24/11/2019 11:25 GMT+7

Tỉ mỉ từng mũi khâu ở làng đàn ông may áo dài

MAI THƯƠNG - HOÀNG THANH TÙNG
MAI THƯƠNG - HOÀNG THANH TÙNG

TTO - Sống với nghề may gần 40 năm, ông Đỗ Minh Tám (Trạch Xá, Hà Nội) luôn đau đáu làm sao giữ được văn hóa dân tộc trong tà áo dài truyền thống. Nơi làng nghề chỉ đàn ông may áo dài, ông Tám là người giữ lại bí quyết may áo dài đang dần mai một.

Tỉ mỉ từng mũi khâu ở làng đàn ông may áo dài - Ảnh 1.

Ông Đỗ Minh Tám là một trong những người giữ gìn và tiếp nối bí quyết may áo dài của làng nghề Trạch Xá - Ảnh: MAI THƯƠNG

Làng Trạch Xá, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) là nơi người dân luôn truyền tai nhau niềm tự hào về truyền thống may áo dài nổi tiếng, từng có người may áo dài cho vua Bảo Đại và Nam Phương hoàng hậu.

Nghề may áo dài ở Trạch Xá truyền qua bao đời, đặc biệt là chỉ truyền lại cho đàn ông, cho đến những thế hệ truyền nhân hiện tại. Ông Đỗ Minh Tám là một trong số đó.

Tỉ mỉ từng mũi khâu ở làng đàn ông may áo dài - Ảnh 2.

Sống với nghề may áo dài gần 40 năm, ông Tám luôn đau đáu việc giữ gìn truyền thống dân tộc trong tà áo dài - Ảnh: MAI THƯƠNG

"Áo dài Trạch Xá đẹp và đặc biệt là ở các công đoạn khâu bằng tay. Chỉ khâu được sử dụng là những sợi chỉ được lấy từ chính mảnh vải may áo, khiến cho tà áo mềm mại và nhẹ nhàng tung bay khi mặc lên người.

Không như công nghệ may mặc hiện đại may áo dài bằng máy khâu, sử dụng sợi chỉ thô cứng khiến cho áo bị đứng tà, không tạo thành nếp mềm mại", ông Tám "bật mí" về bí quyết may áo dài của người làng Trạch Xá.

Tỉ mỉ từng mũi khâu ở làng đàn ông may áo dài - Ảnh 3.

Để may được một chiếc áo dài đẹp, công đoạn lấy số đo phải được thợ may tính toán cẩn thận để bù trừ thừa thiếu với thân hình của khách hàng - Ảnh: HOÀNG THANH TÙNG

Tỉ mỉ từng mũi khâu ở làng đàn ông may áo dài - Ảnh 4.

Ông Tám quan niệm, tất cả các công đoạn để may tà áo dài đều quan trọng, dù chỉ là những chi tiết nhỏ nhất. Ở làng Trạch Xá chỉ truyền nghề may cho đàn ông vì người ta đánh giá đàn ông sáng tạo dáng áo dài cho phụ nữ đẹp hơn - Ảnh: MAI THƯƠNG

Tỉ mỉ từng mũi khâu ở làng đàn ông may áo dài - Ảnh 5.

Các công đoạn trải vải, đo đạc, đánh dấu và cắt vải đều được ông Tám thực hiện cần mẫn và tỉ mỉ để tạo nên dáng áo đẹp nhất, phù hợp với số đo của khách hàng - Ảnh: MAI THƯƠNG

Người làng Trạch Xá kể rằng nghề may áo dài ở đây có từ thời nhà Đinh. Tương truyền, bà Nguyễn Thị Sen là vợ thứ tư của vua Đinh Tiên Hoàng, sau khi lui về quê nhà ở Ứng Hòa (Hà Nội) đã dạy người dân làng Trạch Xá may vá, truyền lại những kỹ năng may quan phục trong triều đình để người dân kiếm kế sinh nhai.

Từ khởi điểm đó, khi tà áo dài thay đổi theo từng thời kỳ, sản phẩm được tạo ra tại làng Trạch Xá cũng thay đổi theo. Duy chỉ có kỹ thuật may được lưu truyền từ đời này qua đời khác.

"Cái khó nhất khi học may áo dài, theo bí quyết của người làng Trạch Xá, là người thợ phải giữ mũi kim khâu tay dọc để tạo được độ mềm mại, thướt tha cho tà áo dài. Đây là kỹ thuật rất khó, phải mất nhiều thời gian mới học được.

Người Trạch Xá cầm cây kim như không cầm, đưa sợi chỉ lên xuống đều và thẳng, đó là những điều đầu tiên mà một người làm nghề phải học để có thể may áo dài đúng tiêu chuẩn của làng nghề", ông Tám vừa đưa cây kim lên xuống thoăn thoắt vừa chia sẻ.

Tỉ mỉ từng mũi khâu ở làng đàn ông may áo dài - Ảnh 6.

Một người thợ lành nghề có khi phải mất 5-10 năm để thành thạo kỹ thuật khâu tay dọc, tạo ra dáng áo mềm mại, uyển chuyển - Ảnh: HOÀNG THANH TÙNG

Chính bởi sự cầu kỳ trong việc khâu may như thế, mỗi sản phẩm áo dài của ông Tám phải mất tới một ngày rưỡi để hoàn thành. Tuy không tạo ra năng suất với việc may bằng máy, song ông Tám luôn tự hào vì mình giữ được nét truyền thống của nghề gia truyền này.

Tỉ mỉ từng mũi khâu ở làng đàn ông may áo dài - Ảnh 7.

Sau khi đã lành nghề, nhiều người trong làng lên thành phố mở cửa hàng may áo dài số lượng lớn. Còn ông Tám luôn xem mình chỉ là người thợ may nặng lòng với áo dài, tận tâm và tỉ mỉ với từng sản phẩm nên không bận tâm nhiều đến thời gian khâu may. "Chỉ cần có khách hàng để cho tôi được sống trọn vẹn với ước nguyện giữ gìn áo dài truyền thống là vui rồi" - Ảnh: HOÀNG THANH TÙNG

"Ngày nay, vì nhu cầu tăng cao, người ta tạo ra nhiều mẫu áo dài trong thời gian ngắn, rồi cắt cúp bớt, gọi là cách tân nó đi. Dù tiện lợi hơn, nhưng đó không còn là tà áo dài của dân tộc nữa. Thay đổi để phù hợp hơn với nhu cầu là tốt, nhưng tôi chỉ mong người ta có thể hiểu thấu đáo về tà áo truyền thống của mình.

Chưa có một văn bản nào quy định áo dài là quốc phục của người Việt, nhưng trong thâm tâm của tôi và những người nặng lòng với tà áo dài, chúng tôi luôn mong mọi người, đặc biệt là người trẻ, biết trân trọng và giữ gìn, tiếp nối nét truyền thống tinh hoa mà cha ông đã để lại này", ông Đỗ Minh Tám tâm sự.

Tỉ mỉ từng mũi khâu ở làng đàn ông may áo dài - Ảnh 8.

Ông Tám luôn đau đáu giữ gìn những truyền thống tốt đẹp của dân tộc qua tà áo dài - Ảnh: HOÀNG THANH TÙNG

Tiếp tục những đường kim thoăn thoắt lên xuống trên từng lớp vải lụa, trong mắt ông Tám ánh lên niềm tin của một người làng Trạch Xá một lòng giữ lửa cho nghề may áo dài, để lưu giữ hồn dân tộc, tinh túy của văn hóa Việt Nam trên từng thớ vải.

Niềm tin ấy cũng hiện lên trong ánh mắt của cô cháu gái ông đang ngồi tỉ mẩn khâu tay dọc từng mũi chỉ lên xuống trên tấm lụa còn dở dang.

Tỉ mỉ từng mũi khâu ở làng đàn ông may áo dài - Ảnh 9.

Ngày xưa, nghề may chỉ được truyền cho đàn ông vì còn phải tha phương khắp nơi mưu sinh. Nay nhu cầu thị trường mở rộng hơn, nhiều đơn hàng đổ về, người dân không cần phải đi nơi khác để tìm khách hàng nên bất cứ ai muốn đều được dạy nghề may, kể cả phụ nữ. Trong ảnh: Đỗ Thanh Hiền (19 tuổi), cháu của ông Đỗ Minh Tám, cứ rảnh rỗi lại sang nhà ông học nghề khâu may áo dài - Ảnh: MAI THƯƠNG

Bảo vệ tà áo dài chính là đang bảo vệ Bảo vệ tà áo dài chính là đang bảo vệ 'chủ quyền văn hóa' Việt Nam

TTO - Chuyện tà áo dài Việt Nam lên sàn diễn quốc tế gây tranh luận (Tuổi Trẻ ngày 22, 23-11) đặt ra câu hỏi cần hành động thế nào để áo dài trở thành báu vật của đời sống, của văn hóa người Việt, bảo vệ áo dài là bảo vệ "chủ quyền văn hóa" Việt Nam.

MAI THƯƠNG - HOÀNG THANH TÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên