Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng cao điểm xảy ra thường từ tháng 2 đến tháng 6, trong đó tháng 3 là đỉnh điểm. Thủy đậu cũng dễ bùng phát thành dịch, đặc biệt ở những nơi tập trung đông người như trường học, cơ quan, xí nghiệp.
Phần lớn bệnh nhân là trẻ em 5-11 tuổi nhưng bệnh vẫn xảy ra ở người lớn. 90% đối tượng chưa chủng ngừa thủy đậu sẽ có khả năng mắc bệnh, điều này có nghĩa là một người chưa được chủng ngừa thủy đậu nếu tiếp xúc với người bệnh thủy đậu hoặc người mang mầm bệnh thì chắc chắn sẽ bị lây bệnh. Do đó cần tiêm văcxin để chủ động phòng ngừa thủy đậu và thời điểm tốt nhất để chủng ngừa là trước khi mùa dịch xảy ra. Song trên thực tế đã có một số trường hợp vẫn bị bệnh thủy đậu lại mặc dù trước đó đã được chủng ngừa.
Hiện tượng “Breakthrough” (nhiễm lại) trong bệnh thủy đậu có thể xảy ra đối với một số trẻ sau chủng ngừa một liều văcxin. Điều này đang gây thắc mắc và lo lắng cho các bậc phụ huynh, nhất là vào thời điểm dịch bệnh như hiện nay. Kết luận của một nghiên cứu cho thấy: trẻ tiêm ngừa thủy đậu sau năm năm mắc bệnh lại nhiều hơn trẻ đã tiêm trước năm năm và tỉ lệ nhiễm lại tăng dần theo năm, từ 1,6/1.000 người/năm đầu; 9/1.000 người sau năm năm đến 58,2/1.000 người sau chín năm. Điều này xảy ra là do nồng độ kháng thể kháng thủy đậu đã bị giảm dần theo thời gian; các trường hợp nhiễm bệnh lại thường nhẹ, ít tổn thương và thời gian lành bệnh ngắn hơn, nhưng đáng lưu ý là virút thủy đậu vẫn có khả năng lây lan trong những trường hợp này.
Do đó từ ngày 22-6-2007, Ủy ban Thực hành tiêm chủng Hoa Kỳ ACIP đã khuyến cáo nên chủng ngừa hai liều văcxin thủy đậu cho cả trẻ em từ 12 tháng đến 12 tuổi. Liều đầu tiên bắt đầu thực hiện ở lứa tuổi 12-15 tháng, liều thứ hai tiêm sau 4-12 tuần hoặc trong khoảng 4-6 tuổi để gia tăng hiệu quả bảo vệ và giảm sự nhiễm lại thủy đậu cho trẻ. Đối với trẻ trên 13 tuổi, thanh thiếu niên và người lớn nên tiêm hai liều cách nhau sáu tuần.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận