Tỉ giá đang chịu áp lực ra sao?
Sau khi chạm mức đỉnh trong vòng 1 năm qua (107,05 điểm), chỉ số U.S Dollar Index (DXY) trên thị trường quốc tế ngày 4-10 giảm 0,21%, về mốc 106,58 điểm.
Trong nước, sáng 5-10, tỉ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD được Ngân hàng Nhà nước công bố mức 24.084 đồng, giảm 1 đồng so với hôm qua. Còn tính từ đầu năm, mức tăng đã là 2%.
Chênh lệch giữa xu hướng giảm lãi suất của Việt Nam và duy trì lãi suất cao của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tạo ra một khoảng cách nhất định, gây áp lực lên tỉ giá.
Tuy nhiên, với yếu tố thuận lợi là nguồn cung ngoại tệ ổn định, nhiều dự báo cho rằng mức mất giá hợp lý của tiền đồng Việt Nam so với USD có thể là 3% hoặc hơn 3%.
"Đồng Việt Nam mất giá so với đầu năm chỉ khoảng 2%, trong khi nhiều nước còn mất giá đến 9 - 10%. Tiền đồng quá cao so với USD không có lợi, bởi Việt Nam là nước có độ mở với kim ngạch xuất khẩu lớn", ông Võ Đại Lược - nguyên viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới - nêu quan điểm.
Tuy nhiên, việc can thiệp, cân đối lợi - hại như thế nào trước áp lực tỉ giá cũng là bài toán khó với cơ quan điều hành vì cần dựa trên lợi ích tổng thể, theo ông Lược.
Trong bối cảnh hiện nay, ông Lược vẫn cho rằng Việt Nam sẽ tiếp tục các giải pháp duy trì sự cân bằng ổn định tỉ giá và lãi suất dù chính sách này sẽ gặp không ít thách thức, cản trở.
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành tín phiếu trên kênh thị trường mở. Quá trình hút tiền, theo vị chuyên gia, nhằm hút bớt thanh khoản, giảm áp lực đầu cơ tỉ giá trong ngắn hạn.
Tuy nhiên mức độ thành công ra sao, cần có thời gian kiểm chứng. Đây cũng là một trong những ẩn số cần theo dõi trong bối cảnh sức mạnh đồng USD tăng cao trở lại.
Lợi - hại ra sao khi tỉ giá tăng cao?
Phân tích chi tiết hơn, bà Trần Ngọc Thúy Vy - chuyên gia phân tích Chứng khoán Mirae Asset - nói tỉ giá tăng có thể khiến hoạt động kinh doanh của một số doanh nghiệp vay USD, xuất nhập khẩu có thể gặp sự thay đổi ngay trong quý 3.
Cụ thể, các công ty có nợ vay bằng USD cao sẽ bị ảnh hưởng khi USD tăng giá dẫn đến lỗ chênh lệch tỉ giá hối đoái. Điều này sẽ làm sụt giảm lợi nhuận. Tuy nhiên mức độ ảnh hưởng như thế nào còn tùy vào doanh nghiệp cụ thể.
Trường hợp doanh nghiệp phát sinh doanh thu từ USD, hoặc hưởng lợi từ chênh lệch tỉ giá đồng ngoại tệ khác thì từ đó có thể đối ứng nhằm cân bằng khoản lỗ chênh lệch tỉ giá, theo bà Vy.
Còn với các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu bằng USD, chuyên gia chứng khoán Mirae Asset nhận xét cũng sẽ khó khăn khi USD tăng giá. Giá cả của các mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam tăng làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng, từ đó ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Ngược lại, những doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động xuất khẩu sẽ hưởng lợi từ chênh lệch tỉ giá khi USD/VND tăng.
Các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam hiện nay bao gồm: hàng dệt may, thủy sản, giày dép, điện tử, nông sản, cao su và gỗ...
Trong đó, ngành dệt may dưới áp lực của tỉ giá sẽ nhận tác động hai chiều, bởi phần lớn nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài sau đó gia công xuất khẩu. Vì vậy theo chuyên gia Mirae Asset, biến động tỉ giá sẽ ít làm thay đổi kết quả kinh doanh.
Còn với ngành công nghệ, chuyên gia Mirae Asset cho biết các doanh nghiệp ngành này sẽ hưởng lợi từ hoạt động gia công và xuất khẩu phần mềm. Tuy nhiên bà Vy lưu ý, nếu doanh nghiệp nợ vay nước ngoài, điều này sẽ làm giảm phần lãi chênh lệch tỉ giá từ hoạt động xuất khẩu.
Hai ngành khác cũng được dự báo sẽ nằm trong nhóm hưởng lợi khi tỉ giá tăng là cao su và thực phẩm. Các doanh nghiệp ngành này thường nợ vay bằng USD không đáng kể và xuất khẩu ròng, do đó hưởng lợi khi tỉ giá USD/VND tăng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận