Nhân viên y tế kiểm tra các mẫu xét nghiệm axit nucleic trong một phòng thí nghiệm di động ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc - Ảnh: ECNS.CN
Sau một thời gian dài nhiều nơi tại Trung Quốc không ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng, thành phố Quảng Châu và một số thành phố khác thuộc tỉnh Quảng Đông đang trải qua đợt bùng phát mới có sự xuất hiện lần đầu tiên của biến thể Delta (lần đầu phát hiện ở Ấn Độ).
Trên Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) hôm 10-6, giới chuyên gia Trung Quốc đã nói về các đặc điểm của đợt bùng phát dịch lần này và so sánh tỉ lệ bệnh nhân có triệu chứng nặng ở Quảng Châu với các đợt dịch ở những thành phố khác trước đây.
Ông Quản Hướng Đông, một chuyên gia trong đội y tế COVID-19 của tỉnh Quảng Đông, cho biết khoảng 10-12% bệnh nhân COVID-19 trong đợt bùng phát mới nhất ở Quảng Châu bị bệnh nặng.
Tỉ lệ này cao hơn so với đợt dịch ở thành phố Vũ Hán (nơi chính thức ghi nhận các ca bệnh COVID-19 đầu tiên trên thế giới) và khoảng 20 cụm dịch sau đó trên khắp Trung Quốc.
Tỉ lệ bệnh nhân COVID-19 bị bệnh nặng trước đây thường từ 2-3%, hoặc 5-8%, hoặc 8-10% ở một vài khu vực của Trung Quốc.
Ông Quản Hướng Đông, một chuyên gia trong đội y tế COVID-19 của tỉnh Quảng Đông - Ảnh: CCTV
Ông Trương Trung Đức, một chuyên gia khác trong đội y tế Quảng Đông, nói rằng nhiều bệnh nhân COVID-19 ở Quảng Châu là người cao tuổi, bệnh tình của họ xấu đi rất nhanh.
Một số bệnh nhân bước vào giai đoạn bị bệnh nặng chỉ khoảng 3 hay 4 ngày sau khi bắt đầu có triệu chứng.
Ngoài ra, bệnh nhân ở Quảng Châu lần này có các triệu chứng rõ ràng hơn, với khoảng 80% bệnh nhân bị sốt. Các bệnh nhân không chỉ có tải lượng virus "rất cao", và mức độ giảm dần tải lượng virus cũng "rất chậm".
Tải lượng virus là số lượng các mảnh hoặc các thành phần của virus chứa trong một thể tích máu của bạn (thường là 1ml hoặc 1cc).
Kể từ ngày 21-5 (ngày ghi nhận ca nhiễm đầu tiên trong đợt bùng phát dịch mới nhất) tính đến hôm 9-6, Quảng Châu đã ghi nhận 119 ca nhiễm trong cộng đồng.
Xét nghiệm 1,5 triệu mẫu/ngày
Hôm 9-6, ông Tôn Tường, phó cục trưởng Cục Khoa học kỹ thuật thành phố Quảng Châu, cho biết trong đợt dịch lần này, các công ty y sinh Quảng Châu đã dùng nhiều phương tiện khoa học công nghệ để nâng cao năng lực xét nghiệm trong thời gian ngắn. Thành phố này có hơn 5.500 công ty y sinh, cao thứ 3 ở Trung Quốc.
Tuần trước, Quảng Châu đã dựng khẩn cấp phòng thí nghiệm trên một sân vận động chỉ trong 10 giờ. Phòng thí nghiệm này có năng lực xét nghiệm 150.000 mẫu/ngày, cao nhất Trung Quốc.
Họ còn sử dụng phương pháp gộp “10 trong 1”, có nghĩa cứ mỗi lần sẽ gồm 10 mẫu được xét nghiệm chung, mẻ nào dương tính thì sẽ xét nghiệm lại từng mẫu. Do đó, năng lực xét nghiệm tăng lên 1,5 triệu mẫu/ngày.
Từ ngày khởi động xét nghiệm trên diện rộng hôm 26-5 tới ngày 7-6, thành phố Quảng Châu đã thu 27,9 triệu mẫu xét nghiệm axit nucleic.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận