Giá trị tia cực tím như trên đã duy trì liên tục nhiều ngày trên địa bàn TP. Tuy nhiên theo bà Lan trong ngày 6-5, giá trị này chỉ duy trì trong khoảng thời gian từ 11- 12g nhưng qua 13g30, giá trị trên giảm còn ở mức 8 và tiếp tục giảm xuống còn mức 5.
Nguyên nhân do thời điểm trên tại TP.HCM xuất hiện những đám mây dông dày đặc, sau đó trời mưa trên diện rộng.
Cũng theo bà Lan, trong những ngày tới, mưa dông vẫn xuất hiện đến khoảng ngày 10-5. Xen kẽ mưa dông vẫn có nắng nóng, khi trời quang mây, nắng nóng thì tia cực tím nhiều khả năng vẫn đạt giá trị 11/13 như những ngày qua và sẽ giảm khi có mưa dông xuất hiện.
Tia cực tím đạt giá trị 11/13 (thang màu tím) lúc 12g ngày 6-5 (nguồn: https://www.wunderground.com) |
Trước đó TS.BS Nguyễn Trọng Hào, phó giám đốc Bệnh viện Da liễu TP.HCM, khuyến cáo bên cạnh lợi ích giúp sản xuất vitamin D cho cơ thể con người, tia cực tím có thể gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe nói chung và làn da nói riêng.
Cụ thể, người đi dưới trời nắng có chỉ số cực tím cao có thể bị phỏng nắng (da sẽ đỏ, phồng rộp, gây cảm giác khó chịu), gây sạm da sau vài ngày, làm khởi phát và nặng hơn những bệnh liên quan đến ánh sáng như lupus ban đỏ, viêm bì cơ, nám da, phát ban đa dạng ánh sáng...
Một người thường xuyên đi dưới trời nắng có chỉ số cực tím cao, sẽ có nguy cơ lão hóa da, ung thư da, ức chế hệ miễn dịch, đục thủy tinh thể cho mắt.
Theo bác sĩ Hào, ở nước ngoài người dân rất quan tâm đến chỉ số tia cực tím. Trong mục dự báo thời tiết đều có thông báo về chỉ số cực tím để người dân biết, sắp xếp công việc trong ngày và có biện pháp bảo vệ.
Cách tốt nhất là tránh ra nắng trong khoảng thời gian chỉ số cực tím cao. Nếu ra ngoài trong khoảng thời gian này, cần đội nón rộng vành, mặc quần áo dài tay, đeo kính mát, tập thói quen sử dụng kem chống nắng 20 phút trước khi ra nắng, thoa kem chống nắng có phổ rộng, có chỉ số SPF từ 30 trở lên.
Bên cạnh đó, trẻ em cần được bảo vệ tối đa. Bác sĩ Phạm Văn Hoàng, trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, cho biết đến 60% tia cực tím đến trái đất từ 10g-14g trong ngày. Do vậy, nên tránh cho trẻ ra ngoài vào thời điểm này.
Khi đưa trẻ ra đường, cần cho trẻ đội nón rộng vành, mang khẩu trang, mặc áo tay dài và không để trẻ tiếp xúc với ánh nắng quá lâu. Khi trẻ tiếp xúc với nắng nóng ở nhiệt độ cao, trong nhiều giờ có thể bị lả nhiệt hoặc sốc nhiệt.
Lả nhiệt (nhiệt độ tăng cao làm cho em bé mệt lả) là khi trẻ mệt mỏi, có cảm giác chóng mặt, buồn nôn, đau cơ, vọp bẻ, nhịp tim nhanh, nước tiểu ít, nhiệt độ cơ thể trẻ có thể tăng đến 38 độ.
Còn sốc nhiệt là nặng hơn, khi đó cơ thể trẻ sẽ lên đến 40 độ C, kèm theo những biểu hiện rối loạn về tri giác, lú lẫn, lơ mơ, hôn mê, co giật và tổn thương các cơ quan như gan, thận...
Lưu ý là 90% tia cực tím vẫn xuyên qua được đám mây. Đặc biệt trong mùa nắng nóng mà ra biển thì tác hại của tia cực tím còn nhiều hơn vì tia cực tím phản xạ từ mặt nước biển và bãi cát lên cơ thể con người.
Ngay cả khi đội nón rộng vành và đeo khẩu trang, mặc áo khoác vẫn không tránh được tia cực tím như nhiều người tưởng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận