Tỉ phú Elon Musk - Ảnh: AP
Từ việc đề xuất các "giải pháp hòa bình" cho Ukraine, Đài Loan và mới nhất là thông báo SpaceX sẽ dừng tài trợ duy trì vệ tinh Internet Starlink tại Ukraine, các vấn đề liên quan tỉ phú Elon Musk đã thành chuyện "nóng" của truyền thông quốc tế trong những ngày qua.
Mới nhất ông Musk than thở không còn tiền duy trì hoạt động của Starlink tại Ukraine - hệ thống vệ tinh liên lạc đặc biệt quan trọng với Kiev trong chiến tranh - và yêu cầu Bộ Quốc phòng Mỹ phải lo khoản này với mức chi hàng chục triệu USD mỗi tháng. Lầu Năm Góc khẳng định đã nhận được yêu cầu của ông Musk và đang tính toán chuyện này.
"Quyền lực" nhờ công nghệ
Trong thư gửi Bộ Quốc phòng Mỹ (Đài CNN công bố ngày 14-10 nhưng thư gửi từ tháng 9), tỉ phú Elon Musk phàn nàn đã phải chi gần 20 triệu USD mỗi tháng để duy trì hoạt động của Starlink nhằm giúp quân đội Ukraine giữ liên lạc trong chiến tranh, và nay yêu cầu Lầu Năm Góc phải hỗ trợ khoản ấy.
Cho tới nay, theo Đài CNN, khoảng 20.000 vệ tinh thuộc Starlink đã được tặng cho Ukraine và "chi phí hoạt động tới nay đã ngốn của SpaceX 80 triệu USD và sẽ là hơn 100 triệu USD tới cuối năm nay".
Theo tính toán của SpaceX, Lầu Năm Góc sẽ cần phải chi hơn 120 triệu USD cho từ nay tới cuối năm và tốn gần 400 triệu USD cho 12 tháng tiếp theo nếu muốn tiếp tục giúp chính phủ và quân đội Ukraine sử dụng Starlink.
SpaceX khẳng định họ không thể tiếp tục tài trợ thêm các thiết bị đầu cuối cho Ukraine hay chi tiền để duy trì các thiết bị đã có trong thời gian vô thời hạn được nữa.
Bà Sabrina Singh, phó thư ký báo chí của Lầu Năm Góc, xác nhận với báo Financial Times việc cơ quan này đang thảo luận với ông Musk nhưng cũng nói thêm SpaceX không phải lựa chọn duy nhất có thể cung cấp dịch vụ để giúp quân đội Ukraine liên lạc trên chiến trường.
Bà Singh nhắc tới các vệ tinh thông tin SATCOM đang có sẵn và nói: "Không chỉ SpaceX, vẫn còn nhiều công ty khác chúng tôi chắc chắn có thể hợp tác". SpaceX tới nay đã giành được nhiều hợp đồng của Lầu Năm Góc trong các đợt phóng vệ tinh an ninh quốc gia.
Hồi đầu năm nay, ông Musk được ca ngợi khi cung cấp dịch vụ Internet cho Ukraine. Nhưng tuần qua, ông bị cáo buộc có những động thái can dự chính trị khi kêu gọi một giải pháp hòa bình để chấm dứt cuộc chiến tại Ukraine.
Bản kế hoạch mà ông Musk đề xuất, trong đó nói Kiev nên để Nga kiểm soát Crimea cũng như các khu vực Lugansk và Donetsk, đã bị các lãnh đạo Ukraine phản ứng gay gắt.
Đài CNN dẫn nhận định từ một nguồn tin không nêu tên của họ: "Ukraine hiểu rằng chính phủ hiện nay của họ cũng như các nỗ lực thời chiến đang hoàn toàn phụ thuộc vào Starlink.
Quyết định duy trì hoạt động của Starlink hay không giờ phụ thuộc hoàn toàn vào một người, đó là Elon Musk. Ông ấy không được bầu lên cũng không ai quyết định trao quyền lực này cho ông ấy. Ông ta có quyền đó là nhờ vào công nghệ và công ty do ông ấy lập ra".
Chỉ là một cá nhân
Thời gian qua, ông Musk đã có những phát biểu về chính trị liên quan tới Ukraine và Đài Loan. Những dòng tweet và bình luận công khai của ông đã khiến nhiều tổng thống và ngoại trưởng châu Âu "nóng mặt" nhưng lại nhận được khen ngợi từ các đối thủ của Mỹ.
Dù ông Musk không phải trường hợp một lãnh đạo doanh nghiệp hay một người của công chúng đầu tiên ở Mỹ có động thái can dự chính trị, song khối tài sản khổng lồ (theo Bloomberg hiện là 209 tỉ USD) cùng các hợp đồng quốc phòng nhiều tỉ USD của ông đã khiến những phát biểu đó không thể bị phớt lờ.
Hãng tin Bloomberg dẫn lời một quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ không nêu tên cho biết cơ quan này đã phải làm rõ với các đồng minh và đối tác gần gũi của Mỹ rằng những phát biểu của ông Musk chỉ đơn thuần là quan điểm của một cá nhân và không phản ánh quan điểm chính thức của chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Với các mối quan hệ cấp cao trên toàn thế giới và tầm ảnh hưởng rộng lớn về kinh tế của ông Musk, cũng đã có những câu hỏi đặt ra về động cơ của các tuyên bố can dự chính trị của vị tỉ phú giàu nhất thế giới.
Thắc mắc này càng lớn hơn sau khi ông Ian Bremmer - chủ tịch Eurasia Group, một công ty tư vấn và nghiên cứu về rủi ro chính trị toàn cầu có văn phòng tại Washington (Mỹ) - loan tin ông Musk đã thảo luận với Tổng thống Nga Vladimir Putin về Ukraine, dù sau đó ông Musk đã bác bỏ tin này.
"Tôi sẽ để cho ông Musk nói về những cuộc trao đổi của ông ấy - người phát ngôn John Kirby của Hội đồng An ninh quốc gia của Nhà Trắng nói như vậy khi được hỏi về cuộc điện đàm có thể có giữa ông Musk và ông Putin - Hẳn nhiên ông ấy không đại diện cho Chính phủ Mỹ trong những cuộc nói chuyện đó", ông John Kirby nói.
Vai trò của Starlink
Trong hơn bảy tháng xảy ra chiến tranh tại Ukraine, không khó để nhận ra vai trò quan trọng của hệ thống Starlink tại Ukraine.
Theo Đài CNN, mọi hoạt động của Chính phủ Ukraine tại Kiev, của quân đội Ukraine, của các tổ chức phi chính phủ cũng như của người dân đều phụ thuộc đáng kể vào hệ thống này của SpaceX.
Nó không chỉ được dùng cho liên lạc mà còn giúp điều khiển máy bay không người lái và truyền tín hiệu video để hỗ trợ độ chính xác cho hệ thống pháo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận