Các chuyên gia nuôi nhốt muỗi để theo dõi, đánh giá biến đổi dịch tễ - Ảnh: NAM TRẦN
Những năm gần đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) liên tục phát đi cảnh báo về tình trạng tỉ lệ mắc sốt xuất huyết gia tăng trên phạm vi toàn cầu.
Theo thống kê của WHO, năm 2019, số ca mắc sốt xuất huyết toàn cầu đạt mức cao nhất trong lịch sử với 4,9 triệu trường hợp được ghi nhận tại 129 quốc gia.
Dịch sốt xuất huyết biến động
Năm 2022, số ca mắc toàn cầu tuy giảm chỉ còn 4,2 triệu nhưng đây là năm Việt Nam ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất trong giai đoạn 1980 - 2023 với 367.729 ca.
Năm 2022 cũng ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết tại Việt Nam cao thứ hai toàn cầu, chỉ sau Brazil.
Tại Việt Nam, trong 5 năm gần đây, dịch tễ sốt xuất huyết có diễn biến ngày càng phức tạp. Nếu trước đây, giai đoạn 1980 - 2018, Việt Nam thường ghi nhận đỉnh dịch mỗi 10 năm, thì riêng giai đoạn 2019 - 2023, Việt Nam đã trải qua tới 2 đợt đỉnh dịch vào năm 2019 (ghi nhận hơn 334.231 ca nhiễm sốt xuất huyết) và năm 2022 (ghi nhận kỷ lục 367.729 ca).
Năm 2023, cả nước tiếp tục ghi nhận hơn 172.000 ca mắc sốt xuất huyết, 43 người trong đó đã tử vong. Mặc dù số ca mắc giảm khoảng 54%, số tử vong giảm 72% (giảm 108 trường hợp) so với năm 2022, nhưng dịch diễn biến khác thường so với mọi năm.
Mọi năm, dịch sốt xuất huyết chủ yếu tập trung ở khu vực phía Nam thì trong 2023, lần đầu tiên số ca mắc của Hà Nội tăng cao, dịch kéo dài. Tổng số ca mắc cao gấp đôi so với TP.HCM (Hà Nội: 36.700 ca; TP.HCM: 17.200 ca).
TS Nguyễn Văn Dũng, trưởng khoa côn trùng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương, cho biết trước đây sốt xuất huyết thường diễn biến theo mùa. Mùa mưa là mùa cao điểm của sốt xuất huyết do liên quan đến sự sinh sản của loài muỗi.
"Hiện nay, ngoài theo mùa, sốt xuất huyết còn diễn ra rải rác quanh năm. Đặc biệt, năm 2023 thời tiết tại miền bắc diễn biến thất thường khiến số ca mắc rải rác, dịch kéo dài", TS Dũng phân tích.
Việt Nam đã và đang làm gì trước diễn tiến khó lường của dịch?
Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng giai đoạn 1980 - 2023 số ca mắc sốt xuất huyết liên tục biến động, tuy nhiên số ca tử vong đã được kiểm soát, giảm tỉ lệ tử vong khi mắc bệnh. Kể từ năm 2005, Việt Nam duy trì tỉ lệ tử vong dưới 1 trong 1.000 ca mắc.
Biểu đồ số mắc và tử vong do sốt xuất huyết tại Việt Nam từ 1980 - 2023 – Nguồn: Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế)
Trong giai đoạn sốt xuất huyết được đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia, Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết, đẩy mạnh công tác giáo dục và truyền thông cho người dân về phòng chống dịch bệnh.
Hiện nay, 3 giải pháp đang được thực hiện xuyên suốt trong phòng chống dịch sốt xuất huyết: cộng đồng chủ động phòng bệnh (diệt lăng quăng, bọ gậy, xua muỗi, phòng muỗi đốt…); phát hiện ổ dịch, dập dịch (theo dõi đặc điểm bệnh, dập dịch bằng hóa chất…); đảm bảo hệ thống y tế điều trị bệnh (nhân lực, thuốc…).
Dưới tác động của nhiều yếu tố như hiện tượng nóng lên toàn cầu, quá trình đô thị hóa hay giao thương phát triển, dịch sốt xuất huyết ngày càng diễn tiến khó lường.
Bởi vậy Bộ Y tế cũng liên tục có khuyến cáo tăng cường phòng dịch khi dịch biến động. Các bệnh viện hàng năm đều tập huấn về điều trị sốt xuất huyết, cập nhật hướng dẫn điều trị, sử dụng các loại thuốc có hiệu quả điều trị cao hơn.
Theo PGS.TS.BS Phạm Quang Thái, phó trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, hiện nay Việt Nam đang áp dụng những biện pháp không đặc hiệu hay còn gọi là can thiệp không dùng thuốc.
"Trong khi đó việc dự phòng muỗi đốt cũng không thể thực hiện một cách tuyệt đối. Tại những nơi có dịch bùng phát, tỉ lệ nhiễm bệnh tăng cao đi kèm với tỉ lệ tử vong cũng có thể tăng và luôn có nguy cơ bị nhiễm bệnh trong những tình huống ít ngờ đến nhất. Bởi vậy, trên thế giới các nhà khoa học luôn tìm tòi, nghiên cứu vắc xin phòng bệnh, một biện pháp phòng bệnh chủ động hơn", bác sĩ Thái nói.
Có thể chủ động hơn trong phòng dịch
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, PGS.TS.BS Phạm Quang Thái cho hay trọng điểm bệnh sốt xuất huyết hiện nay vẫn tập trung vào hai thành phố lớn là TP.HCM và Hà Nội. Dịch diễn biến phức tạp và chưa có tuần nào mà không có ca bệnh.
Theo xu hướng của số liệu những năm gần đây, dịch sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp với số lượng người bệnh ở mức cao và có thể gây quá tải hệ thống y tế vào những tháng đỉnh dịch. Chính vì vậy cần sự vào cuộc của người dân và các ban ngành, đoàn thể chung tay phòng chống dịch.
Bác sĩ Thái cũng cho rằng biện pháp dự phòng không đặc hiệu chủ đạo cần thực hiện trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay như vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy cũng như hạn chế để muỗi đốt.
Ngoài ra, các nhà khoa học trên thế giới đang nghiên cứu rất nhiều các loại vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết. Tại Việt Nam, một số vắc xin cũng đã được thử nghiệm lâm sàng và đang trong quá trình chờ cấp phép. Quá trình cấp phép được xét duyệt kỹ lưỡng từ các cơ quan chức năng để đảm bảo tính an toàn trước khi được cấp phép sử dụng cho người dân.
"Việc có một loại vắc xin hiệu quả và an toàn để phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết cho người dân sẽ giúp giảm số lượng ca mắc cũng như số lượng ca biến chứng nặng.
Từ đó, giúp giảm áp lực cho hệ thống điều trị và những người làm công tác điều trị có thể tối ưu hóa nguồn lực y tế cho việc điều trị các ca nặng, giảm số lượng ca tử vong. Do đó, sự phối hợp chặt chẽ giữa hệ thống điều trị và dự phòng (như tiêm chủng) có ý nghĩa rất quan trọng", bác sĩ Thái nhận định.
TS.BS Nguyễn Minh Tuấn, trưởng khoa sốt xuất huyết Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, cũng cho rằng để phòng chống bệnh sốt xuất huyết, cần phải áp dụng phối hợp nhiều phương pháp.
"Biện pháp cơ bản như kiểm soát trung gian truyền bệnh là muỗi vằn và lăng quăng. Bên cạnh đó, vắc xin là một trong những chiến lược có thể áp dụng để giảm số ca mắc và số ca nặng", TS Tuấn nhận định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận