13/10/2017 09:29 GMT+7

Tỉ lệ tiêm phòng thấp, miền núi bị dịch bạch hầu 'tấn công'

LÊ TRUNG
LÊ TRUNG

TTO - Ngày 12-10, đoàn công tác của Sở Y tế Quảng Nam kiểm tra vùng dịch bạch hầu tại xã Trà Vân, huyện Nam Trà My.

Tỉ lệ tiêm phòng thấp, miền núi bị dịch bạch hầu tấn công - Ảnh 1.

Tại trạm y tế xã Trà Vinh, nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm để tìm bệnh bạch hầu - Ảnh: L.T.

 Đây là ổ dịch mới sau ổ dịch ở các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam như Phước Sơn, Tây Giang.

Tại sao các ổ dịch bạch hầu khó có lại thường hay xảy ra ở miền núi thuộc Quảng Nam?

Tỉ lệ tiêm văcxin không cao

Theo sở này, ổ dịch xảy ra tại Trường tiểu học xã Trà Vân (xã Trà Vân) vào đầu tháng 10-2017, có 7 trường hợp mắc bệnh với các dấu hiệu sưng hạch cổ, có giả mạc hầu họng. Đoàn kiểm tra đã lấy 10 mẫu dịch ngoáy họng (trong đó 7 học sinh và 3 người nhà) để xét nghiệm. Qua xét nghiệm sơ bộ có 7 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu.

Cùng ngày, đoàn cũng đã kiểm tra và phát hiện thêm 5 trường hợp trẻ em ở xã Trà Vinh (cạnh xã Trà Vân) cũng đang có các triệu chứng của bạch hầu. Trong đó một trường hợp nặng đã được chuyển đến trung tâm y tế huyện để điều trị, 4 trường hợp nhẹ còn lại đang điều trị tại trạm y tế xã. Các bác sĩ đã khám, lấy mẫu để tiếp tục xét nghiệm những trường hợp trên. 

Theo Trung tâm Y tế dự phòng Quảng Nam, từ khi xuất hiện ổ dịch đến nay có 8 trường hợp mắc bệnh bạch hầu nhập viện điều trị, trong đó có 1 học sinh đã tử vong.

Ông Trần Văn Hoàn, phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Quảng Nam, cho hay bệnh xảy ra chủ yếu ở những xã miền núi mà nhiều năm về trước tỉ lệ tiêm chủng không cao. 

Ông dẫn chứng: "Trước đây 100 trẻ em, họ chỉ tiêm khoảng 85 em thôi, còn 15 em không được tiêm. Như vậy dồn lại khoảng thời gian 5-10 năm như thế tập trung lại. Nếu ai mắc bệnh đi qua đó hắt hơi, ho thì rất dễ lây lan cho những đứa trẻ không được tiêm phòng trước đó".

Ông Nguyễn Văn Văn, phó giám đốc Sở Y tế Quảng Nam, cho hay bản thân con vi khuẩn bạch hầu phù hợp với khí hậu lạnh, ẩm. Miền núi, đặc biệt là những vùng sâu vùng xa, có điều kiện khí hậu phù hợp cho loại vi khuẩn này phát triển, tồn tại. Và nơi đây tỉ lệ tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu những năm về trước thường không cao. 

"Chúng tôi xem lại tất cả các ca bệnh bạch hầu ở miền núi, thường thì xảy ra với những em từ 8 tuổi trở lên. Đó là lứa tuổi mà những năm trước đây khả năng tiêm phòng bạch hầu không đầy đủ do những điều kiện khác nhau. Vì vậy dịch bệnh này thường xuyên xảy ra tại địa bàn miền núi", ông Văn nói.

Ông Văn cũng thừa nhận những năm trước ở miền núi, việc bảo quản văcxin chưa đảm bảo. Theo ông, văcxin thường bảo quản ở nhiệt độ lý tưởng từ 4-8 độ C. Khi đi tiêm chủng tại miền núi, có những địa bàn không thể tiêm tập trung thường xuyên được, nhân viên y tế về tận nhà người dân để tiêm. 

"Có những lúc nhân viên y tế đi bộ 1-2 ngày đường mới tới nhà dân thì điều kiện bảo quản lạnh không tốt, chất lượng văcxin không thể đảm bảo", ông Văn nói.

Vi khuẩn C. diphtheriae gây nên bệnh bạch hầu. Người mắc bệnh bạch hầu thường có tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc nặng và có thể dẫn đến tử vong.

90.000 liều văcxin tiêm cho dân miền núi

Ông Trần Văn Hoàn cho biết từ khi có dịch xảy ra, lực lượng y tế đã được huy động tối đa để chống dịch, điều trị bệnh triệt để ngay tại cộng đồng, những nơi có tiếp xúc với các ca bệnh đầu tiên như giáo viên, học sinh, người thân thì cho uống thuốc phòng bệnh 100%. 

"Chúng tôi tiếp tục giám sát vùng dịch để kịp thời phát hiện những trường hợp mới, nếu có thì phải điều trị sớm. Ngoài ra triển khai các biện pháp khoanh vùng, cách ly, xử lý ổ dịch tại gia đình, trường học và bệnh viện bằng việc phun hóa chất Chloramine B", ông Hoàn nói.

Theo ông Văn, biện pháp căn cơ lâu dài để không xảy ra những ổ dịch tương tự là dứt khoát phải tiêm văcxin phòng bệnh bạch hầu lại cho người dân ở miền núi.

Hiện nay sở cũng đã xây dựng kế hoạch và xin ý kiến Cục Y tế dự phòng và Viện Pasteur Nha Trang tổ chức tiêm văcxin phòng bệnh bạch hầu cho tất cả đối tượng từ 5-40 tuổi, đồng thời tiêm văcxin DPT cho trẻ từ 1-4 tuổi ở hai huyện miền núi còn lại là Nam Trà My và Bắc Trà My.

"Qua việc này, sở chỉ đạo Trung tâm y tế dự phòng phối hợp với các địa phương toàn tỉnh, xác định lại những vùng "lõm", xem lại những nơi mà tỉ lệ tiêm văcxin cho trẻ thấp, có kế hoạch tiêm bổ sung ngay. Nhu cầu văcxin ở tỉnh đang cần 90.000 liều"- ông Văn nói.

Tập huấn lại cho các nhân viên y tế

Ông Trần Văn Hoàn, phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Quảng Nam, cho biết sau đợt này sẽ tổ chức tập huấn lại cho tất cả các trạm y tế xã ở huyện Nam Trà My về việc phát hiện sớm dịch bệnh bạch hầu, điều trị tại cơ sở. Qua đó nhân viên y tế có thể khám, phát hiện sớm những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, cho uống thuốc phòng, điều trị triệt để, khống chế không cho dịch lan rộng.

LÊ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên