Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3:
Phóng to |
Cách nửa vòng Trái đất, tại tiểu bang California, Mỹ, có 18 thành viên ban điều hành Hội Bạn người cùi vẫn miệt mài làm đủ mọi việc để xin tài trợ cho những người mắc căn bệnh này.
“Tất cả vì người cùi”
Bà Nguyễn Thị Soi (60 tuổi, tiểu bang California) nhớ lại buổi chiều cuối năm 1993, bà nhận được cuộn băng ghi hình của một người quen từ VN gửi qua Mỹ. Cuộn băng ghi lại hình ảnh cuộc sống của người dân làng phong Cam Tân (Cam Ranh, Khánh Hòa). Đó là hình ảnh cặp vợ chồng bệnh nhân phong sống trong một túp lều rách nát. Trời mưa dột chỗ này họ lại dời đi chỗ kia, đôi bàn tay đã cụt hết các ngón vẫn giữ chặt lấy nhau. Người dân làng phong lấy dây thun cột chặt cán cuốc vào cùi tay để cuốc đất trồng mía, trồng khoai mì. Vùng đất miền Trung khô cằn, những cùi tay không còn ngón bật máu... Họ vẫn miệt mài làm việc.
Hội Bạn người cùi được thành lập năm 1995 do một nhóm những người thiện chí tại tiểu bang California, Mỹ. Đây là tổ chức từ thiện bất vụ lợi, phi chính trị, không đảng phái, không phân biệt tôn giáo, được chính quyền Liên bang Hoa Kỳ và tiểu bang California chấp thuận cho hoạt động với tôn chỉ “Tất cả cho người phong cùi”. Hoạt động của hội là tài trợ tài chính cho người bệnh phong, dựng nhà, giúp vốn cho những người đã hết bệnh, cấp học bổng và nuôi ăn cho con em người bệnh phong, xây trường học... Hiện nay hội đang giúp đỡ hơn 4.200 người bệnh phong cùng con em của họ trên khắp VN. Cứ hai tháng một lần, họ gửi tiền về VN cho người bệnh thông qua hội đồng bệnh nhân, số tiền 180.000 đồng/tháng với người sống trong trại phong, 300.000 đồng/tháng với người sống ngoài trại. Con người bệnh phong học từ mẫu giáo đến đại học được cấp 600.000-30 triệu đồng/em/năm. |
Cũng từ lần đó, bà Soi mới biết làng phong Cam Tân không phải là làng phong duy nhất ở VN. Còn có rất nhiều làng phong khác, hàng ngàn người bệnh phong khác ở khắp nơi trên cả nước có cuộc sống thiếu thốn, khổ cực. “Phải làm gì để giúp họ”- bà nghĩ. Rồi bà rủ thêm một vài người bạn tổ chức đêm nhạc. Họ mời ca sĩ biểu diễn, mời khách tới dự và kêu gọi tài trợ. “Năm đầu tiên tôi xin được 24.000 USD, năm thứ hai xin được 32.000 USD... Chúng tôi xin danh sách người bệnh phong, rồi chia đều số tiền đó gửi về cho họ. Tới năm 1995 thì Hội Bạn người cùi ra đời” - bà chia sẻ.
17 năm thành lập là bấy nhiêu năm những người trong ban điều hành như bà Soi, ông Công... làm việc miệt mài. Mỗi năm, Hội Bạn người cùi tổ chức đêm đại nhạc hội một lần để gây quỹ. Họ mời các ca sĩ hải ngoại đến biểu diễn, mời Việt kiều Mỹ tới dự. Đêm đại nhạc hội còn dành thời gian để chiếu hình ảnh về những người bệnh phong ở VN. Đó là những thước phim chân thực mà ban điều hành hội quay được vào những dịp về nước cuối năm.
Ông Nguyễn Văn Công (hội trưởng Hội Bạn người cùi) cho biết: “Chúng tôi xin phép Chính phủ Liên bang Mỹ cho in vé số bán để gây quỹ cho người bệnh phong, có khai thuế. Mỗi vé số được bán với giá 2 USD. Mỗi đợt in, chúng tôi gửi cho 10.000 ân nhân của hội, mỗi người 20 vé. Tùy tấm lòng và điều kiện kinh tế, họ mua bao nhiêu thì mua, còn lại bao nhiêu gửi trả lại hội. Mỗi năm ít nhất chúng tôi cũng thu được 20.000 USD từ tiền bán vé số để giúp đỡ người bệnh phong”.
Phải làm thế nào để các nhà hảo tâm tin tưởng vào hội, để họ biết được số tiền của họ giúp ích được cho người bệnh phong là điều mà những người trong ban điều hành như ông Công luôn đặt ra. Là một tổ chức từ thiện, ông đặt ra nguyên tắc làm việc phải rõ ràng, minh bạch. Số tiền thu chi mỗi năm hội đều công bố trên website nguoicui.org và các phương tiện truyền thông đại chúng. Nhờ vậy, hội ngày càng lớn mạnh và nhận được nhiều sự ủng hộ của mọi người. Không chỉ trợ cấp cho người bệnh phong, hội còn nhận trợ cấp, nuôi ăn học cho tất cả các em từ mẫu giáo đến đại học là con người bệnh.
Hội ngộ những tấm lòng
Ông Công năm nay đã bước sang tuổi 72. Trong số 18 thành viên của hội, người ít tuổi nhất cũng đã 60. Những thành viên của hội cứ đến rồi đi, riêng bà Soi, ông Công vẫn ở lại từ ngày đầu tiên thành lập hội đến bây giờ. Năm này qua năm khác, họ làm vô số công việc không tên và có tên khác nhau: từ việc xem hồ sơ, danh sách của người bệnh phong và con em họ để trợ cấp, đến việc chuẩn bị cho chương trình nhạc hội, lên danh sách khách mời, làm đĩa, dựng phim... Họ làm những việc ấy một cách tự nguyện mà không có bất cứ đồng thù lao nào.
Ông Công bảo công việc hiện tại là cuộc hội ngộ của những tấm lòng. Đó là của hơn 10.000 Việt kiều tại Mỹ đều đặn mua vé số, đều đặn ủng hộ quỹ dành cho người bệnh phong mấy chục năm nay. Là các ca sĩ nhận lời biểu diễn miễn phí trong đêm nhạc hội, là các thành viên nhà in chỉ tính tiền vật liệu mà tuyệt đối không lấy một đồng tiền lãi khi in vé số... Là một người phụ nữ Việt kiều tại Mỹ gửi 200 USD ủng hộ người bệnh phong, dù bản thân chị vừa bị chồng bỏ, đang nuôi con nhỏ và không đủ tiền trả tiền thuê nhà.
Ông Công không nói nhiều về việc ông đang ở tuổi 72, vẫn suốt ngày chạy ngoài đường cùng bà Soi lo vô số việc để có thể duy trì việc gửi tiền tài trợ đều đặn hằng tháng cho 4.200 người bệnh phong ở VN. Ông lý giải những việc mình làm một cách nhẹ nhõm: “Đời sống này ngắn ngủi quá, tôi luôn tâm niệm những gì cho đi thì còn, giữ lại thì mất. Mình sinh ra may mắn được là người khỏe mạnh, đủ cơm ăn áo mặc, nên muốn làm gì đó cho những người kém may mắn hơn. Người cùi là những người đáng được thương yêu nhất. Bệnh tật làm họ đau đớn, cô đơn, sự xa lánh của mọi người làm họ chết dần chết mòn. Tôi chỉ mong ngày càng thêm nhiều bàn tay chia sẻ với họ...”.
17 năm nay, đều đặn mỗi năm ông Công, bà Soi và một số người trong hội vẫn chắt chiu tiền lương hưu, để dành mỗi người 4.000-5.000 USD để về VN thăm những người bệnh phong và kiểm tra lại công việc. Trên đất nước trải dài hình chữ S, ở đâu có người bệnh phong là ở đó họ có mặt. Đúng như tên gọi của hội, họ thật sự là những người bạn của người bệnh phong. Thế nên họ đợi chờ vào mỗi dịp cuối năm để được gặp nhau, ôm hôn, nắm tay chia sẻ với nhau.
______________
Kỳ tới: Chuyện tình bên mộ Hàn Mặc Tử
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận