Một lớp dạy nghề hàn cho các bạn trẻ tại Nghệ An - Ảnh: DOÃN HÒA
Hơn 41% học sinh lớp 12 ở Nghệ An chỉ đăng ký xét tốt nghiệp và các địa phương khác cũng có tỉ lệ học sinh chọn học nghề ngày càng tăng (Tuổi Trẻ ngày 5-5). Câu hỏi đặt ra: đã có thể yên tâm với con số này chưa và làm sao để việc học nghề thực sự là "lối khác vào đời"?
Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý xung quanh chủ đề này.
* TS Hoàng Ngọc Vinh (phó chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp Việt Nam): Vừa mừng, vừa lo...
Nếu nghiên cứu phổ điểm của thời kỳ thi "ba chung" nghiêm túc, có trên 30% thí sinh nên chuyển học nghề sớm sẽ có thành công sớm hơn trong việc tìm kiếm việc làm và tự nuôi sống bản thân. Nên tỉ lệ học sinh lớp 12 không đăng ký xét tuyển vào ĐH ngày càng cao là một dấu hiệu tích cực.
Nhưng ở một góc độ khác thì đây có thể là dấu hiệu không vui nếu nhìn vào tương lai phát triển giáo dục cung ứng nhân lực cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 - nơi đòi hỏi người lao động rất nhiều kỹ năng nền tảng để thích nghi nhanh với thời cuộc.
Cần nghiên cứu sâu hơn về nguyên nhân có hiện tượng trên về chất lượng giáo dục phổ thông, điều kiện kinh tế gia đình, sự phát triển doanh nghiệp trên địa bàn hay sự hấp dẫn từ các trường nghề...
Ngay từ lúc này, cần tích cực tư vấn hướng nghiệp để những học sinh không chọn ĐH phải theo học các khóa đào tạo nghề. Không thể để các em "lêu lổng" không học hành gì, vì điều đó rất nguy hiểm. Việc truyền thông vào học nghề đang làm khá tốt, nhưng không gì truyền thông hiệu quả bằng chất lượng đào tạo thực vì việc làm và thu nhập. Cần triển khai sớm các hoạt động hợp tác trường - doanh nghiệp, tạo tối đa cơ hội việc làm cho học sinh.
Hiện tại, một số doanh nghiệp FDI tuyển lao động tốt nghiệp THPT, đào tạo 2-3 tháng kỹ năng kỹ thuật và có việc làm luôn. Nhà nước cũng cần khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp này thay vì chỉ chú ý đến đào tạo kiểu "quốc doanh".
Quan điểm phân luồng cần thay đổi, không phải cứ vào trường nghề mới là phân luồng, mà bất cứ người học nào học được kỹ năng gì, ở đâu để có việc làm và thu nhập đều coi đó là phân luồng.
* Ông Đoàn Hồng Vũ (giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An): Dùng nhiều giải pháp
Chỉ tính riêng giai đoạn 2012-2016, tỉnh đã đào tạo nghề cho hơn 400.000 người. Một số nghề bước đầu đã đáp ứng được sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và nhu cầu sử dụng của thị trường lao động trong và ngoài nước như: cơ khí, công nghiệp ôtô, quản trị nhà hàng, điện công nghiệp, kỹ thuật máy nông nghiệp, điều hòa không khí, chế biến món ăn và du lịch...
Đến nay đã có hơn 200 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thường xuyên liên kết tiếp nhận, tuyển dụng lao động sau đào tạo nghề. Ngoài ra, có khoảng 50 đơn vị tư vấn xuất khẩu lao động trên địa bàn và mỗi năm đưa được khoảng 12.000 lao động Nghệ An đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài.
Về giải pháp, ngành LĐ-TB&XH Nghệ An đã dự báo nhu cầu thị trường sử dụng lao động hằng năm và từng giai đoạn gắn với điều tra khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động. Việc phân luồng, định hướng học nghề cho học sinh sau khi tốt nghiệp THCS và THPT phải gắn với giải quyết việc làm.
Đẩy mạnh các hoạt động liên kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, các khu kinh tế, khu công nghiệp trong quá trình đào tạo và bố trí việc làm cho lao động sau đào tạo.
Để tránh lãng phí đầu tư hạ tầng các trường nghề, tỉnh cũng đã rà soát, sáp nhập các trung tâm dạy nghề, trung tâm GDTX và giảm từ 33 trung tâm xuống còn 20 trung tâm nhằm chấm dứt tình trạng học nghề theo phong trào, chạy theo số lượng như trước đây.
Các lớp dạy nghề phải tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nhằm tạo thay đổi về nhận thức của người dân, từ chỗ tham gia học nghề với mục tiêu xóa đói giảm nghèo chuyển sang nắm bắt khoa học và kỹ năng để nâng cao đời sống và thu nhập.
* Ông Phạm Văn Đại (phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội): Tác động tích cực của công tác phân luồng
Học sinh tốt nghiệp THPT hay tốt nghiệp THCS hiện nay có nhiều lựa chọn hơn so với trước đây, một phần cũng do chính sách phân luồng. Việc phân luồng, hướng nghiệp phải được thúc đẩy từ các nhà trường phổ thông, trong trường phổ thông, chứ không phải khi học sinh tốt nghiệp.
Hà Nội năm nay có 11.000 học sinh tốt nghiệp THCS không tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Đây là con số đáng kể mà theo tôi, có sự tác động từ đề án phân luồng sau THCS mà Sở GD-ĐT trình TP phê duyệt. Trong số học sinh này, một số rẽ ngang học nghề và học hệ GDTX, một số khác đăng ký tuyển sinh vào các trường THPT ngoài công lập theo phương thức xét học bạ (không thi).
Chính nhờ chính sách này mà nhiều trường trung cấp nghề của Hà Nội hai năm qua tuyển sinh tốt hơn. Bên cạnh đó, việc mở rộng các ngành đào tạo phù hợp với nhu cầu thị trường lao động, hình thức đào tạo, học phí phù hợp cũng là điểm tích cực để tăng lựa chọn cho học sinh sau THCS và THPT chọn con đường học nghề.
Chú ý đến học sinh tốt nghiệp THCS
Phải nhìn nhận rằng trong số 30-40% học sinh lớp 12 chỉ xét tốt nghiệp THPT năm nay nếu đã xác định được năng lực học tập không tốt từ THCS nhưng vẫn cố gắng học tiếp ba năm THPT thì vẫn là lãng phí.
Nếu ngay từ đầu, sau tốt nghiệp THCS, các em vào học các trường trung cấp vừa học nghề vừa học các môn văn hóa và có thể đi làm hay dự thi vào ĐH hoặc học liên thông.
Tất nhiên, để tạo sức hút mạnh các học sinh này vào trường nghề đòi hỏi các trường nghề xác định rõ sứ mệnh của mình, sẵn sàng tiếp nhận học sinh tốt nghiệp THCS.
Tâm lý nhiều trường khá ngại tiếp nhận đối tượng này do các em còn nhỏ, vừa dạy vừa dỗ rất vất vả mà thù lao không tăng lên. Mặt khác, ngoài việc Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho học sinh, rất cần các trường tạo môi trường thân thiện, gần gũi với các em, làm sao cho các em dễ tiếp cận trường nghề...
TS HOÀNG NGỌC VINH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận