Thủy điện Sông Tranh 2 tiếp tục điều tiết nước chiều 9-11 - Ảnh: MẠNH TRƯỜNG
Theo thống kê của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tiềm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, mực nước trên sông Vu Gia lúc 7g ngày 10-11 là 7,51m mức báo động 2, sông Thu Bồn ở Giao Thủy là 5,56m.
Hạ du vẫn còn ngập lũ
Đến 9g giờ cùng ngày, thủy điện Sông Bung 4 xả về sông Vu Gia với lưu lượng 1.536m3/s, Sông Tranh 2 là 989m3/s, Đăk Mi 4 qua tràn 261m3/s, A Vương qua tràn 366m3/s.
Ông Nguyễn Thế Hùng, phó chủ tịch UBND TP Hội An, cho biết hiện mực nước trạm thủy văn Hội An đo được hơn 1m, khu vực trung tâm như đường Bạch Đằng vẫn còn ngập nhẹ.
Đến thời điểm này chưa có thống kê sơ bộ nhưng được biết Hội An bị ảnh hưởng tương đối nặng do đợt lũ vừa qua.
Thời điểm mực nước đỉnh lũ ở Hội An đo được là 3,17m. "Sắp tới nghe ảnh hưởng của bão số 13 thì chính quyền và người dân của Hội An cũng lo lắng lắm. Đợt lũ vừa rồi nước ngập nhà dân rất cao mấy ngày liền, giờ khắc phục, dọn dẹp chưa xong, nhiều địa phương còn chưa dọn kịp", ông Hùng nói.
Thống kê của tỉnh Quảng Nam, đợt mưa lũ vừa qua làm hàng chục người chết, mất tích, bị thương, hàng chục nghìn ngôi nhà bị ngập lũ, nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở... Tổng thiệt hại ước tính hơn 540 tỉ đồng.
Ông Hồ Ngọc Mẫn, phó chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, xác nhận đến giờ lũ vẫn chưa rút. Một số nơi ở huyện còn ngập chia cắt các tuyến đường.
Ngày 9-11 mực nước sông Vu Gia lên lại xấp xỉ báo động 2 do các thủy điện ở thượng nguồn xả lũ. Thống kê thiệt hại ở huyện gần 56 tỉ đồng.
Lý giải chuyện vì sao nước lũ vẫn còn ngập ở địa phương mà chưa rút dù đã qua nhiều ngày, ông Mẫn nói do các thủy điện trên thượng nguồn tiếp tục xả về. Các hồ chưa đã đầy bây giờ tiếp tục vẫn phải điều tiết để hạ mực nước nên dưới hạ du lũ vẫn còn.
"Việc ngập lâu như vậy thì người dân hạ du rất khó khăn, việc ổn định lại đời sống, sản xuất của người dân bị ảnh hưởng, nhất là những vùng thấp lũ. Hiện nay chuẩn bị đón cơn bão số 13 tỉnh sẽ bị ảnh hưởng mưa lớn, vì vậy buộc các hồ chứa phải hạ mực nước, phải giảm lũ các hồ chứa. Nếu không làm như vậy mà mai mốt lượng mưa lớn nữa thì sẽ ảnh hưởng nặng cho hạ du", ông Mẫn nói.
Nhà dân ở Quảng Nam ngập lũ trong đợt lũ vừa qua. Ảnh: LÊ TRUNG
Tiếp tục điều tiết đến tối 10-11
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Lân, phó giám đốc công ty cổ phần thủy điện Sông Tranh cho biết thủy điện thực hiện đúng theo yêu cầu của tỉnh.
Hiện mực nước về hồ lúc 9g cùng ngày là 172,61m so với mực nước cao nhất trước lũ theo yêu cầu của tỉnh là 172m.
Trong hai ngày qua thủy điện phối hợp với tỉnh vừa điều tiết nhưng cũng vừa theo dõi tình hình mực nước tại Hội An, Câu Lâu để tránh trường hợp Hội An mực nước lũ cao quá sẽ bị ảnh hưởng đến APEC.
Thời điểm điều tiết cao nhất là 1.100m3/s, sau đó hạ dần xuống, bây giờ còn khoảng 460m3/s. "Chúng tôi tiếp tục điều tiết lũ đến 19g cùng ngày là đúng theo yêu cầu của tỉnh, đến tối nay đưa mực nước ở hồ về cao trình 172m", ông Lân nói.
Ông Đinh Văn Thu, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho rằng việc tỉnh ra công điện khẩn yêu cầu các thủy điện điều tiết nước là một chuyện bình thường.
Bởi vì bão số 13 sắp đến, giờ mực nước hạ thấp xuống rồi, nước ở dưới hạ du cũng thấp mà thủy điện do mấy ngày vừa rồi cắt lũ cho hạ du nên tích nước đầy trên đó.
"Bây giờ phải hạ thấp mực nước hồ chứa xuống để bão tới đón lũ trở lại cắt lũ cho hạ du, đây là một giải pháp. Nếu giả sử sắp tới Quảng Nam không mưa, mình hạ mực nước như thế này thì chắc chắn các thủy điện sẽ thiếu nước. Nếu mưa thì hứng trở lại để cắt lũ, không để cho hạ du ngập lũ nữa", ông Thu nói.
Trước đó như Tuổi Trẻ Online đưa tin, chiều 8-11, UBND tỉnh Quảng Nam đã chủ trì cuộc họp khẩn với lãnh đạo 4 thủy điện lớn (A Vương, Sông Tranh 2, Đắk Mi 4 và Sông Bung 4) và cùng ngày có công văn hỏa tốc để yêu cầu các chủ hồ vận hành đưa mực nước hồ về mực nước cao nhất trước lũ để sắp tới đón đợt lũ mới do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới để không gây lũ nhân tạo cho vừng hạ du trong những ngày tới, ảnh hưởng đến APEC.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận