22/03/2019 14:26 GMT+7

'Tiếc đứt ruột' cho TP.HCM khi so với Thượng Hải

THIÊN ĐIỂU ghi
THIÊN ĐIỂU ghi

TTO - Lắng nghe bài trình bày của KTS Ngô Viết Nam Sơn tại hội thảo giữa các chuyên gia Ý và Việt Nam ở Hà Nội sáng 21-3 về chủ đề lợi ích kinh tế của bảo tồn di sản kiến trúc, văn hóa, có lẽ ai cũng 'tiếc đứt ruột' cho TP.HCM.

Tiếc đứt ruột cho TP.HCM khi so với Thượng Hải - Ảnh 1.

Khu phố Tây của với những tòa nhà do người Anh xây dựng qua trăm năm vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn, trở thành điểm du lịch hấp dẫn ở Thượng Hải - Ảnh: T.ĐIỂU

Hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện kéo dài hai ngày 20 và 21-3, với chủ đề Các thành phố tương lai và sự bảo tồn, do Đại sứ quán Ý tại Việt Nam phối hợp với một số đơn vị tổ chức.

Thượng Hải và TP.HCM khá giống nhau khi đều có khu trung tâm với nhiều di sản kiến trúc, văn hóa quý giá ở một bên sông và phía bên kia là khu phố mới với dân cư còn nghèo nàn.

Nếu TP.HCM có sông Sài Gòn thì Thượng Hải có sông Hoàng Phố. Tương ứng với khu trung tâm của TP.HCM là khu phố Tây của Thượng Hải (phía tây sông Hoàng Phố) vốn là khu phố cũ của người Anh với các tòa nhà tráng lệ trở thành di sản kiến trúc quý giá. Còn khu phố Đông của Thượng Hải (phía đông sông Hoàng Phố) tương ứng với Thủ Thiêm.

Khoảng năm 1990, chính quyền Trung Quốc quyết tâm biến Thượng Hải thành một "Hong Kong", họ cũng đối diện với câu chuyện giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển.

Thượng Hải có hai quy hoạch riêng rẽ cho khu bờ Đông và khu bờ Tây, nhưng khi thực hiện, việc này đã gây ra những chệch choạc, đặc biệt nó không rõ ràng ở chỗ: khu nào được bảo tồn, khu nào được phát triển.

Và họ đã làm một quy hoạch chung cho cả khu bờ Đông và khu bờ Tây sông Hoàng Phố của thành phố, theo hướng bờ Tây do chủ yếu gồm công trình lịch sử nên đặt trọng tâm là bảo tồn, còn bờ Đông họ xóa trắng, xây mới những công trình hiện đại, nhà cao tầng, hướng tới đô thị thông minh và tương lai là đô thị công nghệ cao.

Ngày nay, hai bên bờ sông Hoàng Phố là hai hình ảnh hoàn toàn khác nhau, một bên đậm dấu ấn lịch sử, được bảo tồn hầu như nguyên vẹn, còn bên bờ Đông là một khu phát triển rất hiện đại, có thể sánh ngang với Hong Kong.

Điều này khiến Thượng Hải trở thành một thành phố thú vị hàng đầu ở châu Á. Khách du lịch kéo đến thành phố này rất nhiều.

Khu bờ Tây - vốn là khu phố của người Anh thời kỳ thuộc địa - được bảo tồn rất tốt, trở thành điểm du lịch thu hút rất đông người tham quan từ khắp thế giới, mặc cho giá cả của khu vực này rất đắt đỏ.

Mô hình của Thượng Hải từng được TP.HCM quan tâm và từ năm 2003, thành phố đã cử các đoàn cán bộ sang Thượng Hải học hỏi kinh nghiệm nhưng dường như không có ứng dụng nào.

Đến nay, TP.HCM vẫn áp dụng hai bản quy hoạch riêng rẽ cho hai khu Thủ Thiêm và khu trung tâm thành phố. Hiện tại, bờ Đông sông Hoàng Phố đã trở thành khu phố Đông sầm uất bậc nhất ở châu Á sau 20 năm nỗ lực xây dựng, còn "Thủ Thiêm từ 2003 tới giờ chỉ thấy mấy con đường, mà đường cũng chưa xong".

Khu phố Tây của Thượng Hải không kém gì các khu phố di sản ở châu Âu, mang lại giá trị kinh tế rất lớn từ du lịch, còn khu trung tâm của TP.HCM đã mất quá nhiều di sản kiến trúc quý giá.

Tuy nhiên, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng mọi thứ vẫn còn kịp nếu TP.HCM có quy hoạch và định hướng tốt, có sự hợp tác chặt chẽ giữa các sở, ban ngành. "Đây là cơ hội để thế hệ lãnh đạo hôm nay của TP.HCM bắt lấy và việc thực hiện vẫn chưa muộn" - KTS Nam Sơn nói.

Di sản của Sài Gòn xưa cần giữ lại trước khi nó biến mất

TTO - Phải xác định những công trình, không gian nào là di sản của Sài Gòn xưa cần giữ lại trước khi nó biến mất trong dòng xoáy phát triển hiện đại của TP.HCM.

THIÊN ĐIỂU ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên