18/04/2012 07:26 GMT+7

Thủy điện Sông Tranh 2: Chuyên gia nói khác nhà thầu

NHÓM PV ĐÀ NẴNG
NHÓM PV ĐÀ NẴNG

TT - GS.TS Nguyễn Thế Hùng - phó chủ tịch Hội Cơ học thủy khí VN, tổ trưởng bộ môn cơ sở kỹ thuật thủy lợi, khoa xây dựng thủy lợi - thủy điện Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng - cho rằng vết trám phía thượng lưu chính là vết nứt. Nhưng phía nhà thầu lại nói đây là khe nhiệt.

IeKaaH9v.jpgPhóng to

Công nhân của nhà thầu bít trám bằng ximăng trên mặt đập phía thượng lưu (ảnh chụp tại vị trí được đánh dấu số 25) - Ảnh: Đ.Nam

Xem video
Chiều 17-4, ngay sau khi tận mắt chứng kiến những bức ảnh chụp cận cảnh các vết hở chạy dọc từ đỉnh đập xuống đến mặt nước phía mặt thượng lưu của đập thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam), GS.TS Nguyễn Thế Hùng khẳng định với Tuổi Trẻ: “Những chứng cứ này cho thấy đây là dấu vết để lại của vết nứt hở bêtông chứ không phải là dấu của khe nhiệt, bởi dấu của khe nhiệt là thẳng đều”.

Lý giải nguyên nhân xuất hiện các khe nứt, theo GS Hùng, có thể là do các trận động đất kích thích trước đó gây nên, nhưng cũng có thể do việc lún sụt nền móng... dẫn đến thân đập bêtông bị rạn nứt. Nếu trong tương lai khu vực này vẫn tiếp tục xuất hiện động đất kích thích thì rất nguy hiểm cho sự an toàn của thân đập, bởi lẽ sự dịch chuyển của vỏ Trái đất sẽ kéo theo sự dịch chuyển của thân đập.

Cũng theo GS Hùng, nếu sự cố trên không được kịp thời khắc phục sớm, việc tích nước vào mùa mưa tới của thủy điện Sông Tranh 2 sẽ rất nguy hiểm cho hạ lưu, nguy cơ xói lở thân đập theo các khe nứt là rất lớn. Từ thực tế đó, GS Hùng nhận định: “Bệnh tình của con đập lúc này là nguy hiểm. Cần thiết phải có một hội đồng gồm các chuyên gia (về địa chất, nền móng, địa chấn, thủy lực, kết cấu, thi công, chuyên gia có kinh nghiệm xử lý chống thấm) để hội chẩn và đề ra phương pháp xử lý thích hợp. Nếu không xử lý xong trước mùa mưa lũ, không thể tích nước và không thể lường trước sự cố vỡ đập”.

Theo ghi nhận của PV tại hiện trường, ở phía hạ lưu hàng chục công nhân đang chui vào đường hầm để tiếp tục khắc phục sự cố, thu gom nước vào các đường ống. Trong khi đó ở phía trên mặt đập phía thượng lưu, hai chiếc cẩu lớn thả các rọ sắt đưa công nhân xuống sát mặt nước để sửa chữa đập. Các công nhân này dùng ximăng trét, trám các vết hở được cho là của các khe nhiệt số 25 và 26. Tuy nhiên theo quan sát của Tuổi Trẻ, các vết hở này khá lớn, cong quẹo không theo một phương thẳng đứng cố định.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Võ Duy Minh - giám đốc chi nhánh miền Trung của Tổng công ty Xây dựng thủy lợi 4 (đơn vị tổng thầu xây dựng đập thủy điện Sông Tranh 2) - cho biết việc khắc phục sự cố ở đập thủy điện Sông Tranh 2 đang được triển khai theo chỉ đạo của Hội đồng nghiệm thu nhà nước. Theo đó, đã hoàn tất bước 1 (thu gom nước vào hành lang thu nước, thông ống thoát nước và khoan thu nước). Riêng bước 2 (phần xử lý chống thấm triệt để) đang chờ phía các cơ quan chuyên môn đưa ra phương án, song khi nào có phương án xử lý này thì ông Minh không trả lời.

Theo ông Minh, các vết hở phía thượng lưu là vết hở của khe nhiệt. Theo quan trắc toàn thân đập cho thấy hiện có khoảng 10 (trong số 30 khe nhiệt) có vết hở lớn (từ 2-4mm) và có thể nhìn bằng mắt thường. Ông Minh cho rằng “các vết hở như trên là được phép trong thiết kế”. Trả lời câu hỏi tại sao các vết hở của khe nhiệt lại không thẳng mà cong vẹo, ông Minh nói là do trong quá trình thi công các vách ngăn bị xô lệch và dịch chuyển chút ít trong mức cho phép.

NHÓM PV ĐÀ NẴNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên