Thượng nghị sĩ John McCain, người chủ trương quan điểm cứng rắn với Nga - Ảnh: Reuters |
Theo hãng tin Reuters, ngày 27-7 với số phiếu ủng hộ áp đảo 98/2 từ các thượng nghị sĩ của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn dự luật. Dự luật này không chỉ áp lệnh trừng phạt với Nga mà còn với cả Iran và Triều Tiên.
Lúc này dự luật sẽ được chuyển lên tổng thống xem xét. Ông Trump hoặc sẽ ký phê chuẩn hoặc sẽ phủ quyết nó.
Đây là dự luật chính sách đối ngoại lớn đầu tiên được lưỡng viện quốc hội Mỹ thông qua dưới thời ông Trump. Bởi thời gian qua tân tổng thống Mỹ hầu như chỉ bận rộn với những chính sách đối nội.
Nếu ông Trump chọn cách phủ quyết dự luật, nhiều khả năng nó vẫn sẽ nhận đủ sự ủng hộ ở cả hai viện quốc hội để có thể bác bỏ quan điểm tổng thống và trở thành luật.
Dĩ nhiên dự luật này đe dọa tiếp tục làm xấu hơn mối quan hệ Nga - Mỹ, vấn đề vốn đã rất tệ dưới thời cựu tổng thống Barack Obama.
Ông Trump kỳ vọng có thể cải thiện quan hệ đó, tuy nhiên chính quyền của ông cho tới nay vẫn bị “phủ bóng” với rất nhiều cuộc điều tra đã và đang diễn ra liên quan tới cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ để ủng hộ ông.
Trước khi được thông qua ở Thượng viện, dự luật trừng phạt Nga đã được thông qua ở Hạ viện cũng với số phiếu thuận áp đảo, 419/3.
Phát biểu ngay trước thời điểm Thượng viện bỏ phiếu, thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain, người chủ trương quan điểm cứng rắn với Nga, cho rằng: “Hợp chúng quốc Hoa Kỳ cần gửi một thông điệp mạnh mẽ tới ông Vladimir Putin và bất cứ những kẻ gây hấn khác rằng, chúng tôi sẽ không dung thứ mọi cuộc tấn công nhằm vào nền dân chủ của chúng tôi”.
Trong khi đó tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Matxcơva sẽ chỉ quyết định kế hoạch trả đũa sau khi có được văn bản cuối cùng của điều luật trừng phạt họ từ Mỹ.
Dự luật trừng phạt vừa được thông qua sẽ gây ảnh hưởng lớn tới một loạt ngành công nghiệp của Nga, và có nguy cơ khiến nền kinh tế Nga tiếp tục gặp nhiều tổn thất.
Kinh tế Nga vốn đã vấp phải không ít khó khăn với các lệnh trừng phạt năm 2014 mà Mỹ và phương Tây áp đặt với nước này sau cuộc khủng hoản ở Ukraine.
Tuy nhiên không chỉ gây lo lắng cho Nga, dự luật đó cũng khiến Liên minh châu Âu lo ngại khi EU cho rằng nó sẽ ảnh hưởng xấu tới an ninh năng lượng của họ. Do đó EU cũng sẽ phải có biện pháp phản ứng nếu dự luật được thực thi.
Đầu ngày 27-7 một trợ lý cấp cao Nhà Trắng cho biết ông Trump có thể sẽ phủ quyết dự luật để tìm kiếm một thỏa thuận khác cứng rắn hơn.
Tuy nhiên thông tin này khiến quốc hội ngờ vực vì trên thực tế, trong nhiều tuần qua, chính quyền ông Trump đã dồn nhiều tâm sức để vận động thông qua một dự luật mềm mỏng hơn.
Cũng trong ngày 27-7, thượng nghị sĩ Bob Corker, chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ, nêu phỏng đoán của ông với báo giới: “Tôi đoán là ông ấy (Trump) sẽ ký”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận