26/05/2017 09:13 GMT+7

Thủy điện Sông Ba Hạ: Cú xả nước chưa từng có trong 40 năm

TRUNG TÂN
TRUNG TÂN

TTO - Ông Cao Minh Hòa - phó bí thư thường trực Huyện ủy Sơn Hòa, Phú Yên - nói như vậy trong buổi làm việc với đoàn công tác Bộ Công thương về vụ thủy điện Sông Ba Hạ xả nước khiến 4 học sinh tử vong.

Đoạn sông các em học sinh tắm và gặp nạn - Ảnh: TRUNG TÂN
Đoạn sông các em học sinh tắm và gặp nạn - Ảnh: TRUNG TÂN

“Tôi ở đây 40 năm rồi, chưa thấy năm nào mùa kiệt mà nước về như mùa lũ, vậy nó mới bất ngờ. Nghe các cháu kể khi nước về các cháu định leo lên một tảng đá, nhưng do sợ ngập nên chạy vào bờ vẫn không kịp, nghe mà đau lòng lắm” - ông Hòa đau xót.

“Mùa kiệt mà nước về như lũ”

Theo ông Hòa, thủy điện thông báo xả với lưu lượng gần 400 m3/s vào ngày 24-5 là quá lớn, chưa từng thấy trong mùa khô nhiều năm qua.

“Đoạn sông Ba từ thủy điện về nơi các cháu gặp nạn (ông Hòa nói khoảng 4km) rất dốc, hẹp nên tốc độ nước chảy rất nhanh, vô cùng nguy hiểm” - ông Hòa phân tích.

Giải thích về việc này, ông Đặng Văn Tuần - tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Sông Ba Hạ - nói quy trình vận hành liên hồ chứa với lưu lượng nước về 400 m3/s/ngày thì phát dưới 8 tiếng 1 ngày, tùy công suất.

Theo đó, công ty căn cứ vào lượng nước về hồ các ngày trước để chạy máy và chào giá cạnh tranh trên thị trường. Nước về nhiều thì công ty sản xuất, chạy máy nhiều để tăng lợi nhuận.

“Đây là hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường của công ty, đúng theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương” - ông Tuần nói.

Cũng theo ông Tuần, dù tăng sản lượng sản xuất để chào hàng cạnh tranh trên thị trường, nhưng thời điểm xảy ra tai nạn nhà máy chỉ chạy 194MW (cả hai tổ máy), đạt khoảng 90% công suất.

Còn ông Tô Xuân Bảo - phó cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp, Bộ Công thương - thông tin trong ngày 24-5, thủy điện Sông Ba Hạ vận hành phát điện thông thường theo kế hoạch.

“Tuy nhiên, công tác cảnh báo để đảm bảo an toàn cho người dân hạ lưu chưa tốt nên xảy ra tai nạn” - ông Bảo nói.

Nói thêm về việc này, ông Phạm Đình Phụng - phó chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa - cho rằng nhà máy xả nước theo kế hoạch sản xuất kinh doanh, theo điều động của Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) nhưng dọc sông Ba là vùng sản xuất của nhiều hộ dân, người dân cũng tranh thủ lúc nước rút xuống mò cua bắt ốc mà đột ngột xả nước lớn thì quá nguy hiểm.

Ông Cao Minh Hòa nói thêm thủy điện xả nước, chạy máy theo kế hoạch thì chỉ nhà máy và Bộ Công thương biết, chứ địa phương và người dân không hay.

“Mùa lũ thì bà con ở đây quen rồi, còn mùa hè mà xả nước bất ngờ như vậy nên bà con không biết, sẽ rất nguy hiểm” - ông Hòa phản biện.

Ông Nguyễn Văn Chế (65 tuổi, trú thị trấn Củng Sơn, ông ngoại cháu Cao Triệu Nguyên) cho biết dòng sông Ba (đoạn gần cầu Sông Ba) mùa hè nước rất cạn, người dân có thể đi bộ qua sông.

“Bất ngờ nước trên thượng nguồn đổ về, cháu ngoại tôi và các cháu khác chạy không kịp. Nếu được cảnh báo, cháu tôi và những học sinh khác đã không gặp nạn” - ông Chế đau xót.

Sao không cảnh báo vào mùa hè?

Trả lời về việc xả nước không thông báo, cảnh báo cho người dân, chính quyền địa phương, ông Bảo cho biết việc cảnh báo của các thủy điện chỉ diễn ra trong mùa lũ, không có quy định cảnh báo vào mùa kiệt.

“Nhà máy đã có hệ thống cảnh báo mùa lũ rồi, cứ lấy quy trình đó áp dụng để cảnh báo quy trình chạy máy, thay đổi lưu lượng. Trước 30 phút chạy máy, tăng lưu lượng mình hú một cái, có tắm dưới sông cũng hoảng hốt mà chạy lên chứ. Bây giờ cũng chưa muộn, cần điều chỉnh để tránh những chuyện đau lòng” - ông Hòa đề nghị.

Đồng ý về việc cần điều chỉnh quy trình cảnh báo xả nước vào mùa hè nhưng ông Đào Tấn Cam - giám đốc Sở Công thương Phú Yên - cho biết sẽ rất khó khăn vì sông Ba Hạ từ nhà máy về hạ du dài hơn 60km. Hơn nữa, lệnh điều độ của A0 rất đột ngột, khó có thể thông báo trước 30 phút mỗi lần thay đổi lưu lượng xả.

“Trước mắt, tỉnh cần có văn bản chỉ đạo ngành giáo dục quản lý học sinh trong việc không để các em ra tắm sông, hồ khi được nghỉ học” - ông Cam đề xuất.

Ông Trần Hữu Thế - phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên - yêu cầu Sở Công thương phối hợp với Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ đề xuất quy trình cảnh báo trong việc chạy máy, xả nước trong mùa hè trình Bộ Công thương xem xét.

“Hiện nay, việc cảnh báo mùa lũ qua hệ thống loa, tin nhắn điện thoại nên rất tốt. Tuy nhiên cứ sau lũ là có tai nạn vì người dân không nắm được lịch trình xả nước. Vì vậy Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ cần tận dụng các phương tiện cảnh báo mùa lũ để có quy trình cảnh báo việc chạy máy, thay đổi lưu lượng nhằm cảnh báo cho dân, tránh những tai nạn thương tâm” - ông Thế chỉ đạo.

Lưu lượng xả nước 360 m3/s

Theo báo cáo của Công ty cổ phần thủy điện Sông Ba Hạ, lúc 7h06 sáng 24-5 nhà máy bắt đầu phát điện tổ máy (đạt công suất 66 MW), tương đương lưu lượng qua tổ máy là 120 m3/s. Đến 8h09 tiếp tục phát tổ máy thứ 2 (đạt công suất 66 MW), tương đương lưu lượng qua tổ máy là 120 m3/s.

Tổng lưu lượng khi phát 2 tổ máy là 240 m3/s. Đến 9h09, nhà máy tăng công suất tổ máy theo lệnh của A0 với tổng lưu lượng nước qua hai tuôcbin là 360 m3/s, khiến bốn học sinh gặp nạn.

Sau sự cố, đến 9h50 nhà máy dừng hoàn toàn hai tổ máy. Nhà máy thủy điện này cũng đề xuất Thường vụ Tỉnh ủy cho nhà máy hoạt động trở lại để tiếp tục sản xuất kinh doanh.

Trước đó sáng 24-5, do được nghỉ học, một nhóm 7 học sinh nam lớp 6A1 Trường THCS thị trấn Củng Sơn (huyện Sơn Hòa) rủ nhau đến khu vực thác Thá giữa sông Ba để chơi. Nước từ thượng nguồn về đột ngột, 4 em Trương Sỹ Lâm, Cao Triệu Nguyên, Đoàn Anh Quân, Phạm Xuân Luật bị nước cuốn trôi, 3 em trên bờ thoát nạn.

Huyện Sơn Hòa tổ chức tìm kiếm từ chiều 24-5 và đến sáng 25-5 đã tìm kiếm được thi thể bốn học sinh.

TRUNG TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên