Phóng to |
Thùy Dung đến với quần vợt năm 12 tuổi với mục đích rèn luyện sức khỏe. Nhưng cô gái Hà Nội này nhanh chóng chứng tỏ được năng khiếu và từng thống trị quần vợt nữ VN từ năm 2006-2009. Cô cũng là tay vợt nữ VN đạt hạng 612 thế giới và từng ba lần vào bán kết các giải thuộc hệ thống WTA.
Thành công này đến từ tiền tỉ mà gia đình Thùy Dung đầu tư cho cô tầm sư khắp thế giới, từ Học viện Vic Braden danh tiếng (Mỹ) đến Học viện Sutton (Anh) rồi Asia Tennis tại Thái Lan. Đặc biệt, Thùy Dung còn được thọ giáo HLV Dominick - người từng góp phần tạo nên “tàu tốc hành” Roger Federer.
Để đeo đuổi niềm đam mê quần vợt, 15 tuổi Thùy Dung phải rời xa gia đình một mình vào TP.HCM theo nghiệp VĐV quần vợt với nỗi cô đơn. Hằng ngày, Thùy Dung lủi thủi với thời khóa biểu đơn điệu ăn uống - ngủ nghỉ - tập luyện. Nhưng sau khi có đủ mọi danh hiệu cao nhất của quần vợt VN, lửa đam mê của Thùy Dung vụt tắt và tuyên bố giã từ sự nghiệp năm 2010 dù đang ở đỉnh cao. Kể từ đó cuộc đời Thùy Dung chuyển sang một chương khác: thương trường.
Sau đó, Thùy Dung cùng vài người bạn mở nhà hàng Aiya - Thế giới ăn vặt. Nhờ bắt đúng mạch thị hiếu và biết cách tiếp thị, con đường kinh doanh của cô phát triển khá tốt và chuỗi nhà hàng Aiya hiện đã có bốn chi nhánh. Với Thùy Dung, bấy nhiêu vẫn chưa đủ bởi cô luôn muốn tự lực trong kinh doanh như sự quyết đoán trên sân đấu trước đây. Thế là Thùy Dung chia tay Aiya để mua lại một cửa hàng thuộc hệ thống Iyo chuyên phục vụ kem, yaourt, thức ăn gần một năm nay. Tự làm cô chủ, Thùy Dung phải đầu tư rất nhiều về tiền bạc lẫn công sức. Mỗi ngày của Thùy Dung bắt đầu từ rất sớm để kịp mở cửa hàng lúc 6g, sắp xếp công việc cho nhân viên rồi tranh thủ đi học, tập golf... 23g, cô là người đóng cửa cửa hàng ra về cuối cùng và phải sau 24g mới có thể đi ngủ sau khi kết toán mọi sổ sách trong ngày.
Tại tiệm Iyo trên đường Nguyễn Văn Thủ (Q.1, TP.HCM), cô chủ quán Thùy Dung - người từng được ví là “Sharapova của VN” - không ngơi tay với công việc. Thùy Dung nói: “Khi đứng ra tự kinh doanh, mọi thứ đối với tôi đều mới mẻ, từ giấy tờ thủ tục, tuyển dụng nhân viên... Thậm chí phải học pha chế thức uống để có thể tự mình đứng quầy bán khi đông khách. Có những việc tưởng chừng rất đơn giản nhưng cũng phải học như pha chế yaourt, rửa máy... Có như vậy tôi mới quản lý được quán của mình”.
“Nếu trong quần vợt, tôi phải giành chiến thắng thật nhiều để tạo nên tên tuổi của mình thì với Iyo, tôi phải biết cách quan hệ, tiếp thị để có được chỗ đứng trong lòng khách hàng. Nói chung, tôi phải vừa làm vừa tự mày mò học tập. Hiện tôi đang theo học lớp quản trị kinh doanh ẩm thực để có thêm kiến thức làm tốt công việc của mình” - Thùy Dung nói. Với việc kinh doanh đang phát đạt, Thùy Dung đã lên kế hoạch cho ra đời một chuỗi nhà hàng phục vụ đối tượng thanh niên với phong cách trẻ, sang trọng của riêng mình trong tương lai gần. Đó mới là cái đích Thùy Dung đang hướng tới.
Song song với công việc kinh doanh tại TP.HCM, Thùy Dung đang dự định cùng gia đình mở một trung tâm quần vợt tại Hà Nội để có thể không “đứt mạch” với quần vợt dù cô đã rời sân đấu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận