TTCT - Hai thư tịch xưa mở ra một cái nhìn mới về lịch sử chiến thuyền thời Nguyễn. Trong lúc dịch bài viết mô tả thuyền chiến triều Nguyễn của Uông Trọng Dương in trong sách Hải quốc đồ chí (海國圖志), tôi chợt nhớ đến một tập bản vẽ thuyền chiến, xem lại thì thấy hai nguồn có vài điểm gần giống rất đáng chú ý.Hải quốc đồ chí khá quen thuộc với học giới Việt Nam bởi một địa đồ vẽ vùng biển Đông Nam Á được trích dẫn nhiều lần trong những bài viết về lịch sử địa lý Biển Đông.Bộ sách 100 quyển này có nhiều ghi chép liên quan đến lịch sử địa lý Việt Nam, trong đó khá đặc biệt là đã lưu giữ một bài viết lược tả vài kiểu thuyền chiến thời Minh Mạng. Mô hình tàu chiến "Mông đồng" thời Trịnh, bản phục dựng trưng bày ở chùa Keo, Thái Bình. Các tư liệu mới hy vọng góp phần giúp công tác phục dựng tàu thuyền Việt Nam cổ chính xác hơn. Ảnh: Wikipedia.org Những tư liệu này có thể bổ túc cho nghiên cứu về lịch sử tàu thuyền Việt Nam, một đề tài đang thiếu hụt loại tư liệu mô tả cụ thể về kết cấu, quy cách, bản vẽ tổng thể, hoặc các bộ phận tàu thuyền, vốn là những yếu tố kỹ thuật quan trọng không chỉ trong nghiên cứu lịch sử lý thuyết mà cả trong phục dựng mô hình trực quan.Hải quốc đồ chí có 3 bản in, lần đầu 50 quyển vào năm 1842, lần hai 60 quyển (1847) và lần ba 100 quyển (1852), nội dung viết về lịch sử, địa lý, chính trị các nước trên thế giới và khoa học kỹ thuật hải quân phương Tây. Trong bản in lần 3, ở quyển 84 là phần nói về các loại thuyền chiến nước ngoài, Ngụy Nguyên sưu tập kiến nghị của nhiều người về việc cách tân thuyền chiến Trung Hoa, báo cáo về việc chế tạo thuyền chiến hoặc tự thuật lại những sự kiện chế tạo thuyền chiến mang tính thời sự, trong đó có mục nói về thuyền chiến An Nam.An Nam chiến thuyền thuyết“An Nam chiến thuyền thuyết” là phần viết của tri huyện Dư Diêu, Uông Trọng Dương. Dư Diêu là một huyện ven biển, đương thời thuộc phủ Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, nơi có pháo đài Trấn Hải - địa điểm bị hạm đội Viễn Đông của Pháp tấn công hồi đầu tháng 3-1885 trong chiến tranh Pháp - Thanh. Kiểu số 1, một trong ba bản vẽ khá chi tiết kết cấu thuyền chiến thời Nguyễn, những tư liệu hiếm hoi còn lại dạng này, bản photocopy, tư liệu của Phạm Hoàng Quân.Uông Trọng Dương tự Thiếu Hải, người Thành Đô (Tứ Xuyên), nhậm tri huyện Dư Diêu năm 1841. Trong Hải quốc đồ chí, ngoài bài “Nói về thuyền chiến An Nam” ở quyển 84, Uông còn có bài “Chú pháo thuyết (鑄礟說 / Nói về việc đúc pháo)” ở quyển 87.Trong bài “An Nam… ”, Uông thuật rằng trong lần đại thần Mãn Thanh Lâm Tắc Từ đến Trấn Hải cùng bàn bạc vấn đề thuyền chiến, đã trao cho Uông 8 bức vẽ các mẫu thuyền.Căn cứ theo đó, Uông viết bài mô tả, tuy có vẻ sơ lược nhưng có nhiều số liệu mà các sử liệu khác không chép, nên có thể coi là tư liệu hữu dụng trong việc nghiên cứu lịch sử tàu thuyền Việt Nam ở khía cạnh kỹ thuật và rộng hơn là ở góc độ tương tác trong kỹ thuật chế tạo của khu vực.Ở Đài Loan trước đây, Bao Tuân Bành trong Trung Quốc hải quân sử (1970) đã trích dẫn trọn bài viết “An Nam… ” để phân tích tình hình thu thập kiến thức tiên tiến về tàu thuyền ở Trung Quốc thời bấy giờ. Gần đây hơn, có thể kể bài “Hào quang thoáng qua: Việc chế tạo và truyền thừa thuyền bọc đồng của triều Nguyễn Việt Nam” của giáo sư Trịnh Vĩnh Thường và tiến sĩ Lý Quý Dân (Đại học Thành Công, Đài Loan) đăng trên Nam Phương Đại Học học báo hồi năm 2014.Tuy nghiên cứu sâu về loại tàu bọc đồng thời Minh Mạng, nhưng ở phần lịch sử vấn đề, hai tác giả Trịnh và Lý đã trích dẫn khá đầy đủ “An Nam…”.Ở tầm mức liên kết và đối sánh tàu thuyền khu vực Đông Nam Á, tiến sĩ Li Tana có bài Ships and Shipbuilding in the Mekong Delta, c.1750-1840 (Tàu thuyền và việc đóng tàu ở đồng bằng Mekong, khoảng 1750 - 1840). Đây là một nghiên cứu tổng quan về tàu thuyền triều Nguyễn được biết đến nhiều ở Việt Nam qua bản dịch Việt ngữ đăng trên tạp chí Nghiên Cứu và Phát Triển (Huế) hồi năm 2002.Mô tả bằng lời vănRất tiếc là toàn bộ 8 bức vẽ của Lâm Tắc Từ đưa cho Uông Trọng Dương đều không được khắc in kèm bài viết, mà chỉ được mô tả bằng lời văn, gồm: Ngư thuyền, Đại sư thuyền, Bố thoa thuyền, Đại đầu tam bản thuyền (thêm kiểu Xa luân thuyền không nêu xuất xứ).Ba bản vẽ khá chi tiết kết cấu thuyền chiến thời Nguyễn, những tư liệu hiếm hoi còn lại dạng này, bản photocopy, tư liệu của Phạm Hoàng Quân.Cuối phần mô tả, Uông kiến nghị nên mô phỏng theo 4 kiểu chiến thuyền An Nam này và bố trí chúng ở những cửa biển quan yếu để chống chọi với tàu chiến phương Tây. Chỉ có thể coi kiến nghị của Uông là biểu hiện của sự lúng túng của giới sĩ phu Trung Hoa sau chiến tranh Nha phiến (1840 - 1842).Theo Tịch Long Phi trong Trung Quốc tạo thuyền sử (NXB Giáo Dục Hồ Bắc, 1999), giai đoạn chiến tranh Nha phiến, người Anh đưa đến 32 quân hạm, 25 tàu vận tải, trong đó quân hạm lớn nhất dài hơn 32 trượng (~102m), rộng hơn 6 trượng (~20m), bố trí khoảng 70 khẩu đại pháo với tầm bắn ước 20 dặm (~11km). Trong khi đó, chiến thuyền lớn nhất của thủy sư nhà Thanh dài chỉ 11 trượng 2 xích (~36m), rộng hơn 2 trượng (~6,5m), đặt không hơn 10 khẩu pháo.Với tình thế như vậy, phương án cách tân của Lâm Tắc Từ hay Uông Trọng Dương chỉ là phản ứng nhất thời trong khi bế tắc, và kỳ vọng về những kiểu mẫu tàu thuyền có thể chế ngự hải quân phương Tây theo tầm nhìn của họ đã phá sản trên thực tế thậm chí từ trước khi nghĩ tới. Trước lúc phát hành Hải quốc đồ chí 5 năm, tức năm 1847, tàu của hải quân Pháp đã bắn cháy 5 chiếc tàu bọc đồng hạng lớn của thủy quân nhà Nguyễn chỉ trong 1 giờ đồng hồ ở cửa biển Đà Nẵng.Do Ngụy Nguyên chỉ thu thập cho in bản viết mô tả của Uông mà không in kèm bản vẽ của Lâm Tắc Từ, nên không rõ các bản vẽ ấy chi tiết đến đâu, nhưng với ý định mô phỏng kiểu thức để chế tác thì thiết nghĩ các bản vẽ không đến nỗi sơ sài. Tư liệu thuộc dạng bản vẽ tàu thuyền mang yếu tố kỹ thuật trong lịch sử nói chung và của triều Nguyễn nói riêng đến nay vẫn thuộc loại rất hiếm hoi.Qua bài viết của Uông, sẽ thấy điểm cần lưu ý về cách gọi tên thuyền và các bộ phận kết cấu theo cách Trung Hoa với thuyền An Nam, còn việc so sánh các đặc điểm hình dáng, kích thước, kết cấu, khí tài, thuyền cụ… trong mô tả này nhằm xác định rõ hơn về sự tương ứng của nó với kiểu chiến thuyền nào từng được nói đến trong sử liệu Việt Nam là việc còn phải tiếp tục.Thuyền bá danh hiệu đồ thứcTrong khi đó, tập bản vẽ nói ở trên mà tôi muốn dùng để đối chiếu nằm lẫn trong số tư liệu Hán Nôm tôi photocopy hồi những năm 2000 - 2004 ở Thư viện Viện Khoa học xã hội Vùng Nam Bộ (tập bản vẽ ký hiệu: H/VV 140), do nó quá mỏng và cũng ít có việc cần coi tới nên quên bẵng đến nay.Ba bản vẽ khá chi tiết kết cấu thuyền chiến thời Nguyễn, những tư liệu hiếm hoi còn lại dạng này, bản photocopy, tư liệu của Phạm Hoàng Quân. Bìa ngoài tập bản vẽ ghi tiêu đề “船舶名號圖式 / Thuyền bá danh hiệu đồ thức” (Bản vẽ kiểu thức tên gọi tàu thuyền), trong có 8 tờ, vẽ 3 kiểu thuyền, không có lời tựa, không đề tên kiểu thuyền.Do không có lời tựa nên không rõ xuất xứ và năm soạn vẽ, căn cứ vào nơi lưu trữ chỉ có thể đoán là xưa kia nó thuộc Thư viện Bảo Đại (sau chuyển qua Thư viện Viện Khảo cổ Sài Gòn, rồi thuộc Thư viện Viện KHXH Vùng Nam Bộ), nhiều sách Hán Nôm trong thư viện này có đóng dấu triện vuông hai chữ Hán “Bảo Đại”, nhưng tập bản vẽ thì không.Các bản vẽ khá chi tiết, ký chú chữ Hán toàn bộ tên gọi những bộ phận tàu thuyền. Khi thử so sánh “Thuyền bá…” với một số bản vẽ hệ thuyền Phước Kiến hay hệ thuyền Quảng Đông trong thuyền sử Trung Quốc thì thấy cách gọi tên các bộ phận có rất nhiều điểm khác biệt, chỉ có tên vài bộ phận nền tảng như long cốt (sống chính), lương (đà) là giống nhau, còn lại hầu hết tên chỉ các bộ phận khác như cột buồm, dây căng, ván be, boong, lái, neo, bệ pháo, ụ pháo… đều gọi theo cách riêng. Do các tên gọi không dùng chữ Nôm, tôi từng hồ nghi nó có thể được sao chép từ Trung Quốc, nhưng qua so sánh cụ thể thì có thể loại trừ trường hợp này.Cả 3 kiểu thuyền đều không ghi tên thuyền, nên sẽ gọi theo thứ tự là kiểu số 1, số 2 và số 3. Kiểu số 1 ghi chú 77 tên gọi các bộ phận, số 2 ghi chú 52 tên gọi và số 3 có 45 tên gọi.Tuy tiêu đề tập bản vẽ không ghi “chiến thuyền” mà chỉ ghi “thuyền bá” (tàu thuyền), qua các bộ phận được ghi chú là “pháo môn” (cửa nòng pháo), “sang giá” (giá súng) ở kiểu số 1 và “pháo kỷ” (bệ pháo) ở số 3, có thể xác định đây là các kiểu thuộc loại thuyền chiến.Những bản vẽ này thuộc loại hiếm hoi trong tư liệu Hán Nôm Việt Nam có thể giúp bổ sung tư liệu cụ thể để nghiên cứu lịch sử khoa học kỹ thuật về tàu thuyền, giúp việc phục dựng mô hình thuyền chiến triều Nguyễn trong lãnh vực bảo tồn bảo tàng, còn hệ thống tên gọi có thể góp phần nghiên cứu và xây dựng thuật ngữ chuyên ngành… ■Nói về thuyền chiến An NamUÔNG TRỌNG DƯƠNGÔng Lâm [Tắc Từ] nguyên tổng đốc Lưỡng Quảng đến Trấn Hải, bàn về thuyền chiến, kiểm trong rương còn mấy bức họa đồ bèn trao cho. Kể gồm 8 loại, phân nửa là bức vẽ thuyền An Nam.Một loại là bức vẽ “Quảng Đông thủy sư dinh khoái giải đĩnh” [thuyền con cua đi nhanh của thủy quân tỉnh Quảng Đông], có hai cột buồm, mỗi bên 20 mái chèo nhỏ.Một loại là bức vẽ “Tri sa bích thuyền”, ba cột buồm, đầu mũi thuyền giống như thuyền của Anh, pháo đặt 2 tầng, 34 khẩu, thuyền dài 12 trượng [38,4m]. Bản đồ đông bán cầu trong Hải quốc đồ chí. Ảnh: Wikipedia Commons Một loại là bức vẽ “Hoa Kỳ thuyền”, 3 cột buồm, giống như thuyền Anh, pháo đặt 2 tầng, 28 khẩu.Một loại là bức vẽ “Ngư thuyền của nước An Nam”, thuyền này còn gọi là chiến thuyền, [khi tác chiến] theo sau bố thoa thuyền và đại đầu tam bản thuyền. Thuyền dài ước hơn 8 trượng [~26m], rộng ước hơn 8, 9 xích [~2,6 - 2,9m], dài rộng có thể tăng thêm. Hình dáng giống trái bí lớn thuôn dẹt, hai bên đặt pháo, lính ở trong mui chiến đấu, không nhìn thấy hỏa pháo bên địch, nên gan dạ tấn công. Gỗ đóng thuyền dày dặn cứng cáp, khi bắn pháo thuyền không rung lắc. Hai bên mũi và lái có 3-4 mái chèo, hoặc gắn bánh xe nước, thêm phần bình ổn. Ụ pháo ở tầng trên bằng gỗ, dạng như tường thành thấp, bố trí súng pháo, nắp ụ bằng gỗ ôm vòng, mui thuyền dày 2 xích [~64cm], đỉnh có lỗ thông trời, không khí lưu thông.Một loại là bức vẽ “Đại sư thuyền của nước An Nam”, thân thuyền dài ước 14 trượng [~46m], rộng chừng 2 trượng thêm 1 hoặc 2 xích [~6,7 - 7m], khoang thuyền sâu ước hơn 1 trượng [3,2m], đầu thuyền đuôi thuyền ngang nhau, dây neo thuyền dùng máy trục đứng [ba lăng/capstan], ván đáy thuyền dày hơn 5 thốn [~16cm], ván be dày hơn 7 thốn [~23cm], vành thuyền dày hơn 1 xích (~32cm), dùng gỗ cứng. Vành thuyền gồ ra 6 thốn [~20cm], gỗ làm vách thuyền dày dặn chắn được đạn pháo, bên trong khoang thông với vách hầm chứa thuốc súng, trên khoang đặt pháo lớn. Khoang phía sau, ở giữa và hai bên đặt thùng nước, thùng cách nhau 2 xích [64cm], không để ẩm ướt, dùng thùng gỗ đựng chứa, không dùng đồ sành. Thuyền có 2 cột buồm, cột gồm 2 đoạn, dùng then tre nối tiếp giữ cột đứng thẳng. Thuyền này kiểu thức giống như thuyền Anh, so với Ngư thuyền thì lớn hơn, [cả hai] đều là thuyền lớn của An Nam.Một loại là “Bố thoa thuyền An Nam”, hình dáng như thuyền Di, kiểu tam bản nhỏ. Dài khoảng 3 trượng [~10m], rộng 6 xích [~2m], hai bên hông mỗi bên hơn 10 mái chèo, ở đầu thuyền đuôi thuyền đều đặt một khẩu tử mẫu pháo [súng bắn lựu đạn], hơn 20 lính bắn súng. Hai đầu thuyền đặt bánh lái, đầu đuôi không phân biệt, tùy nghi tới lui.Một loại là bức vẽ “Đại đầu tam bản thuyền của An Nam”, là loại cùng với Bố thoa thuyền dẫn đầu hiệp công, phần đầu thuyền rất kiên cố, ngoài gắn thêm mái chèo hình chữ bát (八), bọc nhiều lớp da trâu.Phần đầu thuyền cao hơn đuôi thuyền 2 xích [64cm], khi đạn bắn tới không thể đả thương người trong thuyền, be thuyền hai bên cao ngang đầu người chèo, đầu thuyền đặt cỗ pháo ngàn cân, hai bên đuôi thuyền đều đặt tử mẫu pháo, hơn 20 lính chèo, cầm lái 1 người, một số lính pháo, một số lính súng, toàn thuyền có hơn 30 người. Thân thuyền dài hơn 3 trượng [~10m], rộng 7 hoặc 8 xích [~3,5 - 3,8m], ván thuyền dùng gỗ cứng dày khoảng 2 thốn [~6,4 cm]. [Nói về] thuyền này [Đại đầu tam bản thuyền] cùng với Thoa thuyền [Bố thoa thuyền], người Việt Nam cho rằng là cách thức mà Minh Thái Tổ dùng thuyền nhỏ phá thuyền lớn của Trần Hữu Lượng. Khi Anh xâm phạm, Việt Nam nhờ mấy thuyền này mà thắng. Đây là loại thuyền không ngại sóng gió, di chuyển như bay.Một loại là bức vẽ “Xa luân thuyền”, trước sau đều có khoang, gắn hai bánh xe, bánh xe 6 răng, răng bánh xe ngang với đáy thuyền.Tâm xe 6 góc, thùng xe dài 3 xích [~90,6cm], trong thuyền hai người chịu vai dùng sức đẩy, khi chuyển động tức răng bánh xe quạt nước, chạy tợ như bay, cũng có thể dùng chân đạp như dạng xe nước. Thuyền dài 1 trượng 7 xích 5 thốn [~5,6m], bụng thuyền rộng 5 xích [1,6m], be gỗ hai bên thuyền nhô ra 1 xích 1 thốn [~35cm]. Đầu đuôi thuyền có mui gỗ, khoảng giữa là mui tre, từ nóc mui tới đáy thuyền hơn 6 xích [~1,9m], một nửa dưới mặt nước. Như thuyền nhẹ thì lấy đá chất cho khẳm, khi đáy thuyền nhập thủy 1 xích tức bánh xe nước nhập thủy 1 xích.Xét 4 loại thuyền An Nam kể trên, Bố thoa thuyền và Đại đầu tam bản thuyền dài chỉ 3 trượng [~10m], chèo đi rất nhanh, tới lui theo ý, kỳ thực tương tợ như trát thuyền, mà không phải tên trát thuyền. Nếu như phỏng theo 4 loại thuyền An Nam này, chế tạo 1/3 số thuyền theo kiểu đại sư thuyền và ngư thuyền, 2/3 theo kiểu bố thoa thuyền và đại đầu tam bản thuyền, chọn vật liệu cứng tốt, chuẩn bị sẵn súng pháo, tuyển chọn người mạnh khỏe bơi lặn giỏi, luyện tập thường xuyên. Phân bố [đội thuyền] ở Hổ Môn tỉnh Quảng Đông, Hạ Môn ở Phước Kiến, Trấn Hải và Sạ Phố ở Chiết Giang, Thượng Hải ở Giang Tô, Thiên Tân ở Bắc Trực Lệ, nhắm vào những nơi quân Anh ghé đến, [thuyền] dài ngắn lớn nhỏ phối hợp phòng vệ, chỉ cần từ cửa biển, từ nội dương đánh ra, bên kia sao có thể múa gậy vườn hoang, vô cớ xông vào nội địa.(PHẠM HOÀNG QUÂN dịch)Bản dịch căn cứ theo bản Cổ Vi Đường khắc in năm Hàm Phong, Nhâm Tý (1852); đối chiếu với bản khắc có Lời tựa của Tả Tông Đường đề năm Ất Hợi 1875, do Ngụy Quang Thọ (cháu nội Ngụy Nguyên) in lại năm Quang Tự thứ hai (1876), lưu tại Thư viện Đại học Waseda. Người dịch không chuyên môn về tàu thuyền, mong độc giả sở trường lãnh vực này đối chiếu bản gốc giúp góp ý điều chỉnh. Tags: Phạm Hoàng QuânChiến thuyềnChiến thuyền thời NguyễnHải quốc đồ chíUông Trọng DươngLâm Tắc Từ
Tình báo Ukraine: Triều Tiên gửi 100 tên lửa đạn đạo tầm ngắn cho Nga UYÊN PHƯƠNG 26/11/2024 Cơ quan Tình báo quốc phòng Ukraine (DIU) cáo buộc Triều Tiên gửi 100 tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) cho Nga.
Khởi tố, bắt 4 bị can gồm 2 giám đốc trong vụ án nhận hối lộ ở Nha Trang PHAN SÔNG NGÂN 26/11/2024 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa vừa khởi tố, bắt tạm giam 4 bị can liên quan việc đấu thầu thi công các dự án do Công ty TNHH Dũng Lợi thực hiện trên địa bàn TP Nha Trang.
Sửa thuế thu nhập cá nhân lạc hậu: Phải chờ đến... 2026! LÊ THANH 26/11/2024 Phải có quy định cho phép người nộp thuế thu nhập cá nhân được trừ lãi vay mua nhà, tiền học, khám chữa bệnh của người nộp thuế và của con cái họ.
Nhận hối lộ gần 6 tỉ, luật sư đề nghị áp dụng biện pháp hình sự đặc biệt với cựu vụ phó Anh Tuấn TUYẾT MAI 26/11/2024 Sáng 26-11, phiên tòa xét xử vụ sai phạm tại Công ty Xuyên Việt Oil và các đơn vị liên quan. Bào chữa cho ông Hoàng Anh Tuấn (cựu vụ phó Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương), luật sư đề nghị áp dụng biện pháp hình sự đặc biệt với ông Tuấn.