10/02/2019 14:01 GMT+7

Tỉ phú Trung Quốc đòi lại tiền quyên góp vì bị cấm cửa vào Úc

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Tỉ phú Trung Quốc Huang Xiangmo giận dữ đòi các đảng chính trị của Úc trả lại tiền quyên góp sau khi ông này bị Canberra hủy quy chế thường trú nhân và đơn xin nhập quốc tịch.

Tỉ phú Trung Quốc đòi lại tiền quyên góp vì bị cấm cửa vào Úc - Ảnh 1.

Thủ lĩnh Đảng Lao động Úc Bill Shorten cầm bức ảnh chụp tỉ phú Huang Xiangmo với cựu ngoại trưởng Úc Julie Bishop - Ảnh: AP

Theo báo The Guardian, dư luận tại Úc từ lâu đã nghi ngại về sự dính líu của tỉ phú Huang Xiangmo với Hội đồng Úc về thúc đẩy tái thống nhất Trung Quốc trong hòa bình. Đây là tổ chức bị các chuyên gia cáo buộc thuộc "mạng lưới quyền lực mềm toàn cầu" của Bắc Kinh.

Sau nhiều năm giao lưu toàn với giới tinh hoa chính trị Úc, tỉ phú Huang bỗng chốc trở thành "người không được chào đón". Ông này lập tức lên án cách đối xử của Canberra là "hết sức đáng thất vọng".

Ông Huang đã quyên góp 2,7 triệu đô Úc cho các đảng chính trị lớn tại Úc, nhưng tai tiếng chỉ nổ ra sau khi nhà tỉ phú "đi đêm" với cựu thượng nghị sĩ Đảng Lao động Sam Dastyari bằng số tiền 5.000 đô trang trải "chi phí pháp lý".

Mới đây, tỉ phú Huang đòi các đảng phái của Úc trả lại tiền ông quyên góp nếu họ cảm thấy số tiền đó "không phù hợp". Ông viện dẫn rằng quyên góp để tham gia chính trị là quyền của mọi sắc dân sống ở Úc chứ không chỉ riêng người gốc Hoa.

Tuy nhiên, yếu tố "Trung Quốc" lại là vấn đề. 

Nhiều chuyên gia đã điều trần trước Quốc hội Úc và cả Quốc hội Mỹ rằng tổ chức Hội đồng tái thống nhất Trung Quốc có liên hệ mật thiết với Đảng Cộng sản Trung Quốc, mục đích của nó là thúc đẩy chính sách Tây Tạng, Đài Loan và tầm nhìn "một Trung Quốc" của Bắc Kinh.

Cơ quan Tình báo Úc (ASIO) viện dẫn sự liên quan của tỉ phú Huang với tổ chức trên để hủy bỏ thị thực của ông này, nhưng nhà tỉ phú phản pháo lại rằng quan điểm "một Trung Quốc" phù hợp với chính sách đối ngoại của Úc từ năm 1972 - tức là ông không làm gì sai.

Dù sao đi nữa, quyết định cấm cửa tỉ phú Huang được xem là một trong những biện pháp mạnh đầu tiên của Canberra chống lại Trung Quốc kể từ khi Quốc hội nước này thông qua đạo luật chống (nước ngoài) can thiệp hồi năm ngoái.

PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0