Từ ngày khởi công cách đây 9 năm, dự án Xayaburi ở Lào vấp phải nhiều phản đối từ người dân và các nhà hoạt động môi trường - Ảnh: CHIANG RAI TIMES
Như vậy, sau 9 năm ròng xây dựng, dự án thủy điện Xayaburi công suất 1.285 megwatt ở Lào đã bắt đầu hoạt động thương mại từ ngày 29-10.
Ở nước láng giềng Thái Lan, người dân phản đối quyết liệt vì lo đập nước này sẽ hủy diệt sinh kế của họ.
Một cách trùng hợp, trong những ngày đập Xayaburi chạy thử nghiệm cho đến vận hành chính thức hôm qua, nhiều đoạn sông Mekong chảy qua Thái Lan, Campuchia... khô cạn ở mức kỷ lục dù mùa mưa chưa kết thúc.
Dưới sức ép dư luận, công ty CK Power của Thái - đơn vị tham gia xây dựng, vận hành đập Xayaburi - phủ nhận đã gây ra tình trạng thiếu nước, và đá quả bóng trách nhiệm sang... các đập Trung Quốc trên thượng nguồn Mekong (sông Lan Thương theo cách gọi của phần chảy tại Trung Quốc).
Theo kế hoạch, Xayaburi sẽ bán 95% sản lượng điện cho Thái Lan với giá trung bình 2 baht (1.531 đồng VN) mỗi đơn vị. Đây là con đập đầu tiên trong một loạt 9 dự án thủy điện Mekong đang xây hoặc đã lên kế hoạch ở Lào.
Sông Mekong đoạn chảy qua Thái Lan cạn trơ đáy gần cuối mùa mưa - Ảnh: CHIANG RAI TIMES
Trong khi các nước hạ lưu Mekong chưa biết làm thế nào với ảnh hưởng từ 11 con đập trên lãnh thổ Trung Quốc, các nhà môi trường lại cảnh báo hàng loạt dự án trên đất Lào và Campuchia sẽ đẩy nhanh hơn tốc độ cuộc khủng hoảng nước ở vùng Hạ Mekong.
"Khi đập Xayaburi chính thức phát điện, chúng ta không thể biết dòng sông sẽ thay đổi ra sao" - nhà hoạt động người Thái Montri Chanthawong lo lắng.
Theo báo Chiang Rai Times, cách Xayaburi khoảng 150km về phía nam, làng chài Ban Namprai đang trải qua năm khô hạn nhất trong lịch sử.
Dân làng cho biết mực nước sông Mekong thường cao ít nhất 3m vào thời điểm hiện tại - tức cuối mùa mưa, nhưng năm nay nước cạn đến mức họ phải hủy lễ hội đua thuyền rồng truyền thống.
Nông dân và ngư dân Thái mô tả kể từ tháng 3-2019, khi Xayaburi lần đầu chạy thử nghiệm các tua-bin phát điện, họ chứng kiến nước sông Mekong biến động chưa từng có, và hiện tượng này không thể giải thích chỉ bằng cụm từ "hạn hán".
"Tôi sợ tương lai dòng sông quá mờ mịt. Đây chỉ là mới bắt đầu. Càng thêm nhiều đập, dòng Mekong một thời hùng mạnh sẽ trở thành cái lạch nước" - ông Sangtong Siengtid, 45 tuổi, trưởng làng Namprai, trăn trở.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận