Tiến sĩ Trần Hữu Minh, chuyên gia với 10 năm kinh nghiệm về quy hoạch giao thông tại Anh, kiến nghị chỉ nên tịch thu xe nếu lái xe tái phạm vi phạm nồng độ cồn - Ảnh: Xuân Long |
Tiến sĩ Trần Hữu Minh, chuyên gia với 10 năm kinh nghiệm về quy hoạch giao thông tại Anh, kiến nghị như vậy tại hội thảo “tịch thu phương tiện: pháp lý và thực tiễn” diễn ra tại Hà Nội, sáng 11-3.
Lái xe "nặng hơi men" là có thể "giết" bất cứ ai trên đường
Theo ông Minh, nhiều nước đã có hệ thống xử phạt đối với lái xe uống rượu bia, trong đó tịch thu phương tiện là một trong những giải pháp: “Nhiều nước đã coi việc lái xe trong điều kiện nồng độ cồn vượt mức cho phép còn bị xem là tội phạm, vì uy hiếp đến sự an toàn của nhiều người dân. Vì vậy, các nước trên thế giới tạm giữ xe rất nhiều, tịch thu xe cũng rất nhiều".
"Ví dụ ở Mỹ có 32/52 bang áp dụng lệnh tịch thu xe liên quan đến lái xe uống rượu bia, nhiều nước cũng tịch thu xe nếu lái xe vi phạm lần 3. Tuy nhiên, những quy định này đang thay đổi theo hướng nghiêm khắc hơn, một số nơi ở New York đã cho phép tịch thu xe ngay trong lần vi phạm đầu tiên” - ông Minh cho biết.
Theo ông Minh, việc áp dụng giải pháp tịch thu xe đối với lái xe vi phạm về nồng độ cồn ở VN cần theo xu hướng của các nước.
“Có thể áp dụng chế tài tịch thu xe đối với lái xe tái phạm vi phạm nồng độ cồn khi lái xe; lái xe vi phạm ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng, như nồng độ cồn cho phép là 80mg/100ml máu mà nồng độ cồn của lái xe gấp 3-4 lần nồng độ cho phép, tức là lúc đó anh đã hoàn toàn mất kiểm soát, có thể gây tai nạn “giết” bất cứ ai trên đường thì phải tịch thu xe ngay; lái xe chống người thi hành công vụ, không dừng xe để đo nồng độ cồn, tức là coi thường kỷ cương” - ông Minh đề xuất.
Tịch thu phương tiện chỉ nên là hình phạt bổ sung?
Đồng quan điểm về việc tịch thu xe chỉ nên áp dụng với lái xe tái phạm vi phạm nồng độ cồn, ông Ngô Dương (Viện Nhà nước pháp luật) khẳng định, vấn đề gây tranh cãi liên quan đến đề xuất tịch thu xe chính là chuyện tịch thu tài sản của cá nhân.
“Tịch thu tài sản xung công có từ lâu rồi. Tuy nhiên, tôi cho rằng giải pháp đầu tiên nên theo hướng tăng nặng hình phạt tiền, còn tịch thu phương tiện chỉ nên xem là hình phạt bổ sung. Nếu lái xe vi phạm về nồng độ từ lần thứ hai trở đi thì cần tịch thu xe” - ông Dương kiến nghị.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương khẳng định, ông sẽ lên diễn đàn Quốc hội đề nghị, cần thiết có thể sửa đổi để có thể thực hiện được việc chế tài mạnh, trong đó có chế tài tịch thu xe - Ảnh: Xuân Long |
“Đây là vấn đề rất cần thiết. Tôi cho rằng hiện trạng vi phạm giao thông hiện nay rất phổ biến, tràn lan, ngang nhiên và coi thường pháp luật, thậm chí chống đối mạnh mẽ. Nói thật là không có đủ từ ngữ để miêu tả trình trạng vi phạm giao thông hiện nay, vậy cớ sao chúng ta làm ngơ. Và không có lý do gì mà chúng ta không tìm ra các giải pháp mạnh mẽ cho một vấn đề đáng lo của xã hội chúng ta” |
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương |
Đề cập đến vấn đề pháp lý có cho phép tịch thu phương tiện, ông Nguyễn Sỹ Cương (đại biểu Quốc hội) khẳng định cá nhân ông ủng hộ đề xuất chế tài mạnh, trong đó có giải pháp tịch thu xe. Tuy nhiên, ông Cương cũng cho rằng, để giải pháp tịch thu xe trở nên khả thi, đề xuất nêu trên cần phải tiếp tục nghiên cứu, bàn luận.
“Ví dụ luật xử lý vi phạm hành chính cho phép tịch thu phương tiện đối hành vi nghiêm trọng với lỗi cố ý. Nếu trong luật quy định chưa rõ thế nào là nghiêm trọng thì trong nghị định phải xác định, quy định rõ. Có thể nói uống rượu bia mà điều khiển giao thông thì đó là hành vi nghiêm trọng, vì mất kiểm soát mà lái xe ra đường có thể “giết” một người hay nhiều người thì sao không thể coi đó là nghiêm trọng” - ông Cương nói.
Cũng theo ông Cương, với những băn khoăn về đề xuất này còn chưa khả thi, liên quan đến vấn đề sở hữu, liên quan đến người thứ 3, liên quan đến Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự, đây là những vấn đề cần tiếp tục phải bàn.
Theo ông Khuất Việt Hùng, phó chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia, với kiến nghị của Ủy ban ATGT quốc gia, trong đó có chế tài tịch thu xe với lái xe vi phạm về nồng độ cồn, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ GTVT, Công an, Tư pháp nghiên cứu, đề xuất, báo cáo Thủ tướng chính phủ xem xét trước ngày 31-3-3015.
Cũng tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng giải pháp tịch thu xe với lái xe vi phạm nồng độ cồn cần được nghiên cứu thấu đáo và xem xét thận trọng, đặc biệt phải làm rõ các cơ sở pháp lý cho phép thực hiện.
[poll width="400px" height="174px"]125[/poll]
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận