18/12/2017 09:33 GMT+7

Thủy đài Sài Gòn sẽ có diện mạo mới, nếu...

NGUYỄN MINH HÒA
NGUYỄN MINH HÒA

TTO - Dưới bàn tay của kiến trúc sư, thủy đài ở nhiều nước trở nên đẹp lung linh, hấp dẫn du khách.

Bài viết "Thủy đài trong niềm lưu luyến..." nhận được sự quan tâm của bạn đọc. Để rộng đường dư luận, Tuổi Trẻ tiếp tục đăng ý kiến của tác giả Nguyễn Minh Hòa với những đề xuất cụ thể có thể tham khảo.

Thủy đài Sài Gòn sẽ có diện mạo mới, nếu... - Ảnh 1.

Thủy đài trên đường Võ Văn Tần, Q.3, TP.HCM là thủy đài cổ nhất đang được giữ lại - Ảnh: HỮU KHOA

Thủy đài từng là biểu hiện của văn minh đô thị, mở đầu việc dùng nước sạch thay cho nước sông, hồ truyền thống. Năm tháng qua đi, các công nghệ và kỹ thuật hiện đại đã đưa nước đến tận hộ gia đình, thủy đài dần kết thúc vai trò lịch sử là bồn chứa nước.

Sự "phá sản" của một ý tưởng

Đành rằng không phải cái gì của quá khứ cũng cần giữ lại, bởi giữ nhiều quá làm nặng hành trang, nhưng không phải cái gì hết giá trị là phế bỏ, nhất là với các công trình kiến trúc.

Cách nay 6 tháng, có một doanh nhân Hàn Quốc muốn biến thủy đài ở Sài Gòn thành khách sạn mini. Tôi đưa ý tưởng của ông ta đến Hội Kiến trúc sư thành phố, được giới chuyên môn hoan nghênh, nhưng đến đó thì tắc tị, bởi từ ý tưởng thành hiện thực ở xứ ta vô cùng nhiêu khê. 

Nội việc cơ quan quản lý nhà nước xem xét việc ai thụ lý hồ sơ, ai quyết định cuối cùng đủ thấy rắc rối.

Có người nói nó là công trình nghiên cứu nên phải làm đề tài nghiên cứu thông qua Sở Khoa học - công nghệ; có người nói đây là dự án đầu tư kinh doanh nên phải qua Sở Kế hoạch - đầu tư, người khác nói nó là dự án cải tạo - chỉnh trang công trình kiến trúc nên phải qua Sở Quy hoạch - kiến trúc. 

Chưa kể làm cái việc biến cái này thành cái kia có thể phải qua Sở Tài nguyên - môi trường để xác định chủ sở hữu, qua Sở Tài chính để xem xét giá thuê hay mua, qua Hội đồng di sản xem nó có được phép sử dụng không... 

Cuối cùng, nhà đầu tư phải từ bỏ ý định vì không biết làm thế nào, phía thành phố cũng không biết làm ra sao vì chưa có tiền lệ.

Thực ra ý tưởng của nhà đầu tư kia không có gì mới. Những nước như Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước châu Âu dường như chẳng bỏ cái gì được coi là "ký ức". 

Ngoài việc giữ một số thủy đài nguyên mẫu, một số khác họ chuyển thành khách sạn, văn phòng làm việc, thư viện cho thiếu nhi, phòng triển lãm chuyên đề. Dưới bàn tay tài hoa của các kiến trúc sư, thủy đài trở nên đẹp lung linh, hấp dẫn khách du lịch tứ phương.

Mở đường cho sáng kiến

Trở lại trường hợp thủy đài ở TP.HCM, chúng ta thấy có hai điều cần bàn qua chuyện này:

- Thứ nhất, thành phố nên tạm ngưng đập các thủy đài, tiến hành lấy ý kiến chuyên gia ở các lĩnh vực liên quan như kiến trúc, lịch sử, bảo tồn, du lịch để từ đó đưa ra quyết định tối ưu. 

Trước mắt có thể giao cho Hội Kiến trúc sư thử nghiệm nâng cấp, cải tạo thành khách sạn, sau đó giao Sở Du lịch khai thác, hoặc cho đấu giá công khai để các nhà đầu tư, các công ty, các cá nhân có tiềm lực khai thác. 

Tôi tin nếu biết khai thác cảm hứng sáng tạo và tạo điều kiện thuận lợi về pháp lý, trong số các thủy đài dự định tháo dỡ sẽ có cái được khoác áo mới, có chức năng mới hấp dẫn và mang lại lợi ích kinh tế. 

Đặc biệt, những thủy đài hình cây nấm, có diện tích sử dụng 300 - 500m2 rất dễ cho việc chuyển đổi công năng sử dụng.

- Thứ hai, cần xây dựng cơ chế tiếp nhận các sáng kiến. Các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM cần có những cơ quan, tổ chức tiếp nhận sáng kiến của mọi người từ trí thức, dân thường đến người nước ngoài. 

Tổ chức này có trách nhiệm tiếp nhận, phân loại, chuyển giao và giúp hiện thực hóa các sáng kiến của người dân một cách thuận lợi.

Tất nhiên không phải sáng kiến nào cũng có thể hiện thực hóa, nhưng cách tiếp nhận, thái độ tôn trọng của người có trách nhiệm sẽ làm người có sáng kiến phấn khởi và truyền cảm hứng cho những người khác. 

Trong khi đó, Việt Nam chưa có tổ chức chuyên trách nào đảm nhiệm việc này. Rồi các thủ tục hành chính rắc rối, các quy định cứng nhắc, thái độ làm khó của nhân viên công vụ càng khiến người dân nản lòng... 

Ở Việt Nam, sáng kiến, đề xuất thường phải được đăng ký dưới dạng đề tài, dự án mới được xem xét, còn những sáng kiến dưới dạng "ý tưởng" lại không được hoan nghênh vì bị cho là "tào lao". 

Thường các cơ quan quản lý nhà nước cũng không thích những sáng kiến mới, phá cách, khác với những quy định mang tính pháp quy bởi sợ những sáng kiến đó gây khó khăn cho công tác quản lý.

Nếu cứ nghĩ những thứ đã hết thời cần hóa kiếp thì thật dễ, đập nhanh thôi, ai làm chả được, cũng chẳng cần phải bàn. Nhưng giữ chúng lại, thổi vào luồng sinh khí mới để sống cùng chúng ta mới quan trọng. Vậy hãy cất búa đi, ngồi lại với nhau, điều đó chắc chắn tốt hơn là đập phá.

Ở Singapore, mỗi năm hai lần, Văn phòng Thủ tướng Lý Hiển Long cùng hội đồng cố vấn của ông ta tổ chức gặp gỡ giới trẻ, sinh viên của Singapore để nghe các bạn trẻ hiến kế phát triển Singapore.

Ở Thái Lan, Trường đại học Chulalongkorn và chính quyền thành phố Bangkok đã thành lập một cơ quan với nhiều chi nhánh ở các quận luôn sẵn sàng tiếp nhận các sáng kiến từ mọi người, mọi giới, kể cả khách du lịch nước ngoài, sau đó họ phân loại, chuyển đến các bộ phận có liên quan nghiên cứu để thực hiện.

Thủy đài trong niềm lưu luyến của người Sài Gòn

TTO - Bao nhiêu năm, những công trình thủy đài nằm giữa Sài Gòn đã in sâu vào tâm trí người dân Sài thành với hình bóng quen thuộc. Giờ đây, nhiều người tiếc nuối nói lời chia tay.

Thủy đài thời Pháp: chứng nhân điện - nước Sài Gòn một thuở

TTO - Thuở sơ khai, đất Sài Gòn - Bến Nghé dùng nguồn nước mưa, nước giếng. Khoảng năm 1878-1880, người Pháp xây lên những thủy đài để cung cấp nguồn nước cho cư dân Sài Gòn.

NGUYỄN MINH HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên