Với tên gọi chính thức là Đạo luật trách nhiệm tài khóa, dự luật này được xây dựng trên cơ sở thỏa thuận giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy nhằm giúp Mỹ thoát cảnh vỡ nợ.
Trong cuộc bỏ phiếu tối 1-6 giờ Mỹ (sáng 2-6 theo giờ Việt Nam), tất cả 100 thượng nghị sĩ đã tham gia bỏ phiếu thông qua dự luật trước thời hạn 5-6, nhằm đình chỉ trần nợ cho đến hết ngày 1-1-2025, tức gỡ bỏ giới hạn số tiền Chính phủ Mỹ có thể vay để chi trả các nghĩa vụ của mình. Trần nợ của Mỹ hiện ở mức 31.400 tỉ USD.
Kết quả cuộc bỏ phiếu ở Thượng viện là 63 phiếu thuận và 36 phiếu chống. Theo Hãng tin Reuters, Quốc hội sẽ nhanh chóng gửi dự luật cho Tổng thống Joe Biden ký, ngăn chặn một vụ vỡ nợ thảm khốc.
Trước đó, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật nâng trần nợ công vào tối 31-5 (giờ Mỹ) với tỉ lệ phiếu 314-117.
"Nước Mỹ có thể thở phào nhẹ nhõm vì tránh được tình trạng vỡ nợ" - ông Chuck Schumer, lãnh đạo phe đa số Dân chủ tại Thượng viện, phát biểu.
Ông Schumer nói thêm một vụ vỡ nợ "gần như chắc chắn sẽ gây ra một cuộc suy thoái khác. Đó sẽ là cơn ác mộng đối với nền kinh tế của chúng ta và hàng triệu gia đình Mỹ. Sẽ mất nhiều năm để phục hồi".
Đảng Dân chủ kiểm soát Thượng viện với chênh lệch 51-49. Quy tắc của Thượng viện yêu cầu 60 phiếu bầu để thông qua hầu hết các dự luật, nghĩa là cần ít nhất 9 phiếu bầu của Đảng Cộng hòa để thông qua dự luật nâng trần nợ công.
Trong 5 tháng qua, cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều đã liên tục đàm phán về trần nợ công. Đảng Cộng hòa, phe kiểm soát Hạ viện, đã nhấn mạnh việc cắt giảm chi tiêu chính phủ trên diện rộng là một phần của thỏa thuận về nâng trần nợ.
Có một điểm đặc biệt là theo ông Schumer, giới hạn chi tiêu trong dự luật này không hạn chế Quốc hội Mỹ phê duyệt các khoản tiền bổ sung cho các trường hợp khẩn cấp, bao gồm hỗ trợ Ukraine trong xung đột với Nga.
Văn phòng Ngân sách Quốc hội ước tính dự luật sẽ tiết kiệm được 1.500 tỉ USD trong 10 năm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận