Với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, lưu vực sông Mê Kông hiện nay và trong tương lai giữ một vai trò quan trọng, không chỉ trong phát triển kinh tế của mỗi quốc gia ven sông mà còn cả trong phát triển hợp tác kinh tế và chính trị trong khu vực.
Riêng về thủy điện, lưu vực sông Mê Kông có tiềm năng về thủy năng rất lớn cả trên dòng chính và dòng nhánh. Vì vậy, những quốc gia ở phía thượng nguồn con sông này đã, đang và sẽ xây dựng nhiều dự án trên dòng chính. Cùng với đó, phần hạ lưu cũng đang bị “bóp nghẹt” bởi nhiều dự án thủy điện ở dòng nhánh. Một số dự án dòng chính, khu vực được coi là “nút thắt cổ chai” luồng di cư của các loài thủy sản.
Việc xây dựng các con đập này trên dòng sông Mê Kông đã và đang gây ra một loạt tác động mạnh mẽ và trực tiếp tới người dân của nhiều quốc gia, đặc biệt là những người dân sinh sống tại vùng hạ lưu con sông như Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó tác động lớn nhất chính là việc ảnh hưởng đến các loài cá và nghề cá trên sông Mê Kông.
Từ dòng sông giàu cá…
Sông Mê Kông là một dòng sông độc đáo trên thế giới do sự khác biệt rõ rệt giữa mùa khô và mùa mưa. Với sự chênh lệch về lượng mưa theo mùa, lưu lượng nước mùa mưa vào khoảng tháng 8-9 cao gấp 30 lần lưu lượng mùa khô vào tháng 3-4, tạo ra môi trường và sinh cảnh sông hoàn toàn khác nhau giữa mùa khô và mùa nước, dẫn đến sự đa dạng về điều kiện sinh thái của cá và các loài thủy sinh.
Hiện nay, mới có 781 loài cá được định danh trên lưu vực này. Riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, do có sự giao thoa giữa sông và biển nên sự đa dạng loài cá là rất cao. Các chuyên gia ước tính khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có tới 486 loài cá rất đa dạng về kích thước, từ các loài khổng lồ dài vài mét, nặng tới 300 kg, đến các loài kích thước nhỏ vài cm. Cá có vai trò thiết yếu về an ninh thực phẩm ở vùng hạ lưu Mê Kông.
Ước tính một năm, người dân khu vực này đánh bắt được 2 triệu tấn cá và 0,5 triệu tấn thủy sản khác. Bên cạnh đó, nuôi trồng thủy sản cũng mang lại 2 triệu tấn cá/năm. Do vậy, khu vực hạ lưu sông Mê Kông hàng năm mang lại 4,5 triệu tấn cá và thủy sản. Nghề cá đóng góp quan trọng vào chiến lược đa dạng hóa đời sống cho nhiều người, cụ thể là người nghèo dựa chủ yếu vào dòng sông và các tài nguyên từ dòng sông để sinh sống.
* … Đến khả năng cạn kiệt không bù đắp nổi
Các nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng các đập ảnh hưởng đến các hệ thống sinh thái và thủy văn. Các con đập như một hàng rào chắn đối với sự di chuyển của loài cá.
Việc xây dựng các con đập còn làm gián đoạn chu kỳ lũ tự nhiên mà các loài cá đã thích nghi hàng ngàn năm; làm cứng lòng sông do tầng đá nền ở dưới đập lộ ra và mất giá trị làm nơi sinh sống cho loài cá. Đập cũng giữ lượng trầm tích ở lại, làm mất một nguồn dinh dưỡng cho cá, làm thay đổi nhiệt độ, gây ảnh hưởng trực tiếp đến số lượng và sinh sống của loài cá.
Cũng theo các chuyên gia, hệ thống đập sẽ làm đảo lộn “tín hiệu dòng sông”, vùng hạ lưu Mê Kông và Đồng bằng sông Cửu Long có bốn mùa nước, hai mùa chính là mùa nước nổi và mùa khô, hai mùa phụ chỉ kéo dài vài tuần là hai mùa chuyển tiếp giữa hai mùa chính. Các mùa chuyển tiếp có vai trò rất quan trọng trong toàn bộ hệ sinh thái. Khi đó cá và các loài sinh vật nhận được “tín hiệu dòng sông” để bắt đầu di cư, sinh sản, hoặc thực hiện các hoạt động khác trong chu trình sống. Ví dụ, nước lên thì điên điển mới trổ bông, cá mới di cư đẻ trứng. Nếu các đập thủy điện Mê Kông xây dựng, do tác động tích và xả nước của các đập thủy điện, các mùa chuyển tiếp này sẽ bị rút ngắn hoặc biến mất hoàn toàn, mùa khô sẽ chuyển sang mùa nước và ngược lại. Sự chuyển tiếp cũng sẽ diễn ra đột ngột trong vài ngày. Khi đó các loài sinh vật sẽ bị rối loạn về mùa và không thể thực hiện được các hoạt động trong chu kỳ sống như di cư, tìm mồi, sinh sản…
Hệ thống đập còn tác động đến thủy sản biển ở Đồng bằng sông Cửu Long. Thủy sản biển đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, với sản lượng khoảng 500 - 726 nghìn tấn/năm. Theo ước tính, mỗi năm khoảng 100 triệu tấn phù sa kèm theo 16 nghìn tấn dinh dưỡng được đưa vào vùng nước ven biển ở Đồng bằng sông Cửu Long. Việc các đập thủy điện lưu giữ phù sa sẽ có ảnh hưởng lớn đến sản lượng thủy sản biển và ngành đánh bắt, thương mại thủy sản của ViệtNam. Điều này cũng ảnh hưởng lớn đến ngành thủy sản nuôi ở Việt Nam vì mất nguồn protein từ các tạp biển làm thức ăn cho cá nuôi.
Vẫn biết thủy điện lâu nay được coi là một nguồn “năng lượng lớn”, vì có thể tái tạo và không phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất. Thêm nữa, các đập nước trên lý thuyết còn giúp kiểm soát dòng chảy, điều chỉnh lưu lượng nước, phòng chống lũ lụt hay hạn hán tại hạ nguồn; giúp phát triển nông nghiệp. Nhưng việc phát triển thủy điện trên các dòng sông lớn như Mê Kông sẽ là "lợi bất cập hại", nên cần có sự tham gia nghiên cứu kỹ lưỡng của tất cả các quốc gia từ thượng nguồn đến hạ lưu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận