Công nhân kỹ thuật của công ty khắc phục sự cố kẹt van - Ảnh: T.TÂN
Theo ông Thuận, tuy đã khắc phục được sự cố và chủ động trong công tác xả nước nhưng cơ quan chức năng yêu cầu chủ đầu tư không được xả tối đa hai cửa xả (lưu lượng 1.020m3/s) mà chỉ xả ở lưu lượng vừa phải để kiểm soát dòng chảy, tránh gây lũ hạ du.
Thông tin thêm, ông Chu Văn Quyền - giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Đắk Kar - cho biết cửa van số 1 và 2 đã được nâng lên và cửa đập đang xả với lưu lượng từ khoảng 120m3/s. Mực nước tại đập đang ở trình 475,3m, dung tích nước khoảng 11 triệu m3. "Việc xả kiểm soát như vậy nhằm tránh gây hậu quả, tạo lũ ở hạ du", ông Quyền nói.
Về việc chủ đầu tư thủy điện Đắk Kar cho rằng sự cố kẹt van xả nước là do... củi, ông Bùi Huy Thành - giám đốc Sở Công thương tỉnh Đắk Nông - cho rằng phải có cuộc họp giữa địa phương và bộ ngành liên quan mới có kết luận chính thức được.
Ông Thành nhận định thêm: do lưu lượng nước về dồn dập, bất ngờ với nhiều cây cối, gốc rễ trôi theo cũng có thể gây kẹt van. "Còn việc chủ đầu tư đã hoàn thiện hệ thống tải điện vào dàn phay ở cửa xả chưa thì sẽ kiểm tra sau khi tình hình mưa bão đi qua", ông Thành nói.
Trả lời thêm về trách nhiệm chủ đầu tư dẫn tới sự cố, ông Nguyễn Anh Hoàng, giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Phước, nói sau khi tình hình mưa lũ yên ổn, địa phương sẽ cùng chủ đầu tư đánh giá lại lỗi kẹt van là do thiết kế, bất khả kháng (do mưa, gỗ kẹt cửa van - PV) hay do thi công...
"Việc kết luận đúng nguyên nhân gây ra sự cố cũng để rút kinh nghiệm chung cho công tác quản lý, vận hành về sau", ông Hoàng chia sẻ.
Trước đó, như Tuổi Trẻ đã đưa tin, từ ngày 6 đến 8-8, tại Đắk Nông xảy ra mưa to khiến lượng nước đổ về hồ chứa thủy điện Đắk Kar với lưu lượng rất lớn.
Dung tích hồ chứa chỉ 11,6 triệu m3 nước nhưng ở thời điểm đỉnh điểm hồ chứa đạt gần 13 triệu m3. Do đó Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trung ương phải ra công điện khẩn để các địa phương cứu đập, sơ tán 5.000 người dân khỏi vùng nguy hiểm.
Giải thích sự cố kẹt van, ông Chu Văn Quyền nói thủy điện chưa vận hành nên chưa tích nước nhưng do mưa to bất ngờ đổ về khiến nhiều cây củi, gỗ chèn vào cửa xả lũ khiến kẹt van, không nâng hai cánh phay lên được.
Chủ đầu tư không báo cáo kịp thời
Trả lời về việc tại sao không báo cáo sự cố với ngành chức năng hai địa phương sớm hơn, ông Chu Văn Quyền cho biết lúc đó cửa van kẹt, nước về dồn dập nên mực nước lòng hồ dâng rất nhanh. "Do tình thế cấp bách, chúng tôi tập trung khắc phục sự cố. Lúc đó lu bu quá", ông Quyền nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận