Thậm chí có người còn trang bị cả một phòng săn sóc tích cực/ICU tại nhà. Phòng thân là quyền, nhưng vấn đề ở chỗ “có cần thiết không”? Thử thiệt hơn hết nhẽ :
Nguồn trữ oxy
Về nguồn oxy, hẳn người ta tích trữ nhằm 2 mục đích : hoặc để dành có dịp là “xách” theo vào bệnh viện cùng bệnh nhân, hoặc để lại “thở” tại nhà. Hiện 2 nguồn trữ oxy thịnh hành là bình oxy nén và máy tạo oxy.
“Oxy take away”
Hướng đi đầu có vẻ thuận tai, nhưng chuyện là bao nhiêu cho đủ?
Với bình nén, tùy dung tích và thể tích thở của bệnh nhân, chỉ dùng trong 24-72 giờ, nhưng đa phần suy hô hấp / giảm oxy máu ở bệnh nhân Covid-19 thường kéo dài cả tuần hơn.
Với máy tạo oxy thì khá hơn. Lấy oxy “chùa” từ không khí, cắm điện vào là dùng, nhưng không thể chạy máy 24/24, và không chắc được bệnh viện chịu "nhập đội" vì tương thích và yêu cầu chuyên môn.
Thở oxy và thở máy
Hướng thứ hai giữ lại để dùng, tất phát sinh thêm vấn đề kỹ thuật và con người. Có hai hình thức tiếp oxy, gọi dễ hiểu là thở oxy và thở máy.
Thở oxy là cách nạp oxy “thô sơ”, với ống dẫn, gọng kính hoặc mặt nạ. Oxy được dẫn tới mũi, việc còn lại người bệnh tự lo, dành cho bệnh nhẹ.
Ngược lại, tình hình tụt oxy máu nghiêm trọng, người bệnh không tự thở hoặc “chất lượng” thở kém, thì đến lượt thông khí nhân tạo, tức máy thở vào cuộc. Lại có 2 kiểu, thở máy không xâm nhập (qua mặt nạ/ CPAP/ BiPAP) và thở máy xâm nhập (qua nội khí quản). Hai chọn một, thấy ngay máy thở xâm lấn không nhiều cửa dùng tại nhà. Trong khi đa phần với bệnh nhân Covid-19 nặng, thở máy xâm nhập gần như khó tránh.
Nhân sự
Mới là máy móc, khoản con người mới khó. SpO2/ SaO2 /bão hòa oxy máu bao nhiêu? Thở máy bao lâu? Lúc nào chạy lúc nào ngưng? Cấp cứu ngộ độc O2 thế nào? Ai đặt ống nghe lên ngực người bệnh xem lành dữ? Khoản “chuyên môn” khắt khe này tính cho cả hai kiểu máy thở. Nhà có điều kiện sắm cả giàn Oxy xịn sò, nhưng khó bê nguyên ê-kíp vận hành “theo máy” .
Kể thêm, với ECMO/tim phổi nhân tạo, chước cuối, càng xa tầm gia đình.
Sắm là chuyện nhỏ, dùng là chuyện lớn
Đã rõ, máy móc là một chuyện, còn sử dụng là chuyện khác. Xác suất tậu cả đống Oxy mà không dùng được là khá cao. Loay hoay rồi cũng phải “bê” cả người lẫn của vào viện thở oxy của nhà thương.
Tất nhiên, với F0 không triệu chứng, ca bệnh nhẹ, được cách ly tại nhà, thì sẵn một bộ oxy phòng thân, là nhu cầu chấp nhận được.
Cung đủ cầu và hơn thế
Dông dài thì mọi sự nằm ở chỗ nguồn cung Oxy cho ngành y tế ở ta vẫn đủ dùng, ít ra với tình hình hiện tại. Tại một số quốc gia, F0 đếm không xuể, có tình trạng thiếu oxy, người bệnh “hết nước mắt” giành nhau từng bình oxy, thầy thuốc phải “ưu tiên”người bệnh có mang theo bình oxy vào viện. Ở ta, làm bằng vài con số, khoảng 80% không triệu chứng hoặc biểu hiện lâm sàng nhẹ, trong đó chỉ 5% thở oxy gọng kính, 0,17% thở máy không xâm lấn và 1,3% mới phải thở máy xâm lấn.
Đầu cơ Oxy
Ở các quốc gia kêu khó về oxy, có phần góp của nạn đầu cơ oxy từ việc đua nhau mua trữ cất ở nhà và để đó ì.
Máy tạo oxy
Nhân tiện biết thêm về máy tạo oxy, đang cháy hàng. Làm giàu oxy đúng hơn, bởi máy lấy nguồn O2 free từ không khí ( 21 %), đưa vào tinh luyện, loại bỏ Nitơ, cho ra O2 y tế (90-95%). Cắm điện là xài, không chức năng dự trữ, nhất là không phải máy thở. Nhiều nơi bán máy oxy lại chào là máy trợ thở. Plug & Play nhưng sử dụng không sơ sài được, phải định kỳ thay “lõi” lọc, vệ sinh ống dẫn, kiểm tra van, đồng hồ và phòng nhiễm trùng qua khí thở.
Máy trợ thở
Cùng với máy tạo oxy, máy trợ thở cũng đang được lùng mua. Như đã nói, đây thường là kiểu máy thở không xâm lấn, dùng cho bệnh về tim, hô hấp, phổi tắt nghẽn và người mắc chứng ngưng thở lúc ngủ. Hiện xuất hiện máy thở đa năng, vừa xâm nhập vừa không xâm nhập, giá trên trời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận