Thủy điện Sông Tranh (huyện Bắc Trà My, Quảng Nam) xả lũ vào ngày 29-10 - Ảnh: NGỌC HIỂN
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Đào Trọng Tứ - trưởng ban điều phối Mạng lưới sông ngòi VN - cho hay trên sông Chu (Thanh Hóa) chỉ 15km dòng sông có tới 3 đập dự án thủy điện Cửa Đạt, Xuân Minh, Bái Thượng; hay trên sông Bồ (Thừa Thiên Huế) trong khoảng 15km cũng có tới 3 nhà máy thủy điện nhỏ Rào Trăng 4, Rào Trăng 3 và Alin B2. Về mặt kinh tế, nhà đầu tư thủy điện rất có lợi nhưng các dòng sông đang bị băm nát, luôn có nguy cơ gây lũ dữ mỗi khi mưa lớn.
Sông, suối "khổ" vì thủy điện nhỏ
* Từng cộng tác, tham vấn để Quốc hội ban hành nghị quyết 62/2013 về thủy điện, theo ông, có nên phát triển ồ ạt thủy điện nhỏ, thủy điện bậc thang?
- Năm 2013, nghị quyết 62 đã yêu cầu đưa ra khỏi quy hoạch 424 dự án thủy điện, tạm dừng có thời hạn 136 dự án, không xem xét đưa vào quy hoạch 172 vị trí tiềm năng, tiếp tục rà soát, đánh giá 158 dự án thủy điện nhỏ. Nhưng đến nay, các thủy điện nhỏ được xây dựng vẫn có nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung, miền Nam.
Rất nhiều sông, suối đang "khổ" vì thủy điện nhỏ và vừa, ví như dòng sông Mã đoạn chạy qua Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa và nhiều hệ thống sông ở miền Trung. Việc phát triển hệ thống thủy điện nhỏ phải hết sức thận trọng, không vì lợi ích nhỏ mà tàn phá môi trường trên diện tích lớn. Khi xây dựng các thủy điện nhỏ ở vùng sâu vùng xa buộc các chủ đầu tư phải cắt chân các dãy núi để làm đường tới công trình, nên nguy cơ sạt lở núi rất lớn.
* Cả nước có 290 nhà máy thủy điện nhỏ, công suất khoảng 2.995MW đã vận hành, khai thác và đang xây thêm khoảng 138 nhà máy, công suất khoảng 1.793MW. Chúng ta có nên xem lại quy hoạch thủy điện nhỏ?
- Các thủy điện nhỏ hiện nay có công suất phát điện khoảng 10MW/nhà máy. Tuy nhiên, xây quá nhiều thủy điện nhỏ thì nguy cơ gây tai họa rất lớn, hầu hết các nhà đầu tư tư nhân khi đề xuất làm dự án đều nói đó là nguồn năng lượng sạch, mang lại lợi ích kinh tế nên địa phương dễ dàng duyệt. Nhưng đến từng nhà máy thủy điện nhỏ sẽ thấy nhiều bất cập. Các thủy điện nhỏ xây dựng ở vùng sâu vùng xa nên nhà đầu tư thường tính toán để giảm tối đa chi phí đầu tư, không loại trừ nảy sinh nhiều vấn đề về chất lượng xây dựng hồ đập.
Tôi vừa đi khảo sát tại vùng thượng nguồn sông Mã, dự án thủy điện Hồi Xuân (huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa), công suất khoảng 100MW. Vị trí xây dựng công trình nằm bên dưới và tận dụng nguồn nước từ 2 nhà máy thủy điện Trung Sơn, Thanh Trung xả xuống.
Theo tính toán, nếu dự án này phát điện sẽ đem lại nguồn thu khoảng 1 tỉ đồng/ngày, nhưng 2 năm nay nhà đầu tư đang bỏ dở dự án. Giữa thượng nguồn sông Mã chình ình một khối bêtông khổng lồ cản dòng chảy, tác động tiêu cực tới dòng sông nhưng không thấy ai chịu trách nhiệm.
Nguyên nhân của việc cấp phép ồ ạt dự án thủy điện nhỏ một phần do quy trình bổ sung dự án mới vào quy hoạch khá dễ dàng. Chỉ cần nhà đầu tư thấy có tiềm năng làm dự án là họ bằng mọi cách vận động địa phương bổ sung dự án vào quy hoạch. Dường như các thủy điện nhỏ và vừa đang được làm bằng mọi giá, nhà đầu tư chỉ cố đặt cho được tuôcbin phát điện trên sông suối để thu tiền.
Vì vậy các bộ, ngành, địa phương cần ban hành các tiêu chuẩn cụ thể về đầu tư nhà máy thủy điện nhỏ và quy định chỉ được xây dựng thủy điện nhỏ tại khu vực nào, không thể chỗ nào có tiềm năng là đặt nhà máy. Ví dụ dòng sông Nho Quế, tỉnh Hà Giang rất đẹp nhưng đang bị cắt khúc bởi hàng loạt thủy điện nhỏ và vừa.
Chỉ nên phát triển thủy điện nhỏ ở những sông suối nhỏ, không phải làm đập cao, ít tác động đến môi trường.
Loại bỏ dự án không an toàn
* Vì sao các dự án thủy điện nhỏ lại hấp dẫn đến vậy, thưa ông?
- Đáng lẽ các nhà đầu tư dự án thủy điện phải trả đủ chi phí cho các vấn đề tổn hại môi trường, đất đai làm dự án, thiệt hại rừng, bảo đảm môi trường vùng hạ lưu. Nhưng hầu hết các chi phí này đang được tính toán qua loa. Nhiều nhà đầu tư đang tận dụng kẽ hở này để có được siêu lợi nhuận khi vốn đầu tư thủy điện nhỏ không quá lớn nhưng nguồn thu lớn. Với thủy điện, cứ chặn dòng, đặt tuôcbin xuống là thu được tiền, không phải bỏ nhiều chi phí vận hành.
Các địa phương khi phê duyệt dự án thủy điện đều đặt nặng mục đích kinh tế như cấp điện sinh hoạt cho dân, đóng thuế cho địa phương. Tuy nhiên, có sự bất bình đẳng là người hưởng lợi ích kinh tế từ các dự án thủy điện nhỏ nhiều nhất là nhà đầu tư tư nhân nhưng thiệt hại nhiều nhất từ thiên tai, từ xả lũ của thủy điện nhỏ là dân vùng hạ du.
* Sự cố mưa lũ lớn tại miền Trung những ngày qua cho thấy các nhà máy thủy điện nhỏ và vừa không thực hiện được chức năng thoát lũ, cắt lũ. Khả năng gây tình trạng lũ chồng lũ, theo ông, do đâu?
- Dự án thủy điện nhỏ thường đưa mực nước chết của đập lên rất cao, tức tích nước phát điện. Trong khi lũ về, chúng thường xả thẳng xuống hạ du.
Vì thế các địa phương cần có sự kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện thoát lũ, điều tiết nước tại các dự án thủy điện nhỏ và vừa đã xây dựng. Các cơ quan quản lý nhà nước cần kiểm soát, yêu cầu các hồ chứa xả lũ đúng quy trình. Các cơ quan chức năng trung ương và địa phương cần giám sát tốt việc vận hành hồ chứa thủy điện. Bên cạnh đó, cần tính toán lại quy trình xả lũ của các dự án thủy điện hiện nay, nếu không phù hợp cần thay đổi để tránh cho vùng hạ du những tai họa.
Khi có lũ lớn, các chủ đầu tư phải xả lũ để bảo vệ công trình, nhưng hoạt động xả lũ có bảo đảm an toàn cho người dân hạ du không là vấn đề cơ quan nhà nước phải can thiệp.
Về lâu dài nên cân nhắc cấp phép bao nhiêu thủy điện trên một dòng sông là đủ, đừng chỉ thấy đặt được tuôcbin phát điện là làm nhà máy.
Nước tràn vào khu đập bị vỡ của thủy điện Ia Krel 2 (tháng 8-2014) - Ảnh: T.L.
* Từ một số sự cố thủy điện thời gian qua, cần rà soát lại vấn đề an toàn không, thưa ông?
- Các thủy điện lớn thì cơ bản đã được tính toán để bảo đảm an toàn trong vận hành, nhưng với hàng trăm thủy điện nhỏ và vừa hiện nay trên các dòng sông cần được rà soát, đánh giá lại khả năng vận hành an toàn. Kiểm tra, rà soát và xử lý nghiêm túc sẽ tránh được sự cố đáng tiếc, giảm thiệt hại. Với các dự án không an toàn buộc phải khắc phục hoặc ngừng phát điện.
Bên cạnh đó, các nhà máy thủy điện phải xây dựng hệ thống cảnh báo sớm, thông báo trước cho người dân khi nào hồ chứa xả lũ, xả bao nhiêu, nguy cơ thế nào. Muốn vậy phải xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du các hồ chứa để tránh được các thiệt hại khi xả lũ.
* Ông Nguyễn Đăng Hà (vụ trưởng Vụ An toàn đập, Tổng cục Thủy lợi):
Cần 3.000 tỉ đồng để cải tạo 200 hồ thủy lợi
Cả nước hiện có 1.645 hồ chứa bị xuống cấp, thiếu khả năng xả lũ, trong đó có 200 hồ chứa bị hư hỏng nặng, cần phải sửa chữa ngay trong năm 2020. Bộ đang báo cáo Chính phủ hỗ trợ các địa phương kinh phí để sửa chữa 200 hồ xuống cấp nghiêm trọng. Theo tính toán, cần khoảng 3.000 tỉ đồng để sửa chữa nâng cấp, trong đó trung ương hỗ trợ khoảng 1.500 tỉ đồng, phần kinh phí còn lại do các địa phương tự thu xếp. Trước đó, trong năm 2018 - 2019, Chính phủ đã hỗ trợ khoảng 500 tỉ đồng, các địa phương bố trí thêm khoảng 400 tỉ đồng để sửa chữa 84 hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp nặng.
* Ông Trần Viết Ngãi (chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN):
Giám sát chặt chất lượng xây dựng đập thủy điện
Sau sự cố Rào Trăng 3, cần xem lại chất lượng xây dựng, kết cấu các đập thủy điện nhỏ, chất lượng kè hai bên đập của các nhà máy thủy điện nhỏ. Nhiều nhà máy thủy điện nhỏ do tư nhân làm có chất lượng bêtông kém, không bảo đảm an toàn công trình, có nguy cơ vỡ đập khi lũ lớn. Cần quy trách nhiệm cho những người cấp phép, người có trách nhiệm giám sát chất lượng, nghiệm thu kỹ thuật công trình thủy điện nhỏ để xảy ra sự cố tại các địa phương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận