Tỉ người vẫn thiếu hụt lao động

CẢNH CHÁNH 27/09/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Nghe có vẻ nghịch lý, nhưng nước đông dân nhất thế giới Trung Quốc đang có nguy cơ thiếu hụt lao động trong thời gian sau đại dịch, nhất là lao động phổ thông trong lĩnh vực sản xuất.

Thời gian gần đây, người dân Trung Quốc không khó bắt gặp cảnh công ty môi giới việc làm ngồi đầy các bến xe khách hay trước cổng nhà máy với bảng thông báo tuyển dụng.

Chị Liên, nhân viên một công ty môi giới lao động ở Thâm Quyến, 5h30 sáng đã vội đến tầng 3 một bến xe khách ở Thâm Quyến để dành chỗ dựng bảng thông báo tuyển dụng. 

Dưới tầng 1 bến xe đó là cả một dãy văn phòng san sát của hàng loạt công ty môi giới lao động, ngoài cửa thì chi chít thông tin tuyển dụng và các nhân viên môi giới sẵn sàng tư vấn cho bất kỳ lao động có nhu cầu nào đi ngang. 

Người trẻ ở Trung Quốc giờ không còn muốn làm công nhân nhà máy. Ảnh: Tân Hoa xã

 

Đỏ mắt tìm thợ

Trần Uy, quê Tứ Xuyên, đến Thâm Quyến lập nghiệp hơn 10 năm trong lĩnh vực này, kể với tờ Đệ Nhất Tài Kinh: “Trước đây người ở quê đều đến nhờ tôi giới thiệu vô nhà máy làm việc, giờ thì ngược lại, tôi phải đi nài nỉ họ vô làm ở nhà máy”.

App “Tôi muốn ứng tuyển” của Tập đoàn FOXCONN đăng tải tuyển dụng cho 4 dây chuyền sản xuất cần 2.800 lao động, nhưng sắp đến ngày hết hạn vẫn thiếu 50%. 

Mặc dù đây là tập đoàn lớn, lương cao, giới thiệu một lao động được 1.800 tệ (khoảng 6,3 triệu đồng) hoa hồng; còn ứng viên trúng tuyển sẽ được thưởng 4.200 tệ khi làm đủ 4 tháng. Mức hoa hồng và thưởng hấp dẫn như vậy nhưng cũng không dễ tìm được người thích hợp.

Tập đoàn Thánh Tuyền ở thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông là một doanh nghiệp xuất khẩu đang rất cần lao động. Người phụ trách nhân sự của tập đoàn này cho biết sau tết tập đoàn thiếu 1.500 lao động nhưng mỗi tháng chỉ tuyển được 150 người. 

Còn ở thành phố Đông Quản, Quảng Đông, những năm gần đây lực lượng lao động lĩnh vực sản xuất đứng ở mức 5 triệu, dù dân số vẫng tăng đều. Nhiều nhà máy tăng cường tự động hóa nhưng vẫn rơi vào tình trạng khó khăn trong tuyển dụng, nhất là công nhân kỹ thuật cao.

Không chỉ sản xuất công nghiệp, các công trường xây dựng ở Trung Quốc cũng thiếu nhân lực. Khi lớp lao động nhập cư của thời còn đói kém lần lượt về hưu, những người trẻ từ nông thôn giờ không muốn làm công việc nặng nhọc không có tương lai đó nữa.

Người trẻ đã thay đổi

Hồ Xuân Thành người Sơn Tây khi vừa đặt chân đến Thượng Hải từng làm việc ở nhà máy. Vào làm xong anh phát hiện phải tăng ca liên tục mới đạt mức thu nhập mà công ty hứa hẹn, nhiều hôm làm việc 12 tiếng. 

Công việc thì khô khan, không được tự do. Anh đã bỏ việc và nay đang làm shipper, một nghề mà anh cho là vẫn tốt hơn làm công nhân. “Dù sao tôi muốn làm thì làm không làm thì thôi, không có nhiều quy định. Chỉ bận rộn vào giờ cơm trưa và tối, tiền cũng dễ kiếm” - anh chia sẻ với tờ Lao Động.

Ông Chu Thuận Khánh - quản lý Công ty dịch vụ lao động Thông Đáp Thượng Hải, có kinh nghiệm 20 năm trong nghề - cho rằng giới trẻ Trung Quốc giờ không thích làm công nhân. 

Hồi xưa, người trẻ vào làm công nhân muốn học nghề làm thợ chính; còn người trẻ ngày nay vào nhà máy để lấy tiền thưởng rồi nghỉ. (Ở Thượng Hải, mức thưởng cho lao động mới làm đủ 3 - 4 tháng từ 500 - 1.000 tệ). 

Họ cũng đòi hỏi hơn về lương bổng, ăn ở, điều kiện làm việc chứ không mấy quan tâm tới nội dung công việc, yêu cầu trình độ, kỹ năng. Công ty ông giờ tuyển công nhân càng ngày càng xa và càng khó, phải đến tận các vùng Liêu Ninh, Cát Lâm, Hắc Long Giang hay Vân Nam, Quý Châu, Tứ Xuyên, Quảng Tây.

Quan niệm việc làm của giới trẻ Trung Quốc thay đổi, các dự luật bảo vệ người lao động ngày một chặt chẽ, người lao động ý thức hơn về quyền lợi của mình, khiến nhiều doanh nghiệp vừa không tuyển được người vừa không dám sa thải công nhân. 

Luật lao động hiện quy định đuổi người trước hạn phải đền bù có khi cả trăm ngàn tệ. Gần như mọi doanh nghiệp trong lúc phải hồi phục sau dịch này đều không muốn dính vào những tranh chấp lao động.

Thị trường lao động tỉ dân

Thực tế, Trung Quốc lâu nay vẫn tồn tại tình trạng thiếu lao động theo mùa nhưng sau đại dịch sự thiếu hụt lao động trầm trọng hơn, tờ Tham Khảo Kinh Tế của Tân Hoa xã nhận định.

Đài CCTV trích dẫn số liệu của Cục Thống kê nước này cho thấy cuối năm 2019, dân số trong độ tuổi lao động (16 - 59 tuổi) là 896 triệu người, giảm 890.000 so với năm 2018, tiếp tục xu hướng cả chục năm qua. 

Dân số trong độ tuổi lao động Trung Quốc đạt đỉnh vào năm 2011. Những năm gần đây, lợi thế của thời kỳ dân số vàng đã mất, lao động giá rẻ không còn.

Trong một báo cáo, Công ty TNHH thị trường nhân lực Thâm Quyến nhấn mạnh sự lệch pha cung cầu của thị trường hiện giờ. 

Ví dụ, yêu cầu tuyển dụng lao động của các ngành như may mặc, dịch vụ ăn uống đa phần là nữ, 18 - 25 tuổi, trong khi công nhân trực tiếp sản xuất ở các nhà máy sử dụng nhiều lao động đa phần là lao động nhập cư hay lao động nông thôn dư dôi, tuổi đời cao, trình độ thấp, thiếu kỹ năng.

Tờ Đệ Nhất Tài Kinh cho rằng hiện giới trẻ Trung Quốc có quá nhiều việc làm để lựa chọn nên lĩnh vực thù lao thấp, công việc nặng nhọc khó lòng thu hút họ. Với lao động giản đơn, hiện lĩnh vực đang có sức hút lớn là dịch vụ giao nhận hàng hóa, chuyển phát nhanh.

Báo cáo điều tra của ứng dụng gọi món “Đói chưa” của Tập đoàn Alibaba cho thấy trong năm 2020, ứng dụng này có đến 3 triệu shipper, trong đó thế hệ 9X chiếm 50%, thế hệ 10X đăng ký mới tăng 2 lần, có 50% nói sẵn sàng giới thiệu công việc cho người cùng trang lứa.

Các số liệu đáng chú ý khác là 80% shipper đến từ vùng nông thôn ở An Huy, Hà Nam hay Tứ Xuyên; lương bình quân của họ khoảng 5.800 tệ/tháng (20,4 triệu đồng), cao hơn thu nhập bình quân trên cả nước với khu vực thị trấn năm 2019. Trong 300 shipper của ứng dụng "Đói chưa", có đến 15% xuất thân là công nhân; còn ứng dụng Meituan có 27,2% xuất thân từ công nhân.

Giải pháp

Chính quyền Trung Quốc đang cố gắng giải quyết vấn đề. Tháng 6 vừa rồi, Quốc hội Trung Quốc đã sửa đổi Luật dạy nghề, lần đầu tiên khẳng định giáo dục phổ thông và giáo dục dạy nghề là có tầm quan trọng như nhau. Nhiều chính sách ưu tiên cho giáo dục dạy nghề cũng được ban hành.

Để giải quyết nhu cầu trước mắt, một số doanh nghiệp chọn giải pháp hạ tiêu chuẩn tuyển dụng. Nếu độ tuổi tuyển dụng trước đây là dưới 30, hai năm gần đây đã nâng lên thành dưới 45. 

Năm nay, do nhu cầu sản xuất sau dịch tăng, độ tuổi tuyển dụng đã là dưới 55 tuổi. Một số doanh nghiệp khác chọn giải pháp tăng lương. 

So với năm 2020, lương công nhân may ở Quảng Đông đã tăng trung bình 500 tệ/tháng, những vị trí khan hiếm lao động như khâu ủi, may có lương tháng lên đến 6.000 - 10.000 tệ (21,1 - 35,2 triệu đồng).

Không chỉ tăng lương, có doanh nghiệp còn quan tâm chăm lo đời sống công nhân, cung cấp chỗ ở, bếp ăn 3 bữa/ngày chỉ với giá 8 tệ/người (28.000 đồng), được thanh toán tiền vé về quê hằng năm, nhân viên cũ hướng dẫn nhân viên mới vào nghề trong 3 tháng được thưởng 1.200 tệ... 

Các hội chợ việc làm, sự kiện kết nối nhà trường với doanh nghiệp cũng được chính quyền đứng ra tổ chức.

Ngoài ra có cả những mô hình mới mang tính thử nghiệm như “chia sẻ nhân lực” ở thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy. Trong mô hình này, các nhà máy có cùng công năng và yêu cầu kỹ thuật có thể “san sẻ” nhân lực với nhau trong những thời điểm thiếu hụt lao động qua sự điều phối của các khu công nghiệp. 

Trước đó, mô hình này từng được áp dụng trong lĩnh vực dịch lưu trú để giúp các doanh nghiệp du lịch khôi phục hoạt động sau dịch.

Nhưng về lâu dài, giới chuyên gia cho rằng cần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi công nghệ, bớt phụ thuộc vào các ngành thâm dụng lao động, xây dựng cơ chế đào tạo chuyên nghiệp và mở rộng hợp tác hai miền đông tây, hỗ trợ vùng nông thôn phát triển. ■

Doanh nghiệp than thiếu lao động nhưng hằng năm Trung Quốc vẫn có không ít sinh viên ra trường không tìm được việc làm. 

Theo số liệu của Bộ Giáo dục, năm 2020 có hơn 8,7 triệu sinh viên tốt nghiệp, nhưng tới 15% không tìm được việc làm, tương đương 1,3 triệu người. Năm 2021 này dự báo có 9 triệu sinh viên tốt nghiệp. 

Cư dân mạng đùa rằng lương 3.000 tệ/tháng không tuyển được công nhân kỹ thuật, nhưng sinh viên đại học thì đầy. Tuy nhiên, thực tế là với các sinh viên tốt nghiệp đại học, lĩnh vực sản xuất công nghiệp không phải lựa chọn ưu tiên. 

Tình trạng thừa thầy thiếu thợ do đó nhiều khả năng sẽ còn tiếp diễn. Năm 2020, Trung Quốc ước tính thiếu 20 triệu công nhân kỹ thuật cao, dự báo 5 năm nữa nhu cầu sẽ tăng lên 30 triệu.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận