Viết về Chuck Feeney, người đã vét tài sản 8 tỉ đô la thầm lặng làm từ thiện khắp nơi, trong đó có hơn 380 triệu đô la cho Việt Nam, là một nghĩa vụ đạo đức đau đáu trong tôi suốt 24 năm qua. Nhưng phải đến khi hay tin ông qua đời ở tuổi 92, tôi mới có thể ngồi viết ra vài dòng.
Gần cuối năm 1999, lớp tiếng Anh dành cho nhóm học bổng chúng tôi đón một vị khách không hẹn trước. Ông vào lớp, với chiếc áo sơ mi cũ mèm và chất giọng Mỹ trầm khàn, hỏi thăm từng thành viên trong lớp về dự định học tập ở Úc.
Ai nói học ngành gì là ông đáp ngay bằng vài lời nhận định hào hứng về tầm quan trọng của ngành đó cho tương lai Việt Nam. Chúng tôi chẳng biết ông là ai, ngoài thông tin ông đến từ chương trình học bổng.
Cho hết mọi thứ khi đang sống
Hai tuần sau khi chúng tôi sang Đại học Queensland, trường tổ chức một bữa tối ở nhà hàng Việt Green Papaya. Bước chân vào, chúng tôi thấy toàn bộ dàn lãnh đạo cao cấp nhất Đại học Queensland, kể cả hiệu trưởng John Hay, đã chờ sẵn.
Ai cũng ăn mặc rất trịnh trọng, trừ nhân vật ngồi giữa, chính là ông già ăn mặc tuềnh toàng, lùi xùi mà chúng tôi gặp ở Sài Gòn. Đó là lần đầu chúng tôi biết ông là người bỏ tiền cho chúng tôi đi học! Nhưng mãi sau này chúng tôi mới biết ông là một trong những người giàu nhất thế giới và là tác giả một "cuộc cách mạng từ thiện" chưa từng có trên thế giới.
Chuck Feeney là vậy. Ông sống trong một căn hộ nhỏ bé ở San Francisco, mặc áo rẻ tiền, đeo chiếc đồng hồ chục đô, đi lại chủ yếu bằng các phương tiện công cộng, không bao giờ bay hạng thương gia. Nhưng 8 tỉ đô la trong tài sản ông dành chút ít cho các con, còn lại dốc hết vào tổ chức từ thiện Atlantic Philanthropries (AP) mà ông sáng lập theo triết lý: phải cho hết mọi thứ mình có khi đang còn sống.
Feeney bảo tấm vải che tử thi không có túi, cho nên tốt nhất là xài tất tần tật, miễn là xài có ý nghĩa, khi mình còn đang sống. Xài như thế, ông nói, "sướng hơn nhiều" vì mình còn sống để thấy tận mắt những hiệu ứng mà nó đem lại cho nhân sinh hôm nay và mai sau.
Ông đi đến tận các nơi, gặp gỡ những người trong cuộc, dùng khả năng xét đoán cơ hội của một doanh nhân tài ba để tìm ra những nơi và những việc mà AP cần đụng đến. Ở những nơi chọn làm điểm đến, ông không làm nhỏ lẻ mà rót tiền vào các dự án lớn nhằm tạo ra những thay đổi bề sâu và trên diện rộng.
Một Chuck Feeney thầm lặng
Khởi đầu từ Ireland (quê gốc của ông) đến Mỹ (nơi ông sinh ra, lớn lên và thành công với tập đoàn hàng xa xỉ miễn thuế Duty Free Shoppers) và nhiều nơi khác, Feeney cho xây các đại học và cơ sở nghiên cứu hiện đại, cải thiện hay làm mới hệ thống y tế, tăng cường năng lực sinh tồn và phát triển cho các cộng đồng...
Ông làm tất cả trong thầm lặng, ai gặp ông mà không được giới thiệu thì chẳng biết ông là ai. Bí mật đến mức lúc ông buộc phải công khai vào năm 1997, thế giới "sốc" và nhiều người còn đặt câu hỏi về động cơ làm từ thiện của ông.
Năm đó, ông là một trong năm người cuối cùng được đề cử là Nhân vật của năm do tờ Time bình chọn, bên cạnh công nương Diana, khoa học gia Ian Wilmut (người nhân bản cừu Dolly), nhà công nghệ Andrew Grove (chủ tịch và tổng giám đốc Intel) và chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ Alan Greenspan.
Dấu ấn ở Việt Nam
Dấu ấn Feeney ở Việt Nam rất rộng và rất đậm. Nhiều người ở TP.HCM và Hà Nội chắc từng đi ngang qua các cơ sở hoành tráng của RMIT (trường đại học quốc tế đầu tiên ở nước ta) nhưng ít ai biết đó là một trong những việc đầu tiên Feeney làm sau khi đến Việt Nam lần đầu vào năm 1998. Trong một video phỏng vấn mấy chục năm sau, ông vẫn rạng rỡ khi nói về những tòa nhà học tập cho 5.000 người mọc lên từ những đồng cỏ xanh.
Với ông, đại học là nền tảng cho nền kinh tế và là nơi sản sinh ra những con người biết giúp đỡ nhau trong xã hội. Bên cạnh RMIT, ông biến các thư viện đại học cũ kỹ ở Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng và Cần Thơ thành các trung tâm học liệu to lớn, tiện nghi và cập nhật nhất đất nước.
Ông thiết lập một chương trình học bổng, chọn và gửi vài trăm người đi du học thạc sĩ hoặc tu nghiệp tại Úc (tôi là một trong 15 sinh viên đầu tiên nhận học bổng thạc sĩ). Đa phần bây giờ đã thành công vượt trội trong và ngoài nước, đóng góp đáng kể trực tiếp hoặc gián tiếp cho nền giáo dục và kinh tế Việt Nam.
Sau giáo dục là y tế. Chứng kiến cảnh quá tải và cơ sở vật chất lạc hậu ở các bệnh viện, Feeney tài trợ cho nhiều dự án sửa chữa hoặc xây mới, tăng cường thiết bị. Ông giúp dựng nên một mạng lưới hơn 800 trạm y tế xã ở tám tỉnh thành, nhằm chăm sóc sức khỏe cơ bản cho các cộng đồng nông thôn và qua đó giúp giảm tải cho các bệnh viện ở đô thị.
Cũng chính từ các bệnh viện, Feeney nhận ra số người bị thương và tử nạn vì tai nạn giao thông rất lớn. Ông tài trợ hàng loạt sáng kiến làm nền tảng cho sự ra đời của quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm năm 2007. Ông cũng cho tổ chức một chiến dịch quy mô nhằm giảm tác hại của thuốc lá trên cả nước.
Mẫu hình phát triển
Tổng cộng trong giai đoạn 1998 - 2013, Feeney thông qua AP và các tổ chức như Đông Tây Hội Ngộ đã tặng gần 382 triệu đô la cho Việt Nam. Nhưng những gì ông để lại không chỉ là các trường học, bệnh viện, trung tâm học liệu, trạm y tế... mà là cả mẫu hình phát triển mà các dự án do ông tài trợ đem lại cho Việt Nam. Trung tâm tim mạch được AP tài trợ xây dựng tại Bệnh viện Huế những năm 2000 được xem là mô hình trung tâm tim mạch hoàn chỉnh đầu tiên ở Việt Nam.
Giấc mơ
Trên phạm vi toàn cầu, di sản phi vật thể lớn nhất mà Feeney để lại cho hôm nay và mai sau chính là triết lý "cho khi còn sống" ("Giving While Living"). Nó đã lan từ ông sang nhiều tỉ phú khác, kể cả Bill Gates và Warren Buffett.
Riêng tôi, từ sau lần cuối gặp ông vào năm 2005, vẫn luôn ấp ủ giấc mơ được gặp lại ông một lần nữa, để được nói một lời cảm tạ thô sơ từ tận đáy lòng. Giấc mơ đó bây giờ khép lại. Nhưng cái cảm giác lâng lâng, cái hơi ấm tình người lan tỏa từ bốn lần gặp ông đầu thập niên 2000 vẫn còn tươi rói như mới hôm qua.
Hằng ngày, nó vẫn nhắc nhở tôi sống theo ông được tí nào hay tí đó. Nó cũng khiến tôi thường mơ về một ngày các triệu phú, tỉ phú mới nổi ở Việt Nam thầm lặng theo gương ông để góp phần thay đổi cuộc sống bao nhiêu người.
NGUYỄN ĐỨC AN (nguyên là nhà báo tại TP.HCM,
hiện là giáo sư báo chí và truyền thông tại ĐH Bournemouth, Anh)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận