08/10/2024 11:04 GMT+7

Tỉ phú đồng lúa 500ha trở thành nông dân Việt Nam xuất sắc 2024

Từng phải ngậm nước ruộng để thử độ phèn, ngày đêm lặn lội ngoài đồng đến lở loét tay chân, anh Nguyễn Thanh Tuấn giờ đã thành tỉ phú trên cánh đồng bạt ngàn 500ha. Cách làm nông nghiệp quy mô lớn và hiện đại đúng như chủ trương Nhà nước.

Tỉ phú đồng lúa 500ha - Ảnh 1.

500ha đất lúc nào cũng nhộn nhịp mùa vui khi nhân công hết cải tạo đất rồi lại làm lúa - Ảnh: CHÍ CÔNG

Các cánh đồng Lung Lớn (xã Kiên Bình, huyện Kiên Lương, Kiên Giang) một thời "khét tiếng" phèn lợ, cây lúa còi cọc, dân cư thưa thớt đìu hiu. Nhiều kẻ phải tha hương, nhưng người trụ lại thành dân cố cựu bám đất cho lúa dần trĩu hạt.

Trong đó có anh Nguyễn Thanh Tuấn - một "Hai Lúa" tỉ phú đang canh tác thành công cánh đồng mẫu lớn rộng đến 500ha và vinh dự trở thành nông dân Việt Nam xuất sắc 2024.

Những ngày gian khó

Nhà anh Nguyễn Thanh Tuấn (49 tuổi) ở ngay đầu kinh 15 giao với kinh T5, xã Kiên Bình - nơi giáp ba huyện Giang Thành - Kiên Lương - Hòn Đất của tỉnh Kiên Giang.

Đất này ban đầu rất phèn lợ, khó canh tác, được Nhà nước giao khoán cho ông Nguyễn Thanh Sơn (cha anh Tuấn) với diện tích khoảng 700ha vào năm 1999.

"Hiện trạng vùng đất lúc ấy um tùm cỏ năn, cỏ lác không khác gì cánh đồng hoang bỏ phế. Nhận đất xong, chúng tôi lao vào mần dữ lắm để cải tạo đất trồng mía, tràm. Đất phèn chỉ có mỗi cây tràm là sống được nhưng cũng không mấy tốt. Mía thì èo uột, chữ đường thấp, nên cuộc sống rất khó khăn", anh Tuấn nhớ lại.

5 năm trồng mía (2000 - 2005), bữa ăn nhà anh Tuấn vẫn phải tính từng ngày. Đất vẫn cứ hoang hóa, bạc màu vì phèn chua nên trồng cây gì thay cây mía là câu hỏi lớn của cha con ông lúc bấy giờ.

Giải quyết bài toán khó này, đầu tiên phải khắc phục phèn trong đất. Thời điểm kinh tế còn khó khăn đó, cha con anh Tuấn ngậm cả nước ruộng vào miệng để thử độ phèn.

"Có người thoái chí bỏ đất mà đi. Ba tôi trằn trọc nhiều khuya, rồi liều mướn máy móc vào làm bằng phẳng 700ha đất này để phân loại đất trồng lúa, trồng cây ăn trái", anh nhớ lại.

Đặc biệt, cha con tính toán đến việc đào hệ thống mương nước dọc ngang như những "mạch máu" để tiện quản lý nước và đưa phù sa vào đồng, tháo chua rửa phèn. Ngoài ra, anh để nước ngâm ruộng và sử dụng thêm vôi bột và phân lân để làm giảm độ phèn mà trồng lúa.

Sau khi cắt lại 200ha đất trả Nhà nước, anh Tuấn còn khoảng 500ha đất và chia thành nhiều ô rộng khoảng 20ha đất để dễ làm lúa.

Phèn trong đất cũng được kiểm soát, năm 2006 anh thử nghiệm trồng nhiều loại giống lúa khác nhau như OM5451, OM18, Đài Thơm 8... thì năng suất nhích lên, đạt 4 - 5 tấn lúa tươi/ha.

Tỉ phú đồng lúa 500ha - Ảnh 2.

Anh Tuấn - "Hai Lúa" tỉ phú trên cánh đồng bạt ngàn - Ảnh: C.CÔNG

Chuyển cách làm lúa hiện đại

Cây lúa đã chịu trĩu bông, nhưng để tối ưu năng suất, anh Tuấn nhiều lần chuyển trồng lúa nếp từ năm 2014 rồi ngậm đắng thất bại vì hồi đó bán giá chỉ 3.000 đồng/kg nếp, "lỗ thấu xương"...

"Tôi tưởng không thể bước tiếp. Bỏ đất hoang thì còn cuộc sống gia đình và nhiều người làm thuê nữa, nên tôi gắng rút kinh nghiệm xương máu, chuyển làm lúa hữu cơ ST24, ST25 để đổi hướng" - mỗi khi nhớ lại, anh Tuấn vẫn còn cảm giác sợ.

Lúa ST24, ST25 bán được giá 7.000 - 8.000 đồng/kg lúa tươi. Nhưng do lúa gạo hữu cơ nên đầu ra lúc đó chưa thuận, anh vẫn lỗ vì chi phí sản xuất lớn gồm trả tiền thuê đất 700 triệu đồng/năm, tiền nhân công 6 - 8 triệu đồng/người và nhiều chi phí sản xuất khác. 3 năm trước dịch COVID-19, anh phải ra ngân hàng vay thế chấp đất khoảng 650 triệu đồng để trang trải...

Sau nhiều đêm suy nghĩ đến mất ngủ, anh quyết định bỏ cách làm truyền thống, chuyển hẳn sang mần lúa công nghiệp hơn bằng cách chi tiền tỉ để mua 2 máy bay không người lái (drone) xịt thuốc, rải phân, sạ lúa; 4 chiếc máy cày, 4 máy cấy và 2 máy gặt đập liên hợp.

Anh làm cuốn chiếu, mỗi khoảnh đất 20ha làm cách nhau nửa tháng để tiện chăm sóc, đảm bảo năng suất, thu hoạch rồi bán cho thương lái và doanh nghiệp có ký hợp đồng liên kết thu mua.

"Tôi ghi rõ lịch gieo sạ, chăm sóc lúa. Tôi quản lý chung, nhưng các khoảnh đất cũng giao cho một người trông coi cụ thể. Máy móc có đủ, tôi tiết kiệm được chi phí nhân công và thời gian nhiều", anh khẳng định.

Để đất nghỉ ngơi, giữ độ dinh dưỡng và ít sâu bệnh, anh chỉ làm hai vụ lúa trong năm và nhờ vậy có lợi nhuận hơn 14 tỉ đồng/năm (tiền làm lúa và dịch vụ làm thuê). Con cái được ăn học đến nơi đến chốn và gia đình anh có cuộc sống đủ đầy trên chính quê hương mình.

Vụ hè thu 2024 này anh mần giống lúa Nhật DS1 và thu hoạch năng suất khoảng 7 - 8,5 tấn/ha. Ngày chúng tôi đến tham quan 500ha của anh, không khí hàng chục công nhân chuẩn bị gieo sạ vụ lúa mới rất tất bật.

Người giặm lúa, người lái drone xịt thuốc xịt phân, người lái máy cày cải tạo đất... Cánh đồng trũng phèn ngày nào bừng hơi thở cuộc sống khi màu xanh mướt của mạ non phủ rộng cả tầm mắt.

Ông Đỗ Trần Thịnh - chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang - nhìn nhận qua hơn 20 năm khai khẩn, chuyển hóa vùng đất trũng phèn, anh Tuấn đã phục hóa 500ha đất lúa, tạo việc làm ổn định cho hơn 100 lao động địa phương. Đây là thành quả rất đáng trân trọng.

Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang sẽ thực hiện hợp tác xã theo chuỗi ngành hàng lúa gạo và liên kết anh Tuấn với các doanh nghiệp phân bón hữu cơ, cung cấp giống, doanh nghiệp thu mua cùng nhau giảm thiểu chi phí, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, tăng lợi nhuận cho người dân địa phương...

Tỉ phú đồng lúa 500ha - Ảnh 3.

Với đất phèn nặng như ở Lung Lớn, anh Tuấn chọn giống lúa Nhật DS1 cho năng suất 7 - 8,5 tấn/ha - Ảnh: CHÍ CÔNG

Kể thêm về quá trình cải tạo 500ha đất phèn, anh Tuấn cho biết năm 2000 hệ thống kinh 15, kinh T4,T5 ở ấp Lung Lớn đã được đào hoàn thiện và dẫn nước vào đồng.

Từ những liếp tràm, liếp mía kém hiệu quả, cha con anh đã dùng tiền tích lũy để thuê máy móc và hơn 60 lao động địa phương đào bới gốc tràm gốc mía, nhổ cỏ năn cỏ lác.

"Ba tôi và các chú hồi xưa dùng len, cuốc đào bới từng gốc tràm gốc mía, nhổ cỏ năn cỏ lác mà lở tay lở chân. Muỗi, đỉa, rắn rết nhiều binh thiên, nhưng ba tôi vẫn quyết làm, đánh đổi nhiều mồ hôi mới có được 500ha đất bằng phẳng như hôm nay", anh Tuấn nói.

Hồi chưa cơ giới hóa nhiều, để mần 500ha đất này, gia đình anh phải thuê mướn 120 - 130 người làm để đảm bảo mùa vụ. Giờ có máy móc hiện đại, điện, đường thông thoáng, anh chỉ cần thuê cố định 80 nhân công là có thể làm ruộng hiệu quả, giảm chi phí sản xuất.

Coi người lao động như gia đình

Anh Nguyễn Trường Giang kể đã làm công cho gia đình anh Tuấn hơn 10 năm. Giang lái máy cày cải tạo đất sau mỗi vụ lúa xong. Hết vụ, anh có thể đi mần công việc khác thêm nên có mức lương cố định hơn 10 triệu đồng/tháng.

"Ở quê nhà có việc ổn định, tôi thấy vẫn ngon hơn đi xa làm công nhân. Anh Tuấn cũng hỗ trợ hết mình cho anh em. Ít học như tôi kiếm đâu chỗ làm tốt như vậy" - anh Giang không ngại kể với mức lương hơn 10 triệu đồng ở quê, gia đình anh sống khỏe.

Lớn lên trong cảnh nghèo rồi gia đình thuê đất nhà nước tìm kế sinh nhai, anh Tuấn chỉ học đến lớp 8 là nghỉ học, buôn bán thêm để sinh sống. Ở cái tuổi 49, anh già dặn với làn da ngăm đen vì dãi nắng dầm mưa.

Ngoài lúa, anh trồng thêm xoài keo, nhàu, dừa... trên 40ha. Số tiền từ mảnh vườn này, anh dành để chăm lo cho người có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương, và anh đã góp tiền xây hai cây cầu để bà con tiện đi lại.

Tỉ phú đồng lúa 500ha - Ảnh 4.Ông Ba Tri mê trồng lúa sạch

Đã 5 năm với 10 vụ lúa trôi qua, ông Ba Tri cho lúa "ăn" vôi, bánh dầu, sữa tươi, trứng gà. Nhiều lần ông đưa gạo đi kiểm tra dư lượng thực vật tại Sở Khoa học và Công nghệ đều cho kết quả không phát hiện bất kỳ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nào.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên