Ba thuyền viên vừa trở về sau bốn năm bị cướp biển Somalia bắt (từ trái qua): Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Văn Hạ và Phan Xuân Phương - Ảnh: QUANG THẾ |
Ba thuyền viên trở về gồm: Nguyễn Văn Hạ (35 tuổi, ngụ xã Kỳ Khang), Nguyễn Văn Xuân (35 tuổi, ngụ xã Kỳ Trinh, cùng ở thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) và Phan Xuân Phương (27 tuổi, ngụ xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An).
Vỡ òa trong hạnh phúc
Nhìn thấy con trai sau nhiều năm gặp lại, bà Nguyễn Thị Thủy (60 tuổi, mẹ của thuyền viên Hạ) chạy lại ôm lấy con. “Con có bị sao không? Có bị họ đánh đập gì không? Có phải nhịn đói không? Thằng Hạ của mẹ đây rồi...” - bà Thủy xúc động ôm lấy con.
Có mặt từ nhiều giờ trước khi những người bị nạn về tới sân bay, ông Phan Văn Linh (71 tuổi, cha thuyền viên Phương) cầm theo cả một bó hoa để tặng con trai. Nhìn thấy con gầy nhiều hơn trước, ông Linh nghẹn giọng nói:
“Từ lúc biết con được về, gia đình tôi dường như không ngủ, hôm nào cũng có rất đông anh em họ hàng đến hỏi thăm. Nay nhìn thấy nó bằng da bằng thịt, chẳng biết nói gì hơn...”.
Để kiếm tiền trang trải cho con ăn học, chị Bùi Thị Lệ (30 tuổi, vợ thuyền viên Hạ) phải làm đủ mọi nghề kiếm sống. Chị Lệ cho biết sau khi nhận được tin chồng bị cướp biển bắt, chị phải đưa con từ Hà Tĩnh về huyện Cao Phong (Hòa Bình) nhờ bố mẹ đẻ trông nom.
“Nhận được tin chồng về, không chỉ tôi và con mà còn có rất nhiều anh em tôi ở Hòa Bình, nhà chồng ở Hà Tĩnh bắt xe tới sân bay. Nhìn thấy anh mới tin tưởng là anh còn sống, tất cả đều hạnh phúc...” - chị Lệ nghẹn giọng nói.
Từ khi nhận được thông tin chồng vẫn đang còn sống, khỏe mạnh, ngôi nhà nhỏ ở quê nhà Hà Tĩnh của gia đình chị Nguyễn Thị Quỳnh (vợ thuyền viên Xuân) ngày nào cũng có bà con lối xóm tới thăm hỏi. Có mặt tại sân bay, nhiều người thân chỉ biết nghẹn ngào chạy lại ôm lấy thuyền viên Xuân.
Bị giam giữ ở sa mạc
Sau khi rời sân bay, ba thuyền viên được cơ quan chức năng đưa tới Bệnh viện đa khoa Tràng An (Hà Nội) để khám sức khỏe. Bác sĩ Phạm Văn Giang - phó giám đốc Bệnh viên đa khoa Tràng An - cho biết ba thuyền viên sức khỏe tạm thời bình thường nhưng phải thay đổi môi trường sống, ăn uống thiếu thốn trong thời gian dài nên cần tiếp tục được theo dõi.
Ba thuyền viên cho biết họ phải sống trong hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt vì nơi giam giữ chủ yếu ở giữa sa mạc, thiếu nước sạch, thiếu lương thực. Trên tàu FV Naham 3 có 29 người nhưng thuyền trưởng bị bắn chết ngay sau khi tàu bị cướp, còn hai thuyền viên khác bị chết do bệnh tật.
Đến ngày cướp biển Somalia trao trả, chỉ còn 26 thuyền viên, có ba người Việt Nam, còn lại đa số là người Đài Loan.
Thuyền viên Nguyễn Văn Xuân nhớ lại: “Chúng tôi phải sống dưới tán cây giữa sa mạc nên hay bị bọ cạp, kiến cắn. Từ nước ngọt đến lương thực đều rất khan hiếm. Sợ thuyền viên bỏ trốn, lúc nào hải tặc cũng bố trí người canh giữ rất nghiêm ngặt...”.
Các thuyền viên cho biết thời gian đầu khi bị bắt, do không hiểu ngôn ngữ của cướp biển Somalia, việc giao tiếp rất khó khăn.
“Chỉ những lúc nào bị ốm đến kiệt sức thì họ mới cho chúng tôi thuốc. Sống ở sa mạc không có nước để sinh hoạt, ai cũng phải cạo trọc đầu. Hằng ngày chúng bắt thuyền viên đi kiếm củi để đun nấu. Tất cả mọi người đều sống dưới tán cây, thỉnh thoảng thì ra biển và di chuyển liên tục...” - thuyền viên Hạ kể.
“Vẫn tin anh ấy sẽ về” “Biết là bị hải tặc bắt cóc phải sống trong cảnh thiếu thốn, có thể bị bắn chết bất cứ lúc nào nhưng tôi vẫn tin anh sẽ về với mẹ con tôi. Sau khi về quê, gia đình sẽ chỉ cho anh làm công việc gần nhà để có thời gian chăm sóc vợ con...” - chị Bùi Thị Lệ (vợ thuyền viên Hạ) tâm sự. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận