Lễ khánh thành công trình thế kỷ này sẽ được tổ chức long trọng với sự có mặt của Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Italy Matteo Renzi cùng hơn 1.100 khách mời và 300 nhà báo trên toàn thế giới. Hiện các công tác chuẩn bị cho sự kiện, nhất là về mặt an ninh, đã hoàn tất.
Hầm Gothard gồm hai hầm đơn, mỗi hầm tương ứng với một tuyến đường ray. Sau 17 năm thi công, công trình thế kỷ này được khoan sâu trong lòng núi với mục tiêu trở thành một trong những tuyến đường xuyên núi Alpe quan trọng nhất nối liền Bắc và Nam Âu.
Với việc Gothard được ấn định đưa vào vận hành thương mại trong tháng 12 năm nay, những chuyến tàu chở khách qua đây có thể chạy tốc độ tối đa 250 km/h, tương đương vận tốc của tàu cao tốc TGV của Pháp, trong khi tàu chở hàng có thể vận hành với vận tốc tối đa 160km/h. Nhờ vậy, thời gian di chuyển từ thành phố Zurich (Thụy Sĩ) đến Milan (Italy) sẽ rút ngắn được khoảng 1 giờ so với 3 giờ rưỡi như hiện tại. Bên cạnh đó, Gothard còn giúp rút ngắn thời gian đối với những chuyến du lịch bằng tàu hỏa giữa các thành phố lớn của Đức và Italy, chẳng hạn tàu đi từ Hamburg (Đức) đến Rome sẽ chỉ mất 14 giờ rưỡi, thay vì 17 giờ rưỡi.
Ước tính, đường hầm tàu hỏa Gothard sau khi được đưa vào vận hành sẽ đón trung bình 6,5 triệu lượt khách mỗi năm. Mỗi ngày sẽ có từ 50 đến 80 tàu chở khách qua hầm. Hàng hóa vận chuyển qua khu vực này ước đạt 49 triệu tấn/năm với khoảng 220 đến 260 chuyến tàu hàng mỗi ngày. Thời gian khai thác hầm dự kiến trong khoảng 1 thế kỷ.
Được khởi công và thực hiện với độ chính xác cao từ cuối những năm 1990 với chi phí xây dựng hơn 12 tỷ francs Thụy Sĩ, hầm Gothard được đánh giá là dự án đầu tư lớn nhất trong lịch sử Thụy Sĩ. Công trình được tất sớm hơn một năm so với kế hoạch này là thành quả từ quá trình lao động của gần 2.600 kỹ sư và công nhân trong điều kiện khắc nghiệt, bởi độ ẩm trong hầm thường ở mức 70%. Trong quá trình thi công, 13 triệu m3 núi đá đã được đào và di dời, khối lượng tương đương với 5 kim tự tháp Cheops của Ai cập.
Gothard đã được sách kỷ lục Guiness công nhận là đường hầm tàu hỏa dài nhất thế giới. Công trình này còn giữ cả kỷ lục về độ sâu trong lòng núi, với 2,3km, sâu hơn nhiều so với đường hầm Seikan của Nhật Bản, chỉ ở mức 240m.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận