Thiệt hại về thủy sản của Việt Nam là đáng kể với giá trị ròng hiện tại khoảng 1,7 tỉ USD cho kịch bản năm 2020 và 3,2 tỉ USD cho kịch bản năm 2040. Ước tính có khoảng 3.450km bờ sông theo dòng chính và 1.400km ở khu vực ĐBSCL có nguy cơ sạt lở. Đó là những số liệu từ báo cáo của Ủy hội sông Mekong (MRC) công bố tháng 3-2018.
Hạ nguồn bất lợi
Việc tìm ra một giải pháp dung hòa cho quản lý tài nguyên nước sông Mekong từ hai thập niên qua không dễ dàng để đạt được khi quan điểm về quyền lợi các quốc gia khá khác biệt.
Nhà máy điện gió Bạc Liêu - Ảnh: Phan Thanh Cường
Trung Quốc và Lào nhìn tài nguyên nước sông Mekong như một nguồn thủy năng cho sản xuất điện để tiêu thụ nội địa và xuất khẩu cho các quốc gia lân cận. Trong khi đó nông dân và ngư dân ở Campuchia và châu thổ Cửu Long xem nước và phù sa sông Mekong là một tài nguyên cho nông nghiệp, thủy sản, hình thái đất đai và các hệ sinh thái thủy sinh khác.
Hoạt động thủy điện từ thượng nguồn đã và sẽ gây ra những hệ lụy vô cùng bất lợi cho cư dân và hệ sinh thái vùng hạ lưu sông Mekong, đặc biệt ở vùng đồng bằng Campuchia và đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam.
Tháng 3-2018, Ủy hội sông Mekong (MRC) công bố báo cáo "Nghiên cứu về quản lý và phát triển bền vững lưu vực sông Mekong, bao gồm cả tác động của các dự án thủy điện dòng chính", qua đó phỏng đoán các thiệt hại đáng kể cho vùng hạ lưu, đặc biệt ở ĐBSCL. Hệ sinh thái sẽ bị ảnh hưởng bất lợi do sự thay đổi quy luật thủy văn. Thảm thực vật bản địa ở ven sông và trong vùng đất ngập nước sẽ bị giảm nghiêm trọng.
Do phần lớn lượng phù sa bị giữ lại ở các hồ chứa thủy điện, kịch bản năm 2040 chỉ còn 4% lượng phù sa trước đập dự kiến sẽ đến được vùng châu thổ, gây nên tình trạng "nước đói phù sa", sẽ làm gia tăng xói lở.
Cộng thêm các tác động của biến đổi khí hậu sẽ nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực nặng nề cho các gia đình nghèo. Sự tổn thất này rất khó lòng giảm nhẹ và sự khôi phục rất hạn chế, đôi khi là sự mất mát vĩnh viễn.
Các nước làm gì?
Hồi tháng 3-2018, Công ty Điện lực Quốc gia Thái Lan (EGAT) tạm hoãn ký kết hợp đồng mua điện từ đập thủy điện Pak Beng của Lào. Thái Lan cũng tỏ ý trở thành một quốc gia phát triển năng lượng tái tạo lớn nhất Đông Nam Á.
Việt Nam cũng có thể xem xét chính sách nhập khẩu điện từ Lào và Campuchia nếu các nước này chứng minh được đây là nguồn điện từ nguồn tái tạo như điện gió, điện mặt trời (có thể là những tấm pin mặt trời đặt nổi trên các hồ chứa vốn rất sẵn có ở hai nước này).
Campuchia và Việt Nam đã nhất trí thỏa thuận xây dựng các cơ chế phối hợp xuyên biên giới để nâng cao việc chia sẻ thông tin, dữ liệu và cùng quản lý chung các nguồn tài nguyên nước xuyên biên giới.
Ảnh: CHÍ QUỐC
Các địa phương ở ĐBSCL và các nhà khoa học rất cần thiết đẩy mạnh rà soát để giảm thiểu các dự án dự kiến và công trình lớn không chắc chắn về mặt hiệu quả, gây tranh cãi như các dự án phát triển công trình nhiệt điện than, các dự án ngăn chặn dòng chảy, do có thể gây những thay đổi bất lợi về sinh thái và xã hội.
Đồng thời, cần có những quyết sách và đầu tư thực sự cho vấn đề tăng cường phát triển năng lượng tái tạo vốn rất dồi dào ở vùng châu thổ và có thể là cơ hội từ biến đổi khí hậu cũng như là một trong các giải pháp giảm thiểu và thích ứng đáng chú ý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận