05/02/2019 08:30 GMT+7

Tích điểm thành viên để... chạy bộ

KHÁNH THƯƠNG
KHÁNH THƯƠNG

TTO - Bạn chỉ tham gia một giải chạy bộ, dù đó chỉ là phong trào nhưng toàn bộ thông số thi đấu đều được lưu trữ, hình ảnh được công bố và còn được “tích điểm thành viên”, có lý do gì để không tham gia giải đấu tiếp theo?

Tích điểm thành viên để... chạy bộ - Ảnh 1.

Nhóm “Ngũ long công chúa” - cách gọi vui về năm bà mẹ của CLB RFF ( để vui) - tại giải marathon Techcombank - Ảnh: TRUNG NGUYỄN

Theo chân phong trào chạy bộ, những giải chạy marathon, bán marathon ngày càng xuất hiện nhiều ở Việt Nam. Nhưng tổ chức một giải chạy bộ không hề đơn giản.

Từ chạy được tiền đến chạy... đóng tiền

"Thông thường, chỉ có khoảng 50% người tham dự một giải chạy trở lại vào năm tiếp theo. Họ muốn thử thách bản thân, trải nghiệm những điều mới mẻ ở các cung đường khác nhau. Ở Long Biên marathon của chúng tôi, có khoảng 85% các VĐV của giải năm trước đó sẽ quay trở lại" - Hà Duy, một thành viên trong nhóm ban tổ chức giải Long Biên marathon, tự tin chia sẻ.

Trong cộng đồng những giải chạy bộ thường niên tại Việt Nam, Long Biên marathon được đánh giá rất cao về cả lượng người tham dự hằng năm lẫn những trải nghiệm mới mẻ.

Nhưng không giống như nhiều giải đấu quy mô khác, giải marathon ra đời cách đây 3 năm tại Hà Nội này không hề gắn với bất kỳ tên nhà tài trợ nào. Và đội ngũ ban tổ chức cũng chỉ vỏn vẹn 6 người, tất cả đều là tay ngang.

Phạm Thanh Tùng (39 tuổi), người đưa ra ý tưởng thành lập giải cách đây hơn 3 năm, vốn là một kỹ sư công nghệ thông tin. Hà Duy (26 tuổi) cũng có công việc trong ngành marketing.

Trong khi Hà Duy du học tại Mỹ thì Thanh Tùng cũng làm việc cho công ty nước ngoài, cả hai đều từng có cơ hội trải nghiệm bầu không khí của những giải chạy ở nước ngoài, vốn xuất hiện thường xuyên và dễ dàng như một sinh hoạt vào loại nhu cầu hằng ngày như ăn, mặc...

"Mỗi lần ra nước ngoài, tôi thường chứng kiến những giải chạy bộ phong trào rất quy mô, như ở Singapore hay Mỹ. Các giải chạy nhiều lúc diễn ra ngay trên các tuyến đường lớn. Khi đó tôi tự hỏi, tại sao Việt Nam chúng ta lại không có giải chạy bộ?" - anh Tùng chia sẻ.

Tương tự, Hà Duy khi du học tại Mỹ cũng cảm nhận được một sự yên bình, văn minh ở các giải chạy bộ. Và thế rồi đến năm 2016, Thanh Tùng, Hà Duy cùng những người bạn đam mê chạy bộ tự đứng ra thành lập giải chạy cho riêng mình. Nhận được sự giúp đỡ của Trung tâm TDTT quận Long Biên, mọi người quyết định đặt cung đường ngay tại đây.

"Vào lúc này, mọi người đã quen với chuyện đóng tiền để tham gia giải chạy bộ rồi phải không? Nhưng ở thời điểm đó, đây là chuyện hoàn toàn xa lạ với người Việt. Tôi nhớ khi giới thiệu ý định tổ chức một giải chạy mà người tham gia phải đóng tiền như ở nước ngoài, không ít người Việt đã trợn tròn mắt bảo rằng họ chạy các giải chạy phong trào trong nước còn được phát 100.000 đồng, vậy thì việc gì phải tốn tiền để chạy! Chúng tôi phải thay đổi suy nghĩ đó của mọi người, phải đổi mới tư duy thị trường" - Hà Duy kể.

Và rồi mọi chuyện đang dần thay đổi ở Việt Nam. Giờ đây, đóng tiền triệu để được chạy ở một giải marathon là điều đã khá quen thuộc. Bởi người ta đã thấy một giải chạy thu tiền khác xa một giải chạy phát tiền!

Tích điểm thành viên để... chạy bộ - Ảnh 2.

Phạm Thanh Tùng - một người thích chạy trải nghiệm thiên nhiên và Hà Duy tại giải Ironman 70.3 ở Đà Nẵng. Hai chàng trai mê chạy này đã góp nhiều công sức để môn chạy bộ đang phát triển mạnh tại Việt Nam - Ảnh: PHẠM PHƯƠNG

Lợi thế công nghệ

Điểm bất lợi của Long Biên marathon là đường chạy vẫn cố định theo thời gian, kêu gọi người đăng ký dự giải đã khó, giữ chân được các VĐV càng khó hơn. Và ngay từ năm đầu tiên, Thanh Tùng, Hà Duy đã xác định hướng đến việc tận dụng các công nghệ để nâng cao chuyên môn cho giải. Giải sử dụng hệ thống đếm giờ tối tân để đo chính xác nhất thành tích của mỗi người.

Để làm được điều đó, các chàng trai trẻ mê chạy đã chi ra tiền tỉ để mua một hệ thống tính giờ hiện đại, mà mỗi bảng số đeo trên áo VĐV đều có gắn chip để thu thập dữ liệu suốt cuộc chạy.

Chưa hết, những chàng trai tổ chức Long Biên marathon xây dựng 2 trang web: một trang web mang tên giải, trang web còn lại là racevietnam.com. Nếu longbienmarathon.com để quảng bá giải thì racevietnam.com lưu trữ, đăng tải toàn bộ thông tin, thông số về từng VĐV dự giải.

Nghe có vẻ kỳ lạ khi yếu tố chuyên môn lại được xem là trọng tâm của một giải chạy phong trào. Nhưng Long Biên marathon đã đánh trúng tâm lý. Các VĐV - bất kể chuyên nghiệp hay phong trào, đoạt giải hay không đoạt giải - đều thích thú khi vào racevietnam.com và xem thấy đầy đủ hình ảnh, thông tin của mình. Ngay cả các kỳ SEA Games cũng không có trang web chuyên nghiệp đến vậy.

Sau khi tổ chức thành công Long Biên marathon, nhóm các thành viên lại mở rộng hệ thống giải đấu của mình. Từ Long Biên marathon, hiện nay họ đã có thêm các giải chạy Plas Kidz, Ecopark, LDR Half marathon...

Racevietnam.com vì thế càng thêm phong phú, điều này lý giải vì sao các VĐV háo hức trở lại Long Biên marathon cũng như tham gia thêm các giải đấu khác cùng hệ thống.

"Có rất nhiều cách để giúp giải đấu trở nên sôi động cũng như tăng thêm lượng tương tác. Chẳng hạn chúng tôi cho các VĐV quay số để chọn số áo bib, họ có thể quay bao nhiêu lần tùy thích để chọn ra số đẹp, số có ý nghĩa.

Người đến sớm thì càng có nhiều cơ hội. Khó khăn đến vậy mới lấy được số áo vừa ý, họ sẽ share lên Facebook, và điều đó càng tăng thêm lượng tương tác cho chúng tôi" - Hà Duy chia sẻ về một trong những "chiêu" truyền thông của giải. Thậm chí còn có cả hệ thống chăm sóc khách hàng dành cho những ai đã tham dự giải quá 1 lần, chẳng hạn giảm giá đăng ký.

"Ở Việt Nam, mỗi khi thấy đường phố bị rào chắn cho các giải thể thao thì đa phần người dân sẽ khó chịu. Trong khi đó ở Mỹ chẳng hạn, giải chạy bộ chính là một phần trong nét văn hóa, du lịch của họ. Chúng tôi quan niệm cần phải tổ chức giải chạy bộ sao cho giống một sự kiện âm nhạc" - anh Tùng nói.

Chạy góp phần phát triển du lịch

Để đảm bảo lượng người đăng ký luôn tăng, Long Biên marathon nhắm vào đối tượng là những du khách nước ngoài. "Ngay từ khi bắt đầu tổ chức giải, chúng tôi đã nhắm vào du lịch.

Các VĐV người Việt có thể thấy cung đường chạy của giải quen thuộc và chỉ tham gia một lần, nhưng với người nước ngoài, giải đấu luôn mới với họ" - Hà Duy cho biết. Các thành viên của nhóm chủ động liên lạc với Hiệp hội marathon quốc tế để gây được sự chú ý của những người nước ngoài mê chạy bộ khi đến Việt Nam.

Vấn đề nào về sức khỏe có thể xảy ra với người chạy bộ?

TTO - Xác suất đột tử trên đường chạy cực kỳ thấp, là chia sẻ của bác sĩ Đinh Huỳnh Linh - bộ môn tim mạch (Đại học Y Hà Nội), bác sĩ Viện Tim mạch quốc gia VN - với Tuổi Trẻ ngày 15-1.

KHÁNH THƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên