26/02/2017 10:05 GMT+7

Tịch thu xe hết “đát”: Cần có chính sách hỗ trợ người dân

ĐỖ VĂN NHÂN
ĐỖ VĂN NHÂN

TTO - Theo quyết định 16/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến ngày 1-1-2018 sẽ chính thức thu hồi, xử lý các phương tiện giao thông hết niên hạn sử dụng (còn gọi xe hết “đát”).

Trước hết, phải khẳng định rằng việc tịch thu xe hết “đát” là một quyết sách đúng nhằm bảo vệ cuộc sống của người dân trước nguy cơ ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, đồng thời tăng cường các hoạt động quản lý phương tiện nhằm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông...

Thế nhưng, việc tịch thu này phải tính toán kỹ lưỡng, thận trọng, tránh làm xáo trộn cuộc sống của người dân. Bởi vì người sử dụng xe hết “đát” đa số là dân nghèo, khi mất đi “cần câu cơm” thì Nhà nước cần phải có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân ổn định cuộc sống.

Trước đây, nghị quyết 32 của Chính phủ quy định cấm xe 3-4 bánh thô sơ, tự chế lưu thông trên toàn quốc từ ngày 1-1-2010.

Nhiều địa phương đã triển khai thực hiện rất tốt, trong đó có những chính sách giúp đỡ, chuyển đổi nghề nghiệp, đặc biệt là khuyến khích người dân giao nộp xe thô sơ, tự chế để được hỗ trợ; một số địa phương có chính sách hỗ trợ người dân nếu giao nộp xe đúng hạn như 2 triệu đồng/xe, có nơi hỗ trợ 5 - 7 triệu đồng/xe và nhiều chính sách hỗ trợ khác.

Nhờ thế người dân đã chấp hành nghiêm túc và tự chuyển đổi nghề nghiệp một cách ổn định, không xảy ra xáo trộn.

Chính vì vậy, để triển khai quyết định số 16/2015/QĐ-TTg về việc thu hồi, xử lý các phương tiện giao thông hết hạn sử dụng kể từ ngày 1-1-2018, các địa phương cần đẩy mạnh công tác rà soát, thống kê số xe hết “đát”; tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện giao nộp phương tiện kèm với đó là chính sách hỗ trợ người dân để đầu tư, mua sắm phương tiện mới phù hợp hoặc có chính sách đào tạo, giới thiệu việc làm cho người dân để ổn định cuộc sống.

Có như vậy, việc triển khai tịch thu xe hết “đát” mới nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng của người dân.

Bên cạnh đó, đối với số phương tiện bị tịch thu cần phải có phương án quản lý, tái chế... nhằm đảm bảo hiệu quả, tránh thất thoát và mang lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Nên quy định niên hạn cho xe hai bánh

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - phó trưởng Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, thu hồi xe hết “đát” chỉ thực hiện đối với phương tiện có kiểm định và có quy định thời hạn sử dụng, còn đối với môtô rất khó vì chưa quy định niên hạn.

“Gần đây lực lượng CSGT Hà Nội đẩy mạnh tuần tra, xử lý môtô cũ nát nhưng với điều kiện phương tiện ấy bị kiểm tra với một hành vi vi phạm khác và người vi phạm không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xe hoặc người dân bỏ lại phương tiện do mức xử phạt cao hơn giá trị phương tiện” - ông Hùng nói.

THÂN HOÀNG

ĐỖ VĂN NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên