naderi - Ảnh: Twitter

“Một tia sáng đã tắt ngày hôm nay. Tim tôi tan nát… Cô ấy ra đi sớm quá” - ông Firouz Michael Naderi, nhà khoa học Mỹ gốc Iran từng làm việc ở cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), viết trên Twitter.

“Một thiên tài? Đúng mà cũng là một người con, một người mẹ, một người vợ”, ông Naderi viết tiếp trên Twitter với tấm ảnh của nhà nữ Toán học đồng hương

Thuở còn bé, bà Mirzakhani từng mơ làm nhà văn và đọc ngấu nghiến mọi cuốn sách tìm được. Nhưng khi vào phổ thông thì niềm đam mê với các con số đã lấn át tất cả.

Bà từng kể: “Học Toán thật thú vị, cứ như giải đố ô chữ hay giải mã một vụ án hình sự”.

Ở thời phổ thông, bà từng đoạt HCV Olympic Toán quốc tế hai năm liền (1994 và 1995) với số điểm tuyệt đối trong lần giành giải năm 1995.

TÚ ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên