12/11/2024 08:39 GMT+7

Tịch thu xe để xử lý 'quái xế', có phù hợp?

Trước tình trạng thanh thiếu niên tụ tập chạy xe máy với tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, nẹt pô, rú ga… uy hiếp an toàn tính mạng người đi đường, có đề xuất cần phải tịch thu xe để xử lý 'quái xế'. Điều này có phù hợp?

Tịch thu xe để xử lý 'quái xế', có phù hợp? - Ảnh 1.

Phát hiện rào chắn, "quái xế" liên tục lạng lách, sẵn sàng tông vào cảnh sát để bỏ chạy - Ảnh: HỒNG QUANG

Như Tuổi Trẻ Online thông tin, mới đây hàng chục "quái xế" trong lứa tuổi thanh, thiếu niên chạy xe máy gây náo loạn đường phố đã bị lực lượng tuần tra hóa trang kết hợp công khai tại Hưng Yên phát hiện, xử lý.

Trước đó cơ quan chức năng đã nhanh chóng xử lý nhóm "quái xế" với nhiều em tuổi vị thành niên tông chết một cô gái tại ngã tư Trần Hưng Đạo - Bà Triệu, Hà Nội lúc rạng sáng 3-11.

Một bạn đọc đặt vấn đề: "Vì sao các "quái xế" vẫn tiếp tục lộng hành? Phải chăng vì hình phạt còn quá thấp. Kính mong sửa luật, tăng mức phạt tài xế và người giao xe, tịch thu xe và bằng lái, cho những người đua xe đi lao động công ích.

Tịch thu xe là biện pháp hiệu quả nhất vì đây là phương tiện gây ra tai nạn chết người".

Đồng tình, tài khoản huut****@gmail.com "đề nghị phải tịch thu xe, tiêu hủy xe và xử phạt thật nặng; nếu tái phạm thì sẽ truy tố theo luật hình sự.

Đồng thời phạt cả những gia đình có con cái chưa đến tuổi thành niên mà lại giao xe cho con".

Theo bạn đọc Vo Ha, phải tịch thu toàn bộ xe máy của các "quái xế", đưa vào công quỹ làm nguồn hỗ trợ các dự án xã hội.

Tịch thu xe mới đủ răn đe thanh thiếu niên và phụ huynh

TS Khương Kim Tạo (nguyên phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia) hoàn toàn đồng tình với đề xuất tịch thu xe của các "quái xế" lạng lách, đánh võng, phóng nhanh, nẹt pô…

Ông Tạo cho rằng: "Đây là con đường nhanh nhất giúp giải quyết tình trạng này.

Mức phạt bao nhiêu chưa cần biết, tuy nhiên khi chúng ta tịch thu xe sẽ không chỉ giáo dục cho các thanh thiếu niên mà còn cho cả phụ huynh, người thân…".

Đồng thời đề xuất cơ quan chức năng cần nghiên cứu mức phạt thật nghiêm minh, đủ tính răn đe đối với những người giao xe cho người không đủ điều kiện cầm lái.

Luật sư Phạm Thành Tài (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng việc tịch thu xe không phải là mới, hiện đang được triển khai và thực hiện theo nghị định số 100/2019 (sửa đổi, bổ sung tại nghị định số 123/2021).

Điều này cũng phù hợp với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 về tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Trong đó quy định các hành vi vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân hoặc tổ chức đều bị xử phạt nghiêm minh, mức cao nhất là tịch thu phương tiện để sung vào ngân sách nhà nước.

Hiện nay tình hình trật tự an toàn giao thông đường bộ diễn biến phức tạp; vi phạm vẫn diễn ra phổ biến và tính chất nguy hiểm tăng cao.

Trên cơ sở đó, việc tịch thu xe của các trường hợp tụ tập lạng lách, đánh võng, phóng nhanh, nẹt pô… là cần thiết nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và bảo đảm tốt hơn an toàn về tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông.

Tuy nhiên, trong thực tế rất nhiều trường hợp lái xe lạng lách, đánh võng lại đứng tên người khác. Nhiều thanh thiếu niên thường xuyên sử dụng xe của bố mẹ để thực hiện các hành vi mạo hiểm, gây mất an ninh trật tự.

Theo luật hiện hành, phải trả lại xe cho chủ sở hữu, chỉ tịch thu nếu xe đó của chính người có hành vi.

Bởi vậy, dù có quy định tịch thu xe đối với trường hợp lạng lách, đánh võng, song để thực hiện được việc tịch thu này cũng không dễ.

Luật sư Tài đề xuất cần sửa quy định này theo hướng cứ lạng lách, đánh võng là tịch thu xe, không cần biết chủ xe là ai.

Khi biết rằng nếu vi phạm sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất phương tiện, người lái xe sẽ có trách nhiệm hơn trong việc sử dụng xe, kể cả xe đi mượn…

Đề xuất tịch thu xe máy với trường hợp bốc đầu, lái bằng chân

Thông tin được nêu trong dự thảo lần 3 nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe của Bộ Công an.

Đáng chú ý, trong dự thảo Bộ Công an đề xuất cơ quan chức năng áp dụng biện pháp tịch thu phương tiện đối với người điều khiển xe mô tô, xe máy thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

Buông cả hai tay khi đang lái xe; dùng chân điều khiển xe; ngồi về một bên điều khiển xe; nằm trên yên xe điều khiển xe; thay người điều khiển khi xe đang chạy; quay người về phía sau để điều khiển xe hoặc bịt mắt điều khiển xe.

Người có hành vi điều khiển xe chạy bằng một bánh với xe hai bánh, chạy bằng hai bánh với xe ba bánh cũng sẽ bị tịch thu xe.

Ngoài việc bị tịch thu xe, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm quy định trên còn bị trừ điểm giấy phép lái xe 12 điểm.

Ngoài ra, dự thảo cũng quy định xe máy bị tịch thu khi sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông.

Trường hợp không có chứng nhận đăng ký xe hoặc sử dụng chứng nhận không do cơ quan có thẩm quyền cấp, không đúng số khung, số máy hoặc bị tẩy xóa cũng sẽ bị tịch thu xe.

Đề xuất tịch thu xe để xử lý 'quái xế' có phù hợp? - Ảnh 4.Giao xe máy cho trẻ: Quyết định cân não

Giữa áp lực thời gian và nỗi lo an toàn, nhiều phụ huynh đứng trước lựa chọn khó khăn: giao xe máy cho con đi học hay tiếp tục vất vả đưa đón?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên